Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhìn tổng thể, bảng xếp hạng năm nay có nhiều diễn biến thú vị. Nhóm 5 tỉnh đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI 2017 lần lượt là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Long An và Bến Tre. Trong đó, các khu vực phía Nam tiếp tục chiếm ưu thế là nơi có chất lượng điều hành tốt.
Bảng xếp hạng PCI 2017 chứng kiến sự đổi ngôi ngoạn mục của Quảng Ninh. Theo đó, Quảng Ninh đã vượt qua Đà Nẵng để giữ vị trí "ngôi vương" của bảng xếp hạng, thứ hạng cao nhất sau nhiều lần đứng trong top đầu. Trong khi đó, Đồng Tháp đứng ở vị trí số 3, tiếp tục duy trì thành tích lần thứ 10 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành.
Sau nhiều năm đứng vị trí thứ nhất, Đà Nẵng đã nhường ngôi cho Quảng Ninh và xếp vị trí Á quân trên bảng xếp hạng. Là nơi khởi nguồn cho mô hình "Cafe doanh nhân", Đồng Tháp tiếp tục nắm giữ vị trí số ba trong bảng xếp hạng PCI 2017. Tỉnh đã ghi dấu ấn của mình với các chỉ số dẫn đầu như Tiếp cận đất đai và ổn định sử dụng đất; tính minh bạch và chi phí thời gian và là tỉnh đầu tiên nắm giữ kỷ lục 10 năm liền nằm trong top 10.
Sự quay trở lại của Long An trong top 5 sau lần đầu tiên vào năm 2011, với hai chỉ số dẫn đầu 63 tỉnh thành là tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh và thiết chế pháp lý. Bến Tre cũng là cái tên lần đầu tiên bước vào top 5 với các thành phần cải thiện rõ rệt trong chỉ số tính năng động tiên phong của chính quyền và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Trên bảng xếp hạng PCI 2017, các địa phương Vĩnh Long, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ lần lượt góp mặt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Bất ngờ lớn nhất trên bảng xếp hạng PCI năm nay là Hải Phòng. Đây là lần đầu tiên tỉnh này góp mặt vào top 10 và dẫn đầu chỉ số thành phần Đào tạo lao động, lĩnh vực mà thành phố này luôn duy trì được điểm số cao trong 5 năm trở lại đây. Từ năm 2016, Hải Phòng thường xuyên tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp nhằm hướng dẫn, giải đáp cơ chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng kinh doanh. Điều tra cho thấy 80% doanh nghiệp hài lòng với phải hồi, giải đáp của các cơ quan chính quyền thành phố.
Tương tự, Cần Thơ với những nỗ lực cải cách hành chính và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật cán bộ đã yêu cầu các cơ quan hàng ngày dành thứ Hai hàng tuần để tiếp nhận và lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp. Điều tra PCI 2017 ghi nhận kết quả tích cực, 72% doanh nghiệp cho biết các vấn đề của doanh nghiệp được giải quyết kịp thời sau tiếp xúc, đối thoại, trên mức trung bình của cả nước là 67%. 84% doanh nghiệp hài lòng với kết quả giải quyết vướng mắc, kiến nghị của cơ quan thành phố.
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều nỗ lực cải cách ấn tượng. Khoảng cách điểm số giữa các tỉnh cao nhất và thấp nhất được thu hẹp. Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực cải thiện, qua nhiều năm điều tra PCI, các thành phố trực thuộc Trung ương đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm Tiên phong và top các thành phố có thứ hạng bậc cao.
Lần lượt vị trí xếp hạng của 5 thành phố là Đà Nẵng (thứ 2, 70,11 điểm). Tp. Hồ Chí Minh (thứ 8, 65,19 điểm), Hải Phòng (thứ 9, 65,15 điểm). Cần Thơ (thứ 10, 65,09 điểm) và Hà Nội (thứ 13, 64,71 điểm). Đặc biệt, Hải Phòng đã trở thành điểm sáng của nhóm khi đã có cú vượt ngoạn mục để vào top 10.
Dù đánh giá của người dân và doanh nghiệp vẫn tương đối tích cực, tuy nhiên mức độ cải thiện trung bình của Đà Nẵng từ năm 2006 đến 2017 lại nằm tại nhóm cuối. Chỉ số môi trường cạnh tranh bình đằng nằm trong top điểm số thấp nhất cũng là một vấn đề cấp thiết của Đà Nẵng trong những năm sau. Qua các năm, điểm số thành phần của Đà Nẵng có xu hướng sụt giảm. Do vậy, với nhiều năm nắm giữ "ngôi vương", năm nay Đà Nẵng đã tụt xuống vị trí Á quân.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, những trung tâm kinh tế lớn đã chuyển động. Hà Nội với sự hay đổi bền vững và có khởi sắc hơn đã tăng 1 bậc trong bảng xếp hạng trong khi TP HCM vẫn giữ nguyên vị trí của mình.
Mặc dù đã đạt được nhiều đột phá ấn tượng, tuy nhiên, đang có sự chững lại của các tỉnh, thành phố thuộc nhóm tiên phong với điểm số chỉ quẩn quanh ở mức 70/100, cho thấy cải cách cần có thêm những động lực mới, tiếp tục cải cách thể chế để tạo thêm dư địa cho cải cách ở cấp địa phương và cơ sở.