NHTM khó với khoanh, giãn nợ

Theo thoibaonganhang 04/04/2019 09:01

Để các NHTM có thể giảm lãi suất, giãn thời hạn trả nợ hoặc khoanh nợ gốc thì sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương cũng như trách nhiệm của người vay vốn cần được minh bạch và rõ ràng.

Thời điểm giá cao từ nguồn vốn vay nhiều vườn tiêu bạc tỷ đã được người dân đầu tư tại Tây Nguyên

Từ nguồn vốn vay, nhiều vườn tiêu bạc tỷ đã được người dân đầu tư tại Tây Nguyên

Vỡ nợ vì đâu?

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, tính đến cuối năm 2018 tổng diện tích hồ tiêu của tỉnh này đã đạt con số trên 16.500 ha, gấp gần 3 lần so với quy hoạch đến năm 2020 của chính quyền địa phương là 6.000 ha.

Ông Nguyễn Long Khánh - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh cho rằng, nguyên nhân chính khiến người dân trồng hồ tiêu tại Gia Lai nói riêng và một số tỉnh Tây Nguyên nói chung đang vướng vào nợ xấu là vì những năm trước đây đã tự phát đầu tư vườn tiêu chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua các khuyến cáo, quy hoạch của địa phương.

Có thể bạn quan tâm

  • Vinachem lại xin “khoanh nợ”

    Vinachem lại xin “khoanh nợ”

    00:45, 24/06/2018

  • Vinachem

    Vinachem "cuống cuồng" xin khoanh nợ vay 250 triệu USD từ Trung Quốc

    06:00, 04/07/2017

Với mức giá 180-240 triệu đồng/tấn (cao gấp 6 lần giá cà phê) vào các năm 2013 – 2015, ông Khánh cho rằng nhiều hộ dân vào thời điểm đó đã chấp nhận vay hàng tỷ đồng để đầu tư vào các vườn hồ tiêu ngay cả khi giá vật tư đầu vào (trụ, giống, phân bón…) đứng ở mức cao vì nhu cầu tiêu thụ lớn.

Trong khi theo nhiều chuyên gia ngành trồng trọt, dịch bệnh trên cây hồ tiêu tại Tây Nguyên vẫn diễn ra khá thường xuyên hàng năm. Những năm 2017-2018 dịch bệnh lan rộng ở khu vực các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông khiến vài chục ngàn ha hồ tiêu nhiễm bệnh và chết. Tuy nhiên, số lượng hồ tiêu mà người dân tự phát trồng ngoài quy hoạch khá lớn, trong khi ngành nông nghiệp đưa ra những số liệu thống kê thiệt hại còn chưa rõ ràng, nên không có địa phương nào công bố dịch bệnh.

Từ góc độ kinh doanh, ông Khánh cũng thừa nhận, nếu giá hồ tiêu không giảm mạnh trong suốt các năm 2017-2018, “thì dù tiêu có chết nhiều cũng không ai cản được người dân vay tiền đầu tư các vườn tiêu mới”. Vì thế trong câu chuyện vỡ nợ vì đầu tư hồ tiêu của hàng chục ngàn hộ dân tại Gia Lai, nguyên nhân không chỉ là do dịch bệnh, mà có một phần do sự hám lợi của người dân, cộng với những thiếu sót trong việc dự báo cung cầu và giá cả thị trường.

Chính vì vậy, khi lâm vào tình trạng nợ xấu, bản thân người dân vay vốn cũng cần phải có trách nhiệm phối hợp với các ngân hàng để xử lý nợ, chứ không nên phó mặc tài sản đảm bảo nợ vay cho ngân hàng và trông chờ sự hỗ trợ từ ngân sách.

Thế khó của ngân hàng hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Văn Cư - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Gia Lai, câu chuyện 26.000 hộ dân trồng hồ tiêu ở Gia Lai kêu cứu các NHTM, mong được các đơn vị khoanh nợ, giãn nợ để khắc phục hậu quả dịch bệnh đã diễn ra từ 2 năm nay. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã 2 lần kiến nghị tới Quốc hội và NHNN Việt Nam cũng đã nhiều lần có văn bản trả lời cho cử tri địa phương.

Tuy nhiên, cái khó của các NHTM hiện nay là chỉ có thể hỗ trợ giảm một phần lãi suất (đối với các khoản đã vay) và giãn thời hạn trả nợ cho người dân, chứ không thể nào khoanh nợ gốc. Vì theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ khi nào địa phương công bố tình trạng dịch bệnh, các sở, ban, ngành có những thống kê chi tiết về con số thiệt hại vốn vay, NHNN và Chính phủ mới có căn cứ để xem xét chỉ đạo các NHTM thực hiện khoanh nợ.

Tại Gia Lai, ông Cư cho biết, hiện nay tổng dư nợ các TCTD cho vay đối với lĩnh vực hồ tiêu đạt khoảng 4.300 tỷ đồng. Trong số này có khoảng 2.200 tỷ đồng đã quá hạn và trở thành nợ xấu. Mặc dù các NHTM đã rất tích cực hỗ trợ giãn nợ, xem xét giảm lãi vay trong suốt 2 năm vừa qua, nhưng hiện tại vẫn có nhiều hộ không có khả năng trả lãi hàng tháng. Thậm chí nhiều hộ đã chuyển đi nơi khác làm ăn, nên các NHTM hầu như không thu được nợ mà chỉ có thể lưu giữ hồ sơ tài sản đảm bảo và tiếp tục tính lãi trên hợp đồng vay vốn.

Cũng theo ông Cư, để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ xấu trong lĩnh vực hồ tiêu, NHNN Gia Lai đã có kiến nghị với NHNN Việt Nam và Chính phủ cho phép các TCTD thực hiện một cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân. Hiện nay với khoảng 2.200 tỷ đồng nợ xấu, nếu tính trung bình mức lãi suất 10%/năm, nếu Chính phủ cho phép thực hiện khoanh nợ gốc trong vòng 2 năm, số tiền mà ngân sách (tỉnh hoặc Trung ương) phải bỏ ra để cấp bù cho phần lãi suất mà các NHTM không thu được từ người dân sẽ vào khoảng 440 tỷ đồng. Đây là con số khá lớn mà chưa chắc nguồn tài chính từ ngân sách địa phương đã có thể cân đối được.

Chính vì vậy, dù hết sức chia sẻ với người nông dân trồng hồ tiêu, nhưng đến nay các NHTM cũng đang gặp không ít khó khăn trong việc kéo giãn các khoản nợ để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình cấp vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và hiệu quả kinh doanh của từng đơn vị trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
NHTM khó với khoanh, giãn nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO