Sau 10 năm đi vào thực thi, Luật Trọng tài Thương mại đã bộc lộ không ít những bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và uy tín của trọng tài thương mại ở Việt Nam.
Luật Trọng tài Thương mại được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2010 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2011 (Luật TTTM) có nhiều điểm mới thuận lợi cho hoạt động Trọng tài thương mại, khắc phục những tồn tại của Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 nhằm đảm bảo những cơ sở pháp lý phù hợp cho vai trò của Tòa án trong việc hỗ trợ Trọng tài thương mại.
Tuy nhiên, khi bình luận về quá trình thực thi Luật Trọng tài Thương mại, ông Từ Duy Lượng, Nguyên chánh án Tòa án Nhân dân tối cao lại cho rằng các quy định của Luật thực sự được hiểu một cách nhất quán và đầy đủ chỉ khi Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 về hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM.
Quy định thiếu nhất quán
Dẫn chứng cụ thể, ông Lượng lấy vì dụ về vấn đề khiếu nại Quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận Trọng tài vô hiệu, thỏa thuận Trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.
“Đa số các khiếu nại về Quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận Trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thường tập trung vào thỏa thuận của các bên về lựa chọn Trung tâm trọng tài giải quyết vụ việc. Việc các bên có thỏa thuận Trọng tài nhưng lại không chỉ rõ lựa chọn Trung tâm trọng tài cụ thể nào hoặc tuy có chỉ rõ Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận việc giải quyết theo quy tắc tố tụng của một Trung tâm trọng tài khác (hoặc thỏa thuận áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự mà các Tòa án áp dụng); thoả thuận về địa điểm giải quyết của Trọng tài (địa điểm công bố Phán quyết) cũng dẫn đến những tranh chấp về thẩm quyền Trọng tài”, ông Lượng nói.
Ông Lượng cho rằng xung quanh vấn đề này cũng cần có trao đổi để làm rõ các quy định pháp luật về địa điểm giải quyết tranh chấp khoản 8 điều 3, điều 11 và ban hành Phán quyết khoản 3 điều 61 Luật TTTM trong việc xem xét khiếu nại, cụ thể, tại khoản 8 điều 3 quy định, địa điểm giải quyết tranh chấp là nơi Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên hoặc do Hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thỏa thuận. Nếu địa điểm giải quyết tranh chấp được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam thì Phán quyết phải được coi là tuyên tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp để ra Phán quyết đó.
Tại điều 11 Luật TTTM quy định các bên có quyền thoả thuận địa điểm giải quyết tranh chấp; trường hợp không có thoả thuận thì Hội đồng trọng tài quyết định. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Tại khoản 3 điều 61 Luật TTTM quy định là Phán quyết trọng tài được ban hành ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng. Tình huống cần lưu ý ở đây là nếu có sự thỏa thuận của các bên về địa điểm thì trong mọi trường hợp Hội đồng trọng tài phải tiến hành phiên họp giải quyết theo địa điểm các bên đã lựa chọn. Hội đồng trọng tài không thể tiến hành phiên họp tại nơi khác với sự thỏa thuận.
Trường hợp nếu không có thỏa thuận thì Hội đồng trọng tài có quyền quyết định địa điểm giải quyết, có thể là trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nếu Hội đồng trọng tài lựa chọn địa điểm tiến hành phiên họp ngoài lãnh thổ Việt Nam và Phán quyết được tuyên như quy định tại khoản 3 điều 61 Luật TTTM thì rõ ràng Phán quyết này không được coi là Phán quyết được tuyên tại Việt Nam như quy định tại khoản 8 điều 3 Luật TTTM. Trường hợp này Tòa án nào mới có thẩm quyền xem xét yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài. Vì tại điều 7 Luật TTTM, thì đối với yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài, đăng ký Phán quyết trọng tài vụ việc thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên Phán quyết trọng tài.
Ông Lượng nhận định quy định của pháp luật như vậy nên các Hội đồng trọng tài cũng cần cân nhắc thận trọng khi quyết định chọn địa điểm tiến hành giải quyết vụ kiện và đây sẽ là nguồn cơn để yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài sau này.
