Thông tin Tập đoàn Vingroup đề xuất xây dựng 02 khu đô thị rộng 500ha và siêu dự án Đường sắt đô thị Hòa Lạc khiến thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội nóng hơn bao giờ hết.
Khác với sự vắng vẻ, ảm đạm của thị trường bất động sản Hà Nội trong những ngày dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì khu vực Hòa Lạc trong 1 tuần vừa qua nhộn nhịp một cách lạ thường. Hàng ngày có cả trăm lượt khách về tìm hiểu, mua bán đất nền.
Phân lô, tách thửa tràn lan
Dẫn đoàn khách hơn chục người từ Hà Nội lên Hòa Lạc xem khu đất phân lô tại xã Bình Yên (huyện Thạch Thất) một môi giới tên T phấn khởi, hầu như khách nào cũng mang sẵn cả “bao tải” tiền, xem xong là xuống tiền ngay. “Đợt này thị trường rất nóng, dự án này bảng hàng ra hôm trước hôm sau đã “bay” gần hết”.
Cũng theo môi giới T, thị trường đất nền Hòa Lạc bắt đầu rục rịch nóng lên từ đầu năm 2020, nhất là sau thời điểm Tết Nguyên đán với hàng loạt khu phân lô tập trung chủ yếu ở các vị trí xung quanh địa giới được quy hoạch của KCN Hòa Lạc thuộc huyện các huyện Thạch Thất và Quốc Oai.
Đặc biệt sau thời điểm ngày 6/3, thị trường đất nền Hòa Lạc lại “sôi sục” hơn bao giờ hết khi chỉ trong 1 ngày có đến 2 thông tin “khủng” được tung ra gồm việc “ông lớn” Vingroup có kế hoạch triển khai 02 dự án Khu đô thị tại đây và việc tập đoàn này được thành phố Hà Nội giao bố trí kinh phí hoàn thiện hồ sơ báo cáo tiền khả thi tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc.
Theo ghi nhận của PV DĐDN, khu vực xung quanh KCN Hòa Lạc hiện có hàng loạt dự án phân lô được các sàn và cả môi giới tự do rao bán rất tưng bừng như Lucky Hill (xã Tiến Xuân); Khu 72 lô Hòa Lạc Lotus; Khu đất 32 lô và Khu Đồi Sen 1 và 2 (xã Bình Yên); Komi Luxury (xã Phú Mãn)… Theo giới thiệu của các môi giới thì các thửa đất tại các khu phân lô này đều đã có sổ đỏ, khi khách chốt và xuống tiền sẽ giao sổ trong vòng “một nốt nhạc”.
Tại dự án Hòa Lạc Lotus, một môi giới tên H cho các khách xem đất ảnh chụp sổ đỏ của các thửa đất tại đây do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp với các thửa đất có phần lớn diện tích là đất ở. Dù được giới thiệu là đã bán phân nửa số lô nhưng trên thực tế hiện khu vực phân lô của Hòa Lạc Lotus đang được thi công hạ tầng gồm đường nội bộ, một số hạng mục phá dỡ công trình cũ chưa hoàn thành, chưa có hạ tầng.
Phần diện tích được giới thiệu là hồ sen – tâm điểm của dự án trên phối cảnh thực tế lại không thuộc khuôn viên dự án mà là hồ công cộng của thôn Linh Sơn, xã Bình Yên.
Có thể bạn quan tâm
10:51, 23/10/2019
11:05, 14/07/2019
07:00, 08/03/2019
13:53, 29/11/2018
06:00, 20/02/2020
Bên cạnh các khu phân lô có quy mô lớn, các mảnh đất nằm giữa các khu dân cư có quy mô từ 800-1000m2 cũng được nhanh chóng “đóng đường” chia nhỏ theo các lô từ khoảng 90-120m2 để rao bán.
Tại một khu đất được phân lô nằm gần khu tái định cư thuộc khu vực thôn Vai Réo, xã Phú Cát (huyện Quốc Oai) theo giới thiệu của môi giới các thửa đất tại đây sẽ được cấp sổ nhưng thực tế cho thấy khu đất này “một mình một chỗ” khi xung quanh người dân vẫn trồng các loại hoa màu.
