Quý I/2019, Nhựa Bình Minh đạt doanh thu 932 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 91 tỷ đồng, tăng lần lượt 41% và 5% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc, kiêm Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Bình Minh cho biết, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2019 diễn ra gần đây, thực trạng bất động sản, xây dựng đang khó khăn, trong khi năm 2019 tín dụng cho địa ốc sẽ siết chặt, đi cùng nhiều rào cản trong việc cấp phép dự án mới, Nhựa Bình Minh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Khó khăn “kép”
Bên cạnh đó, giá điện tăng 8,46%, xăng dầu tăng 14,5% gây áp lực lên chi phí doanh nghiệp. Do đó năm 2019, Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch doanh thu 4.300 tỷ đồng, tăng 4%; lợi nhuận sau thuế 423 tỷ đồng, tăng 2% năm trước. Cổ tức dự kiến tối thiểu 20%. Kế hoạch trên được xây dựng với giả thiết giá nguyên liệu bình quân 2019 bằng với năm 2018 và không điều chỉnh chính sách kinh doanh trong năm 2019.
Có thể bạn quan tâm
Ông Ngân đánh giá trong 3 năm gần đây, thị trường ống nhựa rất căng thẳng bởi nguồn cầu từ các nhà sản xuất mới như Hoa Sen, Tân Á Đại Thành, Phúc Hà, mở rộng nhà máy của Nhựa Tiền Phong, Thuận Phát. Nguồn cung gấp 2 lần nguồn cầu nên các doanh nghiệp đẩy mạnh chính sách giá và chiết khấu để cạnh tranh, dù tạo lỗ. Giai đoạn này Công ty còn phải đối mặt với việc giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là hạt nhựa PVC (chiếm đến 80% tổng giá vốn) tăng mạnh.
Kéo theo đó, mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng, tuy nhiên lợi nhuận gộp cũng như lợi nhuận sau thuế Nhựa Bình Minh suy giảm mạnh. Hiệu suất cũng đi xuống khi tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ mức 29% (năm 2016) chỉ còn 23% trong năm 2017, thậm chí năm 2018 giảm xuống còn 21%.
Bàn về kế hoạch năm nay - ông Ngân chia sẻ, Nhựa Bình Minh sẽ cấu trúc lại hệ thống phân phối, mở rộng thị trường ra phía bắc để chiếm lĩnh thị phần. Trong năm 2018, doanh thu công ty ở miền bắc đạt 400 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ có 44 tỷ đồng. Năm 2018, Nhựa Bình Minh chia cổ tức bằng tiền 40% và đã tạm ứng 15%. Dự kiến đợt 2, công ty sẽ chi trả nốt 25%.
Chấp nhận chính sách “chiết khấu cao”
Năm 2019, HĐQT chỉ đưa ra mức cổ tức tối thiểu 20%. Điều này gây ra nhiều tranh luận với cổ đông. Ông Ngân cho biết trong nhiều năm qua, Nhựa Bình Minh luôn duy trì tỷ lệ 40% bằng tiền, thậm chí có năm trả tới 120%, bao gồm 40% bằng tiền và 80% bằng cổ phiếu. Kế hoạch trình cổ tức tối thiểu 20% vẫn luôn được đệ trình nhưng thực tế chi trả lại cao hơn mức ban đầu.
Năm 2018 cũng là năm ghi nhận sự thay đổi đáng kể của Nhựa Bình Minh, khi Tổng Công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) đã bán phần vốn nhà nước cho Tập đoàn The Nawaplastic Industries (Saraburi) của Thái Lan. Trong năm qua, Saraburi tiếp tục mua thêm cổ phần Nhựa Bình Minh để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 54,39% vốn Công ty đồng thời giới thiệu nhiều nhân sự cho các vị trí chủ chốt Công ty, trong đó ông Sakchai Patiparnpreechavud đang là Chủ tịch Nhựa Bình Minh.
Tham gia vào ban điều hành Nhựa Bình Minh trong bối cảnh kinh doanh doanh nghiệp đang đi xuống, Saraburi từng chia sẻ không chỉ đơn thuần dừng lại ở đầu tư tài chính mà sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, đưa sản phẩm Nhựa Bình Minh ra thị trường nước ngoài. Năm 2018 trước áp lực từ thị trường, ông chủ người Thái dường như mong muốn giữ được biên lợi nhuận hơn là đánh đổi để có được thị phần. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, ông Nguyễn Hoàng Ngân khẳng định: "Trước sự xâm nhập của nhiều đối thủ cạnh tranh mới gia nhập ngành, Nhựa Bình Minh sẽ duy trì chính sách mức chiết khấu cao, chấp nhận lợi nhuận thấp hoặc rất thấp để giữ và giành thị phần".