Thị trường đồ chơi tại Việt Nam đang là tâm điểm để nhiều thương hiệu quốc tế đổ bộ, với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, giá trị có thể đạt 300 triệu USD.
Chiếm 25,2% trong cơ cấu dân số, số trẻ em Việt Nam từ 0 đến 14 tuổi, hiện xấp xỉ 24 triệu bé, ông Thomas Joseph Ngô - Tổng Giám đốc N KID Group cho rằng, độ lớn thị trường cho trẻ em bao gồm hàng hóa, dịch vụ giáo dục, y tế, giải trí... của Việt Nam ước tính lên đến 5,2 tỉ USD/năm. Riêng với đồ chơi, khảo sát từ Euromonitor cho thấy, năm 2010, giá trị thị trường chỉ đạt khoảng 56 triệu USD, nhưng đến năm 2018, con số này đã lên đến 197 triệu USD.
Thị trường hấp dẫn
Với cơ cấu dân số và tỉ lệ sinh như hiện nay, năm 2020, thị trường đồ chơi Việt Nam sẽ có giá trị từ 250-300 triệu USD. Euromonitor đánh giá, tuy giá trị thị trường không quá lớn nhưng so với thị trường các quốc gia lân cận, Việt Nam lại cực kỳ hấp dẫn nhà đầu tư vì tốc độ phát triển ấn tượng. Từ năm 2010-2018, tốc độ tăng trưởng của thị trường trung bình là 16%/năm, nhưng từ năm 2018-2020, khả năng phát triển của thị trường lên đến 20%/năm. “Và đây là thời điểm thích hợp nhất để đầu tư cho thị trường này”, ông Thomas Joseph Ngô nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Bà Lâm Thụy Nguyên Hồng, Giám đốc Sáng tạo Công ty Mỹ thuật Gia Long - sở hữu thương hiệu Happy Kibu cho biết, mảng đồ chơi giáo dục là thế mạnh, giúp doanh nghiệp nội địa có thể xác lập vị thế trong giai đoạn này. “Chúng tôi cũng đã đầu tư nhà máy sản xuất nhưng vẫn đang trung thành với việc sản xuất đồ chơi thuần Việt 100%, khác biệt về mặt ý tưởng, đề cao yếu tố giáo dục để có thể mang đến thị trường những sản phẩm vừa học, vừa chơi”, bà Hồng chia sẻ.
Chiến lược “thông qua các bà mẹ”
Một nghiên cứu gần dây liên quan dến các mặt hàng dành cho trẻ em của Công ty Nghiên cứu thị trường FTA cũng đưa ra nhiều phân tích thú vị, trong đó nhóm ra quyết định mua sản phẩn cho trẻ em là nhóm phụ nữ trung niên, độ tuổi từ 30-55. Theo ông Trần Ngọc Dũng, Giám đốc điều hành FTA, đây là nhóm tuổi khá năng động với 40% đi làm và có công việc kinh doanh riêng. Mức thu nhập trung bình của nhóm phụ nữ độc lập về tài chính này là trên 20 triệu đồng/tháng, chủ yếu là từ lợi nhuận của công việc kinh doanh.
Ông Dũng lưu ý các nhà sản xuất cần có chiến lược thị trường sản phẩm dành cho trẻ em thông qua những ba mẹ. Các bà mẹ thường kết hợp mua sắm cho bản thân và gia đình khi đi mua sắm cho con cái họ. Có lẽ vì vậy mà địa điểm mua sắm cho trẻ chủ yếu là ở chợ và siêu thị, các cửa hàng thời trang chuyên bán hàng cho bé, mẹ và bé. Riêng ở lĩnh vực thời trang trẻ em, chi phí trung bình cho một bộ đồ của bé không quá 200.000 đồng. Các bà mẹ thường lựa chọn các bộ quần áo có giá dưới 100.000-200.000 đồng cho bé từ 1-3 tuổi.
Chi phí một lần đi mua sắm cho bé thường khoảng từ 1-2 triệu đồng, đặc biệt là cho bé dưới 6 tháng tuổi. Nhóm sản phẩm đồ chơi cho trẻ em nhiều năm nay bị đồ chơi nhập khẩu áp đảo. Tuy nhiên, theo FTA, đồ chơi có xuất xứ trong nước rất được các bà mẹ quan tâm. Có đến 52% bà mẹ được hỏi cho biết họ ưu tiên chọn đồ chơi sản xuất trong nước. Đây là cơ hội tốt cho các công ty trong nước.