Bán đất trên "giấy”
Sự nóng lên từng giờ của thị trường cũng kéo mặt bằng giá đất nền được phân lô tại các khu của Hòa Lạc lên “một tầm cao mới”. Cụ thể, tại dự án Hòa Lạc Lotus, thửa đất có hướng view hồ, diện tích 119.5m2 được báo giá hơn 2,6 tỷ đồng, tức khoảng 22 triệu đồng/m2. Trong khi đó, theo bà L một người dân sống tại Thôn Linh Sơn thì giá đất ở tại khu vực đối diện cổng dự án này hiện giao dịch mức khoảng 10 triệu đồng/m2.
Tại khu vực phân lô riêng lẻ như tại thôn Vai Réo, các thửa đất được báo giá khoảng 10-13 triệu đồng/m2. Tại khu đất 32 lô (thôn Thái Bình, xã Bình Yên) cũng được báo giá từ 13-16 triệu đồng/m2. Trong khi theo khảo sát trên các trang rao bán bất động sản trực tuyến thì hiện mức giá bình quân cho khu vực này ở mức trong khoảng 5-7 triệu đồng/m2.
Trên mạng xã hội và nhiều chuyên trang bất động sản cũng đang quảng cáo rầm rộ như: Golden Lake Hòa Lạc; Hòa Lạc Lake View; Adoland Capital 8; Tiến Xuân Green… được phân lô, diện tích 70-150m2/lô, giá 9,5-18,5 triệu đồng/m2, có cơ hội sinh lời cao.
Về pháp lý các dự án trên, lãnh đạo một số địa phương cho biết, các khu đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa có quy hoạch chi tiết 1/500, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án…
Cụ thể, tại huyện Quốc Oai, từ đầu tháng 7/2019, UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND xã Phú Cát làm rõ thông tin liên quan đến quảng cáo phân lô, bán đất nền thuộc Dự án Adoland Capital 8. Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai cho biết: “Theo quy hoạch chung xây dựng xã Phú Cát đã được UBND huyện Quốc Oai phê duyệt, vị trí thửa đất được quy hoạch là hành lang cây xanh”. Hay vị trí dự án Golden Lake Hòa Lạc đã được quy hoạch làm trung tâm dưỡng lão của thành phố.
Lãnh đạo TP Hà Nội từng yêu cầu các địa phương tăng cường nắm bắt thông tin, xử lý nghiêm những trường hợp có dấu hiệu tội phạm, lừa đảo trong việc môi giới, phân lô, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn tình trạng bán đất trên "giấy”.
Vẫn chờ quy hoạch
Rõ ràng, sự khởi sắc của thị trường Hòa Lạc là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, sự sôi động này chủ yếu do giới đầu tư tham gia. Nhiều nhà đầu tư đang đổ về đây gom đất, tạo sóng thị trường. Không khó nhận ra đất đai ở Hòa Lạc vẫn còn mênh mông, chưa kể những dự án cũ mắc cạn từ các năm trước vẫn còn la liệt. Lượng dân cư về đây sinh sống vẫn còn quá bé nhỏ so với quy mô rộng lớn của đại đô thị.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường Hòa Lạc, ông Lê Tiến Liêm - Chủ tịch Sàn giao dịch Bất động sản Tân Long cho biết, hơn 10 năm trước, khu vực Hòa Lạc đã nằm trong quy hoạch thủ đô là khu đô thị vệ tinh lớn, trọng điểm. Thế nhưng diễn biến của 10 năm qua cho thấy thị trường này vẫn dậm chân tại chỗ khi các dự án chậm trễ trong triển khai và không thu hút được cư dân.
Ở thời điểm hiện tại, dù có nhiều dự án công nghệ đình đám hiện diện, được nhận định có thể khuấy đảo thị trường nhưng phần lớn vẫn đang nằm chờ quy hoạch, và theo giới sành thị trường thì ít nhất cũng phải 2-3 năm tới, các dự án này mới có thể xong khoản thủ tục, giấy tờ.
Về phía Vingroup, doanh nghiệp này cho biết mới chỉ có văn bản đề xuất triển khai hai dự án, còn việc có được duyệt hay không doanh nghiệp vẫn đang đợi.
KỲ II: Trục Hồ Tây – Ba Vì: Bài học của hơn 10 năm trước