“Việc lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp đã được các bên thỏa thuận hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng chính nhưng các hợp đồng phụ, hợp đồng tiếp theo chỉ ghi căn cứ hợp đồng chính mà không nêu điều khoản Trọng tài (ví dụ: các hợp đồng của chủ đầu tư với nhà thầu chính; của nhà thầu chính với nhà thầu phụ, của các nhà thầu với bên cung ứng…). Trong tình huống này, quan điểm các Thẩm phán đều cho rằng thỏa thuận Trọng tài chỉ là thỏa thuận giữa các bên trực tiếp tham gia ký kết thỏa thuận Trọng tài với nhau, các thỏa thuận với các bên khác tiếp theo mà trong hợp đồng không ghi rõ điều khoản Trọng tài thì không đương nhiên được coi là có thỏa thuận Trọng tài (trừ khi hợp đồng phụ, hợp đồng tiếp theo có điều khoản viện dẫn áp dụng thỏa thuận Trọng tài của hợp đồng chính)”, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh.
Phần lớn các khiếu nại về thẩm quyền của Trọng tài đều được các Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên duy nhất ra quyết định riêng để trả lời người khiếu nại. Có quan điểm cho rằng Luật TTTM không quy định nên Hội đồng trọng tài không nhất thiết phải ra một Quyết định riêng về thẩm quyền. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng tuy Luật TTTM không quy định Hội đồng trọng tài phải ra Quyết định về thẩm quyền nhưng khoản 1 Điều 44 Luật TTTM lại quy định các bên có quyền khiếu nại đối với Quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền nên khi Hội đồng trọng tài không ra một quyết riêng mà chỉ quyết định trong Phán quyết trọng tài là đã làm mất quyền khiếu nại của đương sự và vi phạm tố tụng Trọng tài. Đây chính là căn cứ để Tòa án hủy một số Phán quyết trọng tài trong thời gian vừa qua.
Từ thực tế làm nghề, ông Lượng cho rằng nếu Hội đồng trọng tài ra quyết định riêng sẽ thuận lợi hơn cho Tòa án khi đánh giá khiếu nại trên cơ sở xem xét cả hai quan điểm của người khiếu nại và của Hội đồng trọng tài để có thêm nhận định khách quan khi giải quyết.
Cải thiện hiệu quả hoạt động giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành Phán quyết
Để tháo gỡ các vướng mắc nói trên, tránh trường hợp Phán quyết trọng tài bị hủy hoặc không được công nhận một cách tùy tiện, ông Lượng cho rằng cần cải thiện hiệu quả hoạt động giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành Phán quyết trọng tài nước ngoài tại Tòa án Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức Trọng tài và phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Theo đó, Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn rõ hơn về trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng Trọng tài để Tòa án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật.
"Các nhà làm luật cũng cần bổ sung quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với các Quyết định hoặc Phán quyết của Trọng tài Việt Nam được tuyên ở nước ngoài mà các bên không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án có thẩm quyền và quy định về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với các quyết định của Trọng tài nước ngoài được tuyên ở Việt Nam", ông Lượng nhấn mạnh.
Về phía các doanh nghiệp, ông Lượng cho rằng doanh nghiệp cũng cần cẩn thận hơn khi ký kết các thỏa thuận trọng tài; các Trọng tài viên cần cẩn trọng hơn khi thực hiện tố tụng Trọng tài và ra các Phán quyết trọng tài trong quá trình giải quyết các tranh chấp, tránh các thiếu sót có thể dẫn đến Phán quyết trọng tài bị hủy.
"Các Thẩm phán khi xét đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài nếu xét thấy Hội đồng trọng tài có những sai xót nhưng không nghiêm trọng hay không làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ tranh chấp, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên thì có thể cho Hội đồng trọng tài khắc phục như Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã làm như cho Hội đồng trọng tài giải thích lại nội dung Phán quyết để cơ quan thi hành án hiểu và thi hành được hay cho Hội đồng trọng tài giải thích cho đương sự được quyền khởi kiện lại vụ án khác khi có yêu cầu…", ông Lượng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
10:02, 17/06/2020
04:30, 15/06/2020
12:26, 25/05/2020