Tranh luận về những bài học thiếu tính khoa học, thiếu tính giáo dục trong sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, "phần trả lời của Bộ trưởng chưa thuyết phục".
Sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Là Bộ trưởng lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời các vấn đề liên quan đến việc bảo đảm chất lượng dạy và học, đổi mới căn bản GD-ĐT, công tác dạy và học trực tuyến, giảm tải chương trình, bảo đảm công bằng trong dạy học, an toàn y tế trường học, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia...
Liên quan đến việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu chia sẻ với ngành giáo dục về những khó khăn lớn mà đại dịch gây ra khi vừa bắt đầu thực hiện chương trình mới. Tuy nhiên, bà Thúy nhận xét: Bộ GD-ĐT, lãnh đạo chính quyền và ngành giáo dục ở không ít địa phương chưa quán triệt đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội và luật Giáo dục về sách giáo khoa.
Bà Thúy chỉ ra nhiều bất cập trong việc lựa chọn sách giáo khoa, nhiều cơ sở giáo dục đã phải lên tiếng phàn nàn về hội đồng tuyển chọn sách mà không quan tâm đến ý kiến của cơ sở. Nếu việc lựa chọn sử dụng sách tiếp tục diễn ra như vậy thì chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa sẽ khó được triển khai, dẫn tới nguy cơ quay trở lại tình trạng độc quyền mặt hàng này như trước kia.
"Trước kỳ họp, tôi cũng nhận được đơn kiến nghị tố cáo kèm theo tài liệu có liên quan. Tôi sẽ chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền", bà Thúy cho hay.
Tiếp tục phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Huế hỏi, bộ sách khoa học tự nhiên, tiếng Việt của NXB Giáo dục Việt Nam có một số điểm thiếu tính khoa học và giáo dục. Trong đó, môn học tích hợp trong chương trình sách giáo khoa mới đang nảy sinh tình trạng một môn học có ba giáo viên được lên lớp, do chuyên môn giáo viên khác nhau.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời, khi có các ý kiến về sách giáo khoa, hội đồng chuyên môn đã trao đổi với các đơn vị, kịp thời điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi đến tay học sinh. "Về lâu dài Bộ đang điều chỉnh về quy trình, điều kiện để đảm bảo sách giáo khoa có chất lượng ngày càng cao hơn", ông Sơn nói.
Về dạy học tích hợp, Bộ trưởng nói việc này đang thực hiện ở lớp 6. Bộ đã hướng dẫn các nhà trường sắp xếp sao cho ba giáo viên của các phân môn khác nhau dạy học theo logic nội dung. "Đơn vị nào sắp xếp theo đúng nội dung chương trình thì triển khai thuận lợi. Đơn vị nào sắp xếp cả ba giáo viên dạy song song thì có phần lúng túng. Quá trình triển khai bộ có tập huấn cho các đơn vị. Chúng tôi tiếp tục tăng cường triển khai các môn tích hợp trong thời gian tới", ông nói.
Tranh luận về những bài học thiếu tính khoa học, thiếu tính giáo dục trong sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, "phần trả lời của Bộ trưởng chưa thuyết phục".
Bà nói, sách giáo khoa sai thì học sinh đã mua, đã học. Nên dư luận đang trông chờ sự giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch của Bộ. Theo bà, cần có sự trả lời trước công luận càng sớm càng tốt. Tập thể tác giả và NXB Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sách giáo khoa, trách nhiệm trước hết là của Hội đồng thẩm định do Bộ thành lập. Trách nhiệm thứ hai thuộc về cơ quan tham mưu của Bộ. Thứ ba, là trách nhiệm của lãnh đạo Bộ. "Dù việc phê duyệt sách giáo khoa là của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước là xuyên suốt. Lãnh đạo Bộ cần chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam và tập thể tác giả sách giáo khoa nói trên giải trình trước công luận. Nếu có sai sót thì lãnh đạo Bộ phải chỉ đạo sữa chữa, khắc phục, xử lý theo thẩm quyền", đại biểu Thúy nói.
Trong một nội dung trả lời đại biểu khác, Bộ trưởng Giáo dục cho biết ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy và sẽ có những chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới.
Xung quanh về đề về giải pháp nâng cao chất lượng sách giáo khoa, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) hỏi: "Hiện nay có nhiều lỗi và sạn trong SGK, vậy làm sao để nâng cao chất lượng? Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TPHCM): Đề nghị Bộ trưởng có đánh giá bước đầu về việc học chương trình, SGK mới lớp 2, lớp 6. Thứ hai, Bộ có chỉ đạo gì về việc kiểm tra giữa kỳ bằng hình trực tuyến nhằm đảm bảo thực chất, công bằng. Thứ 3, vấn đề ứng xử trên mạng xã hội còn nhiều bất cập. Vậy theo Bộ trưởng, có nên đưa vấn đề này vào môn học Giáo dục công dân hoặc tiết chuyên đề?"
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định cần nhiều yếu tố. Trong đó người soạn sách là đặc biệt quan trọng, bên cạnh quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến các đối tượng liên quan khác nhau.
Hiện nay, Bộ Giáo dục đang sửa đổi thông tư 33 về biên soạn, thẩm định xuất bản SGK. Văn bản này đang được lấy ý kiến nhân dân. Trong đó, Bộ chủ trương không đợi tác giả, nhà xuất bản mang bản mẫu đến mới thẩm định mà sẽ giám sát, đồng hành cùng các nhóm tác giả ngay từ đầu. "Mặc dù xã hội hóa nhưng cần giám sát toàn bộ quá trình và có sự đồng hành của nhà quản lý chứ không phó thác cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả", ông nói.
Bộ cũng nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn của các thầy cô, nhà khoa học tham gia biên soạn sách. Người biên soạn không được tham gia hội đồng thẩm định. Để gia tăng trách nhiệm, những người tham gia hội đồng thẩm định sẽ được ghi tên vào SGK, cùng chịu trách nhiệm.
Có thể bạn quan tâm
10:43, 11/11/2021
05:00, 10/11/2021
09:49, 11/11/2021
15:26, 10/11/2021