Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 1 ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng mạnh như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 36,1 triệu m2, tăng 3,4% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 67,7 triệu m2, tăng 33,8% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 402,4 triệu cái, tăng 17,7%...
Theo các chuyên gia trong ngành dệt may, dự báo năm 2018 ngành dệt may sẽ gặp nhiều thách thức lớn, tính cạnh tranh cao. Cạnh tranh trên thị trường dệt may thế giới được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác như Myanmar, Campuchia... cũng đang gia tăng áp lực về thị phần với Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, giá đơn hàng xuất khẩu có thể giảm nhưng các khoản chi phí đầu vào ở Việt Nam như tiền lương, chi phí khác... đều tăng. "Nếu doanh nghiệp muốn tồn tại được thì con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động, đổi mới phương pháp quản trị..." - ông Dương nói.
Ông Vương Quang Ngọc - Giám đốc công ty Cổ phần May Sài Đồng đánh giá,ngành may phải đóng chi phí cho bảo hiểm rất lớn, chiếm tỉ trọng tương đối cao trên giá thành một sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp lại không thể vay được tiền của ngân hàng để đóng bảo hiểm, mà tiền bảo hiểm thì tháng nào phải đóng tháng đấy. Doanh nghiệp có thể vay để trả lương, vay mua máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, còn riêng vay đóng bảo hiểm thì ngân hàng không cho vay. Cho nên nếu doanh nghiệp không cân đối được nguồn và chủ động về tài chính thì cũng là cả một vấn đề lớn.
Một áp lực nữa là trong một vài năm tới tất cả các chi phí rất có thể còn tăng lên, bởi vì lộ trình tăng bảo hiểm cho người lao động sẽ không dừng ở đây, như vậy chi phí về nhân công ngày càng tăng.
"Trong năm 2017 đã phải giảm tới 20% lao động, nhưng bên cạnh đó doanh nghiệp phải đầu tư lại công nghệ để làm sao vẫn đạt đủ sản lượng" - ông Ngọc nói.
Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp may, ông Ngọc kiến nghị nhà nước cần tạo ra một quỹ đất ổn định để doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Theo ông Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương, thị trường nhập khẩu chủ yếu hàng dệt may Việt Nam đang có nhiều biến động lớn, khó lường, đặc biệt là trường phái bảo hộ mậu dịch, đi ngược lại với xu thế tự do thương mại WTO. Việt Nam được nâng hạng từ nước kém phát triển lên mức nước có nền kinh tế đang phát triển là một điều đáng mừng cho nền kinh tế nói chung, nhưng lại đem đến cho ngành dệt may nhiều khó khăn, thiệt thòi.
“Tại những thị trường lớn, đang có trào lưu đóng cửa hoặc hạn chế việc mở cửa thị trường đối với sản phẩm dệt may, điều này sẽ ảnh hưởng tới dệt may Việt Nam. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam phải vươn lên mới có thể thoát khỏi sức ép này. Cùng với đó, các doanh nghiệp dệt may có công nghệ chưa bắt nhịp được với xu thế của thời đại rất cần phải thay đổi” - ông Thắng cho biết.
Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, trong tương lai, 86% lao động chân tay của ngành dệt may sẽ bị thay thế bằng robot; những đơn hàng sản xuất hàng loạt theo kiểu số đo truyền thống sẽ không còn; chi phí giao dịch, bán hàng sẽ giảm từ 30-80% so với hiện nay, nhiều nhà máy thông minh, nhà máy số sẽ ra đời.
Đây là sự lột xác hoàn toàn của ngành công nghiệp dệt may chứ không phải là sự nâng cấp lẻ tẻ của từng nhà máy, từng công đoạn. Và vì thế, nếu ngành dệt may Việt Nam không bắt nhịp được với xu thế của thời đại thì sẽ bỏ lỡ cơ hội này như đã từng xảy ra với thời đại công nghệ 2.0, 3.0.