Nhìn nhận quan hệ kinh tế Việt Nam - Australia từ tầm cao mới

Diendandoanhnghiep.vn Việt Nam và Australia đang ở vị thế thuận lợi để mở rộng giao lưu kinh tế sau khi hai nước tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

>> “Rộng cửa” hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Việt Nam và Australia đã chứng kiến mối quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ dựa trên sự tin cậy và tôn trọng ngày càng sâu sắc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội.

Những dự án trong giai đoạn đầu như cầu Mỹ Thuận và việc thành lập Đại học RMIT Việt Nam đã trở thành các biểu tượng ý nghĩa của mối quan hệ song phương, tương tự như các dự án sau này trong khuôn khổ chương trình Aus4Skills và Aus4Innovation, hay sự ra đời của Trung tâm Việt - Úc và Viện chính sách Australia - Việt Nam.

Mối quan hệ song phương đã ghi nhận bước đột phá quan trọng với việc công bố Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia vào năm 2021 và gần đây nhất là việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Hàng trăm đại diện doanh nghiệp hai nước đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Australia tại Đại học RMIT vào ngày 5/3/2024 trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Australia. (Nguồn: RMIT)

Hàng trăm đại diện doanh nghiệp hai nước đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Australia tại Đại học RMIT vào ngày 5/3/2024 trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Australia. (Nguồn: RMIT) 

Ngoài ra, hai nước đang cùng tham gia hợp tác khu vực thông qua ASEAN và APEC, cũng như các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác nhiều mặt này, Việt Nam xem Australia là đối tác ưu tiên. Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng thể hiện quan điểm tương tự khi nhấn mạnh rằng Việt Nam là đối tác hàng đầu.

Thành tựu song phương giữa hai nước đặc biệt ấn tượng khi chúng ta xem xét tốc độ mở rộng mối quan hệ này. Tuy nhiên, còn nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai cần được nắm bắt một cách nhanh chóng trong bối cảnh các điều kiện chiến lược và kinh tế đang liên tục thay đổi.

>> Quan hệ song phương Việt Nam - Australia sang chương mới

Cơ hội thương mại và đầu tư

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã nhảy vọt trong thời gian qua, tăng gần gấp đôi lên 15,7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 từ mức 7,9 tỉ đô la Mỹ năm 2019, trước khi giảm xuống còn 13,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023 do tác động kinh tế toàn cầu lên nền kinh tế mở của Việt Nam. Trong 5 năm (2019-2023), tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 58,1 tỉ đô la Mỹ, trong đó Australia có thặng dư thương mại 13,4 tỉ đô la Mỹ.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Australia là điện thoại, máy móc, dầu thô, máy tính và hàng dệt may, trong khi mặt hàng nhập khẩu bao gồm than đá, khoáng sản, bông, lúa mì và kim loại. Tương lai có tiềm năng tăng trưởng nhập khẩu thịt và rượu Australia vào Việt Nam, cũng như trái cây Việt Nam vào Australia.

Về đầu tư, Australia xem Việt Nam là trọng tâm trong chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040. Tính đến tháng 3/2024 , Australia đã đầu tư vào hơn 630 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 2,03 tỉ đô la Mỹ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã đầu tư vào hơn 90 dự án tại Australia với tổng vốn đầu tư hơn 550 triệu đô la Mỹ.

Trong thập kỷ tới, doanh nghiệp Australia có thể tận dụng nhiều cơ hội mới, đặc biệt khi Việt Nam đang thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo tuyên bố tại COP26. Cùng với chương trình chuyển đổi số đầy tham vọng của Việt Nam và tầm nhìn về phát triển đô thị thông minh và bền vững, những yếu tố này sẽ mở đường cho các mối quan hệ đối tác mang tính chất cộng hưởng.

Các ngành kinh tế Australia có nền tảng thuận lợi để góp phần giúp Việt Nam chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và điện gió. Phát triển cơ sở hạ tầng số, chẳng hạn như cáp quang quốc tế, cũng mang lại nhiều triển vọng đáng kể. Nhiều cơ hội khác đang song hành cùng công cuộc chuyển đổi thông minh ngành nông nghiệp và quy hoạch đô thị, sẽ củng cố hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia.

Phó giáo sư Nguyễn Quang Trung, Đại học RMIT Việt Nam. (Nguồn RMIT)

Phó giáo sư Nguyễn Quang Trung, Đại học RMIT Việt Nam. (Nguồn RMIT) 

>> Khơi dậy tiềm năng hợp tác Việt Nam - Australia

Hợp tác nâng cao năng lực và cải cách thể chế

Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Tuy nhiên, nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức duy trì tăng trưởng nếu như không bắt tay vào thực hiện các cải cách mới, và đây là quá trình mà Australia có thể hỗ trợ tích cực.

Đầu tiên, bộ máy hành chính ở Việt Nam còn cồng kềnh so với các nước khác, điều này có thể bộc lộ những điểm yếu trong quản trị công. Trên thực tế các vấn đề quản trị mà Việt Nam phải đối mặt đã được nhấn mạnh trong nghiên cứu của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Liên Hợp Quốc .

Thứ hai, việc phát triển và nâng cao trình độ nguồn nhân lực đang là một thách thức với Việt Nam, đặc biệt trong kỷ nguyên số. Dẫu đã có một số thay đổi đáng kể trong những năm gần đây nhưng dư địa phát triển của nền giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn, bao gồm gia tăng số lượng các chương trình được chứng nhận quốc tế và thu hút thêm sinh viên quốc tế đến học tại Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả của việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam đã thu hút hơn 450 tỉ đô la Mỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài khi các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota,  Intel và LEGO thiết lập hoạt động sản xuất quy mô lớn tại đây. Tuy nhiên, chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập và tham gia sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân của Australia sở hữu nhiều thế mạnh như năng lực quản trị và ứng dụng kỹ thuật số hàng đầu thế giới, logistics tiên tiến và kinh nghiệm thành công trong quản lý hiệu quả quá trình toàn cầu hóa, và chuyển đổi năng lượng. Do vậy, Australia có thể hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực này.

Nhìn chung, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Australia phản ánh một quỹ đạo hợp tác đầy hứa hẹn, với những bước tiến đáng kể trong thương mại, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực. Với việc cả hai quốc gia đang hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, quan hệ đối tác cộng hưởng này sẽ mở ra những cơ hội mới, góp phần vào tăng trưởng và thịnh vượng chung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nhìn nhận quan hệ kinh tế Việt Nam - Australia từ tầm cao mới tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714222168 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714222168 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10