Châu Âu được đánh giá là một thị trường lớn và nhiều tiềm năng, nhưng cũng là một trong những thị trường khắt khe với các yêu cầu cao nhất trên thế giới.
Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển bền vững thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam – Châu Âu, bà Bùi Hoàng Yến – Phó trưởng phòng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, các ngành hàng của Liên minh châu Âu (EU) khi vào thị trường Việt Nam cũng được cắt giảm nhiều loại thuế bao gồm nông sản, thủy sản và hàng đặc biệt là thiết bị, linh kiện cũng như dược phẩm.
Theo bà Yến, với lộ trình cắt giảm thuế này thì hàng Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn khi xuất khẩu vào châu Âu và kết quả mang lại là hiện tại châu Âu đang là đối tác lớn thứ 3 của Việt Nam, nhà đầu tư đúng thứ 6 và là một đối tác viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam.
Dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, bà Bùi Hoàng Yến cho biết, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sau 4 năm thực hiện Hiệp định EVFTA cho thấy, số liệu đã tăng lên gần gấp đôi từ 35,1 tỷ USD, lên đến 53,3 tỷ USD.
“Hiện tại châu Âu xuất khẩu vào Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn với con số là 19 tỷ USD. Thị phần của Việt Nam trong Liên minh châu Âu cũng mới chỉ có 13%. Điều này cho thấy, dư địa để chúng ta đưa hàng hóa vào Liên minh châu Âu vẫn còn rất lớn”, bà Bùi Hoàng Yến đánh giá.
Tuy nhiên, bà Yến cho rằng, thách thức của Việt Nam cũng như các quốc gia có xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu hiện nay là châu Âu đã triển khai Thỏa thuận Xanh từ rất nhiều năm nay. Họ có 35 yêu cầu thực thi và trong những mục tiêu đặt ra của Thỏa thuận Xanh này là để phát triển bền vững. Thỏa thuận Xanh được châu Âu đặt ra với tất cả các quốc gia khi làm việc trên lãnh thổ châu Âu chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Đánh giá về tác động của Thỏa thuận Xanh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, bà Yến cho rằng, trước hết là gia tăng các tiêu chuẩn xanh bền vững mà doanh nghiệp phải tuân thủ; thứ hai là gia tăng trách nhiệm về tài chính, về môi trường lao động, về bảo vệ bình đẳng quyền con người của người lao động cũng như môi trường làm việc. Gia tăng các thủ tục khai báo cũng làm cho doanh nghiệp Việt Nam mất nhiều thời gian hơn trong việc khai báo về truy xuất nguồn gốc, khai báo về tín chỉ carbon…
Các nhóm ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động bao gồm: điện, điện tử, giầy dép, dệt may, bao bì, nông sản, thủy sản, gỗ, thực phẩm hữu cơ, thép, xi măng, nhôm, hóa chất, phân bón và các loại liên quan đến hóa chất…
“Một thách thức nữa đối với các doanh nghiệp Việt Nam là về truy xuất nguồn gốc, quy hoạch vùng nguyên liệu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với những hàng rào kỹ thuật, về xuất xứ, cũng như các quy định mới về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường”, bà Bùi Hoàng Yến chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Chủ tịch Hội xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai cũng đánh giá, EU là một thị trường lớn và nhiều tiềm năng, nhưng cũng là một trong những thị trường khắt khe với các yêu cầu cao nhất trên thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc tiếp cận và duy trì mối quan hệ kinh doanh với thị trường đặc biệt này.
Thứ nhất, khác biệt về tiêu chuẩn và quy định: Đây là một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. EU có những tiêu chuẩn khá khắt khe về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, và bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ phải đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn phải tuân thủ các quy định về môi trường, an toàn lao động, và quyền con người trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay dịch vụ của mình.
Một thách thức lớn khác là về việc tuân thủ các quy định về tín chỉ carbon. EU đã ban hành Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) nhằm kiểm soát lượng phát thải khí carbon từ các sản phẩm nhập khẩu. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo và quản lý lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất và vận chuyển.
Thứ hai là chuỗi cung ứng bền vững: Là một yếu tố mà EU rất coi trọng. Điều này không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường trong quá trình sản xuất mà còn phải đảm bảo rằng các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của họ cũng tuân thủ các tiêu chuẩn này. Việc này có thể gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) khi họ thiếu nguồn lực để kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nếu thành công, đây sẽ là một điểm mạnh giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và vị thế trên thị trường quốc tế.
Thứ ba là truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Cũng là một yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào EU. Thị trường này yêu cầu rất cao về khả năng truy xuất nguồn gốc, đặc biệt đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm, và thủy sản. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống quản lý thông tin và quy trình sản xuất để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc toàn diện từ trang trại đến bàn ăn. Đây là một thách thức lớn, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định chất lượng và tính minh bạch của sản phẩm trên thị trường.
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng ông Hưng cho rằng, thị trường EU cũng mang lại các doanh nghiệp của Việt Nam những cơ hội lớn. Một là, tiếp cận một thị trường rộng lớn như EU là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp của chúng ta. EU không chỉ là một thị trường tiêu thụ lớn mà còn có nhu cầu cao về nhiều loại hàng hóa mà chúng ta có lợi thế, chẳng hạn như nông sản, thủy sản, dệt may, và đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Với quy mô dân số lớn và sức mua mạnh, EU là thị trường lý tưởng để chúng ta mở rộng xuất khẩu và tăng trưởng doanh thu.
Hai là, Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal) đặt ra mục tiêu biến EU trở thành khu vực có mức phát thải carbon thấp vào năm 2050. Điều này tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị xanh và bền vững, nếu họ có thể đáp ứng các tiêu chí về môi trường và phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp có thể tận dụng các công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, và các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường để không chỉ tuân thủ các yêu cầu của EU mà còn nâng cao giá trị thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ba là, chuyển đổi số cũng là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp muốn nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. EU đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và sản xuất. Việc đầu tư vào chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn giúp các doanh nghiệp đáp ứng nhanh chóng các thay đổi từ thị trường, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh.