Sự nóng lên bất thường của thị trường bất động sản Hòa Lạc đang khiến nhiều người nhớ về bài học của “bong bóng” những năm 2010-2011 khi rậm rịch công bố quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Như DĐDN đã thông tin tại số báo 25, những ngày gần đây, hàng trăm nhà đầu tư đang bị cuốn vào vòng xoáy sốt đất gần Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bởi thông tin Vingroup đề xuất 02 dự án khu đô thị tại Thạch Thất và xúc tiến tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc.
Động lực chưa rõ ràng
Liên quan đến một trong những thông tin tạo sóng cho bất động sản Hòa Lạc là việc trên mạng lan truyền một văn bản được cho là của UBND thành phố Hà Nội trong đó xúc tiến tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí với ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội lại khẳng định chưa có quyết định nào như trên. Trước thông tin này, dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là chiêu trò của giới cò đất tại Hòa Lạc để đẩy hàng, tăng giá?
Động lực thứ hai được cho là đến từ việc tập đoàn Vingroup đề xuất triển khai 02 dự án KĐT tại huyện Thạch Thất (có địa điểm gần KCNC Hòa Lạc - PV), như DĐDN đã thông tin đây mới chỉ là đề xuất của Tập đoàn này, còn rất nhiều bước và thời gian nếu được thông qua.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 26/03/2020
07:30, 05/07/2019
21:19, 30/01/2019
14:26, 02/04/2019
16:16, 27/03/2018
Thực tế cho thấy, trọng tâm của khu vực này là Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, có quyết thành lập từ tháng 10/1998 nhưng đã phần nào trở thành “quả đấm thép xịt” khi đến thời điểm cuối năm 2019 mới chỉ thu hút được 91 dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, dự án Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc được khởi công năm 2003 với diện tích hơn 1.000 ha, đến nay dự án này cũng mới chỉ mới hoàn thành vài hạng mục, khu vực cổng chính nằm trên trục cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình vẫn nhiều năm rậm cỏ.
Cùng với sự ì ạch của những dự án trọng điểm đó, các dự án bất động sản đi trước đón đầu cũng “trầy trật” lên xuống. Theo tìm hiểu của phóng viên, xung quanh Khu CNC Hòa Lạc các KĐT thuộc địa bàn 2 huyện Quốc Oai và Thạch Thất đều không quá khả quan.
Một số khu đã triển khai như dự án của Tuần Châu tại huyện Quốc Oai hiện đang lâm vào bế tắc, các hạng mục của khu vui chơi xuống cấp sau nhiều năm đắp chiếu, hạng mục khu biệt thự dù đã xây thô nhưng hiện chỉ lưa thưa người ra vào, chủ yếu là bảo vệ và công nhân.
KĐT Ngôi nhà mới do tập đoàn Lã Vọng làm chủ đầu nằm sát trục Đại lộ Thăng Long lâu nay vẫn được xem là khu đô thị ma với nhiều khung nhà biệt thự đang thi gan cũng tuế nguyệt hơn chục năm nay.
Bài học từ 10 năm trước
Với những động lực được xem là chưa rõ ràng việc bất động sản đất nền khu vực quanh Khu CNC Hòa Lạc sốt nóng bất thường đang tiềm ẩn nguy cơ bong bóng và rủi ro sẽ được đẩy vào các nhà đầu tư.
Nhớ lại thời điểm cơn sốt đất đất Ba Vì bùng lên hơn 10 năm trước, chị Hoa, một công chức tại Hà Nội vẫn chưa hết tiếc nuối khi thời điểm đầu năm 2010, với hy vọng đón sóng “dời đô” chị đã bỏ gần 800 triệu đồng mua một mảnh gần 800m2 đất tại Tản Lĩnh (Ba Vì) với hy vọng sẽ nhanh chóng có lãi.
Tuy nhiên sau thời điểm lên nóng đến 1,4 tỷ đồng nhưng không bán thì đến thời điểm cuối năm 2010 khi công bố đồ án quy hoạch và không có chuyện “dời đô” thì mảnh đất của chị Hoa cũng “bay” đến 1/2 giá trị lúc đầu và có bán cũng không ai mua. Cũng giống như chị Hoa, rất nhiều nhà đầu tư đến sau trong cơn số đất Ba vì năm nào vẫn đang chôn vốn cả chục năm nay.
Lý giải tình trạng sốt nóng đất nền Hòa Lạc, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trường Đại học Luật Hà Nội chỉ ra là đến từ việc thiếu các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo ra rủi ro cho các giao dịch chuyển nhượng đất. Việc một số lãnh đạo địa phương ém nhẹm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không công bố rộng rãi, mà chỉ cung cấp cho một số nhà đầu tư, nhằm đầu cơ trục lợi.
Trao đổi với DĐDN, chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch -Kiến trúc Hà Nội khuyến cáo các nhà đầu tư cần có cái nhìn toàn cảnh về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như tính pháp lý và quy hoạch của khu vực đó trước khi quyết định.