Nhờ đâu cổ phiếu SZC “nổi sóng”?

Hà Phương 29/05/2020 05:11

Cổ phiếu của Công ty CP Sonadezi Châu Đức (HoSE: SZC) đã "nổi sóng" sau một thời gian dài chìm sâu dưới mệnh giá.

Cổ phiếu SZC biến động mạnh sau các thông tin lĩnh vực bất động sản Khu công nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Cổ phiếu SZC biến động mạnh sau các thông tin cho thấy lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Theo báo cáo tài chính quý 1/2020 của SZC, dù dịch bệnh hoành hành, song doanh thu của SZC tăng cao gấp 2,5 lần cùng kỳ do tăng mạnh doanh thu cho thuê đất và phí quản lý. Cụ thể, doanh thu thuần đạt gần 121 tỷ đồng, trong đó có 103 tỷ đồng doanh thu cho thuê đất, phí quản lý và hơn 15 tỷ đồng doanh thu hoạt động khu dịch vụ thể dục thể thao. Sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận gộp đạt gần 65 tỷ đồng, tăng 150% so với quý 1/2019. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 53,6 tỷ đồng, tăng 190% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, kết thúc quý 1/2020, SZC đã hoàn thành được 32% kế hoạch doanh thu và gần 47% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2020.

Năm 2020, đối với hoạt động chính là cho thuê đất công nghiệp, SZC lên kế hoạch mời gọi các nhà đầu tư thuê đất với diện tích khoảng 50 ha. Công ty tiếp tục triển khai thi công xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu công nghiệp đô thị và sân golf Châu Đức, duy trì bảo dưỡng hạ tầng đường BOT 768 và thực hiện dự án BOT 768 điều chỉnh.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, năm 2020, doanh thu của SZC có thể đạt 365 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019, trong đó doanh thu cho thuê đất KCN đạt 284 tỷ đồng với diện tích thuê 50 ha và giá thuê 50 USD/m2/chu kỳ thuê; doanh thu phí BOT đạt 68 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của SZC, dự kiến đạt 137 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2019. EPS năm 2020 ước đạt 1.374 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E đạt 13,61.

Theo SSI, SZC có thể đạt được mức doanh thu và lợi nhuận nói trên, bởi dịch COVID-19 mở ra một bước ngoặt mới, tránh  phục thuộc quá nhiều vào một quốc gia. Do đó, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn như Pegatron, Amazon và Home Depot bắt đầu có hoạt động tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng, cho thấy Việt Nam là một trong những điểm đến trong quá trình dịch chuyển, bên cạnh các quốc gia tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Thailand hay Malaysia.

So sánh với Indonesia, nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc thu hút FDI, Việt Nam có lợi thế ở gần Trung Quốc nên khoảng cách vận chuyển thuận lợi hơn. Thể chế chính trị của Việt Nam cũng rất hỗ trợ doanh nghiệp, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn (quy định ưu đãi thay đổi theo từng trường hợp). Trong quý 1/2020, theo dữ liệu Collier International, so sánh tỷ lệ lấp đầy và giá thuê các KCN ở các nước Đông Nam Á, cho thấy Việt Nam khá hấp dẫn với mức giá thuê trung bình thấp hơn 45 - 50% so với các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Chưa kể, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2020 với kế hoạch giải ngân 20 tỷ USD bên cạnh giá trị chưa giải ngân năm 2010 là 9,5 tỷ USD. Theo đó, tổng cộng quy mô giải ngân dự kiến trong 2020 rất lớn, khoảng 30 tỷ USD, tăng 2,2% so với số giải ngân thực tế năm 2019. Đặc biệt các dự án cao tốc Bắc Nam, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, giúp kết nối hạ tầng, logistics của các KCN ở các tỉnh vệ tinh Bà Rịa Vũng Tàu, Phan Thiết vào các trung tâm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh thu hút vốn FDI của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực.

Theo Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến quý 1/2020 Việt Nam có 335 KCN được thành lập (tăng 5 KCN so với cuối năm 2019), trong đó có 260 KCN với tổng diện tích đất 68.700 ha đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang xây dựng với tổng diện tích 29.200 ha. Tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đạt 75% - tăng 0,7% so với cuối năm 2019.

Bất chấp dịch COVID-19, các giao dịch thành công được thực hiện, giúp tỷ lệ lấp đầy KCN miền Bắc đạt 75%. Theo đó, giá thuê các KCN phía Bắc cũng tăng 6,5% đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê. Các KCN miền Nam có tỷ lệ lấp đầy đạt 82% và giá thuê đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê….

Tính đến phiên giao dịch ngày 28/5, cổ phiếu SZC cán mốc 20.500 đồng/cổ phiếu, với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 2 triệu đơn vị cổ phiếu. Điều này cho thấy, cổ phiếu SZC tiếp tục là điểm sáng thu hút dòng tiền trong số các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhờ đâu cổ phiếu SZC “nổi sóng”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO