Theo quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo đó, Dự thảo Nghị định sẽ cắt giảm chứng từ kiểm tra (giảm 5 loại giấy tờ so với quy định tại Nghị định 154/2018/NĐ-CP; tích hợp các chứng từ trong bộ hồ sơ để doanh nghiệp không phải nộp trùng lặp các chứng từ chuyên ngành.
Điểm quan trọng của dự thảo Nghị định là nguyên tắc kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro; áp dụng cho mặt hàng kiểm tra được bộ quản lý ngành, lĩnh vực công bố trên Công thông tin một cửa quốc gia bao gồm: kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm.
Hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký bản công bố hợp quy hoặc hàng hóa chưa đăng ký bản công bố hợp quy có 3 lần liên tiếp kiểm tra chặt đạt yêu cầu thì được chuyển đổi sang phương thức kiểm tra thông thường; hàng hóa có 3 lần liên tiếp kiểm tra thông thường đạt yêu cầu thì được chuyển đổi sang phương thức kiểm tra giảm.
Việc chuyển đổi phương thức kiểm tra được thực hiện tự động thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tổ chức, cá nhân tra cứu Cổng thông tin một cửa quốc gia để xác định phương thức kiểm tra và nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo phương thức phù hợp.
Đặc biệt, đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra giảm, doanh nghiệp chỉ phải nộp hồ sơ nếu lô hàng thuộc diện kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên 5% (còn lại 95% hàng hóa chỉ phải đăng ký kiểm tra).
Đại diện Ban soạn thảo nhấn mạnh mục tiêu của quy trình kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm là đơn giản quy trình, thủ tục kiểm tra. Theo đó việc kiểm tra sẽ áp dụng theo mặt hàng. Tức là quy định về hàng hóa giống hệt để hệ thống quyết định chuyển đổi phương thức kiểm tra theo mặt hàng.
Bên cạnh đó công khai minh bạch thông tin, kết nối chia sẻ thông tin. Để đáp ứng mục tiêu này bộ, ngành, cơ quan Hải quan, tổ chức đánh giá sự phù hợp phải cập nhật thông tin lên Cổng thông tin một cửa quốc gia gồm: hàng hóa được miễn kiểm tra; hàng hóa được chuyển đổi phương thức kiểm tra; hàng hóa đăng ký bản công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, tự công bố; kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; danh sách hàng hóa đã áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, đã ký kết điều ước quốc tế, hàng hóa có cảnh báo…