Thành phố Hồ Chí Minh sầm uất, sôi động, giàu có không phải do tự nhiên mà có, mà do chính sự năng động của địa phương này.
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi áp dụng các tiến bộ khoa học, kĩ thuật, công nghệ mới nhất của con người đưa vào sản xuất, kinh doanh, tạo nên của cải vật chất, sự phồn vinh cho thành phố. Địa phương này đã trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước với vô số nguồn thu từ công nghiệp, vận tải, du lịch…
Hơn một trăm sáu mươi ngày cam go trong đại dịch, để duy trì sự sống, đảm bảo lương thực, thực phẩm, điện, nước, nhu yếu phẩm… cho hàng chục triệu nhân khẩu của thành phố, nhiều con người, bộ phận, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải căng sức giữ mạch chảy ngầm để cùng người dân chống chọi qua đỉnh dịch.
Góp sức trong đó có rất nhiều người công nhân bình dị, lặng thầm làm việc trong nhà máy. Nhờ có họ mà nhu yếu phẩm vẫn được sản xuất ra, luân chuyển đến với người dân thành phố. Nhiều nhà máy, công xưởng không đóng cửa mà dùng các phương thức đối phó linh hoạt, duy trì kế hoạch liên tục kinh doanh.
Trong trường hợp khẩn cấp, các nhà máy, công xưởng này được kích hoạt BCP (Business Continuity Planing) là các hình thức sản xuất “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến” để duy trì hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, hình thức 4 Green (người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh) luôn được cập nhật thay đổi cho phù hợp để làm sao vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa duy trì được sản xuất.
Việc duy trì sản xuất, kinh doanh đã giúp duy trì các mắt xích của chuỗi cung ứng, qua đó người dân vẫn có được các nhu yếu phẩm cần thiết đảm bảo cuộc sống, sức khỏe để đi qua đỉnh dịch, cho dù ở thời điểm khó khăn, căng thẳng nhất nhất, người dân vẫn thực hiện các chỉ thị giãn cách với phương châm “ai ở đâu ở nguyên đó”.
Người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định “không thể phong tỏa mãi được”, nên phải có chiến lược phù hợp thích ứng. Đúng vậy, nền kinh tế sụp đổ cùng dịch COVID-19 bùng phát sẽ thành một đại thảm họa cho các tỉnh thành. Do đó, việc thay đổi từ chiến lược “Zero COVID” sang "mở cửa an toàn" trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh" thực sự giúp cởi trói cho các nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, giúp nền kinh tế hồi sinh với sự nới lỏng chứ không buông lỏng các hoạt động kiểm soát phòng chống dịch.
Đại dịch COVID-19 làm con người giãn cách nhưng không xa cách. Người lao động và người sử dụng lao động gần gũi hơn khi cùng tham gia “3 tại chỗ”. Âm thanh của máy móc thiết bị trong nhà máy như hòa cùng ánh mắt sẻ chia thông cảm giữa con người với con người. Người lao động cảm động vì người chủ có tâm, có tầm bằng mọi cách lo đảm bảo việc ăn, ngủ, nghỉ tại nơi làm việc.
Họ hiểu, công suất nhà máy hoạt động có tối đa cũng chỉ được bằng một nửa bình thường, các chi phí cho cải tạo hạ tầng, xây dựng khu vệ sinh, tắm rửa, khu giải trí, chỗ nằm, chỗ nghỉ… cộng thêm các chi phí cho trợ cấp, phụ cấp, các bữa ăn cho cả ngày, từ cái tăm, sợi chỉ, cái bàn chải đánh răng, ổ cắm sạc điện thoại… công ty phải lo cung cấp.
Họ hiểu rằng với phương thức sản xuất này càng làm càng lỗ, doanh nghiệp làm là vì trách nhiệm với người lao động và cao hơn là trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Lợi nhuận hoàn toàn được đặt lại phía sau lưng. Chỉ có trách nhiệm và nghĩa tình được đặt lên phía trước…
Với người sử lao động, họ cảm thông, chia sẻ với người lao động, phải ở lại suốt trong nhà máy để làm việc, sinh hoạt… Có người chỉ cách công ty vài chục bước chân mà hàng tháng không thể về nhà. Không có hình thức giải trí, mọi thứ bó hẹp dưới mái nhà xưởng, xa gia đình, con cái… chỉ có thể liên lạc qua điện thoại mà thôi. Mọi sinh hoạt bó buộc dưới mái xưởng vốn là nơi dành để sản xuất nay phải thành cả chỗ ngủ, chỗ nằm… dễ gây chán nản, stress…
Hiểu được nỗi lòng của người lao động, ban lãnh đạo công ty, doanh nghiệp đơn vị đã kiên trì, gửi niềm cảm thông bằng cách ở cùng với công nhân viên, động viên họ bằng lời, gửi gắm sự chân thành bằng việc tham gia đi chợ nấu ăn cho công nhân viên. Bằng mọi cách, những người có trách nhiệm cao nhất doanh nghiệp đã đền đáp lại tấm lòng yêu công việc, yêu công ty và thực hiện trách nhiệm với xã hội của người lao động.
Một trăm sáu mươi ngày đằng đẵng, họ kiên cường làm việc, chịu đựng, ép những nhu cầu của bản thân vào góc khuất trong lòng, giữ mạch sống ngầm chảy mãi. Vì họ tin rằng, có ngày cuộc sống yên bình sẽ trở lại, sự nỗ lực của họ được bung nở như thác nước ạt ào chảy thẳng đứng từ trên cao, mát ngọt và đẹp tươi, xóa tan đi bao nhiêu chịu đựng, bó buộc của những ngày dài gò bó trong nhà máy.
Chính họ là những chiến sĩ lặng thầm góp phần đưa thành phố trở về với nhịp sống mới bằng cách giản dị mà hiệu quả nhất. Ấm lòng biết bao khi ngắm nhìn người dân thành phố ngồi bên tách cà phê, cảnh tấp nập trên từng con phố. Hình ảnh thật đỗi thân quen mà sao thấy đáng yêu, thấy thân thương đến thế.
Những thanh âm quen thuộc như bản nhạc sáng tươi sẽ giúp thành phố nhanh chóng phục hồi nhịp sống mới. Dịch bệnh sẽ chỉ là một phép thử cho sự năng động, nhanh nhạy của thành phố tràn đầy năng lượng này. COVID-19 là một đợt thanh lọc không cho phép sự non nớt, yếu kém có mặt tại thành phố này. Đủ bản lĩnh, đủ tâm, tầm, tài… đủ lực, chúng ta sẽ đứng vững và đi qua đại dịch.
Khó khăn thử thách này đi qua, các doanh nghiệp còn trụ lại sẽ như đại bàng tung sải cánh bay lượn giữa trời xanh.
Thanh âm rộn rã của nhịp sống mới này sẽ là cầu nối cho tương lai tươi sáng hơn. Dịch bệnh COVID-19 sẽ làm thành phố mạnh mẽ hơn, khi mạnh mẽ hơn thì chắc chắn sẽ thành công hơn.
Có thể bạn quan tâm
10:00, 30/10/2021
05:38, 29/10/2021
05:10, 28/10/2021