Nhựa Đồng Nai và tham vọng "tay chơi mới" trong ngành nước sạch

Nguyễn Việt 19/06/2019 07:56

Từ một doanh nghiệp nhựa tầm trung, CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP) dần để lộ tham vọng chuyển mình trở thành một trong những “tay chơi mới” trong ngành sản xuất và cung cấp nước sạch.

Năm 2018, DNP Corp bùng nổ trong hoạt động đầu tư với việc rót vốn vào khoảng chục công ty nước sạch tại các tỉnh thành khác nhau.

Năm 2018, DNP Corp bùng nổ trong hoạt động đầu tư với việc rót vốn vào khoảng chục công ty nước sạch tại các tỉnh thành khác nhau.

Đánh giá tình hình kinh doanh ngành nhựa ngày càng khó khăn, Chủ tịch DNP Corp, ông Vũ Đình Độ dự báo giai đoạn 2 – 3 năm nữa, biên lợi nhuận của ngành sẽ sụt giảm mạnh. Chuyển hướng sang ngành nước chính là cách để công ty giảm bớt tác động rủi ro, đồng thời phát triển các cơ hội mới. Theo phân tích của ông Độ, hiện chỉ có 80% dân cư đô thị, 39% dân cư nông thôn được cung cấp nguồn nước sạch có chất lượng, nhu cầu của người dân, công nghiệp và các thành phần kinh tế là rất lớn.

Cơ hội từ ngành nước

Mặt khác, chất lượng nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm, tại vùng Tây Nam Bộ tình trạng khai thác nước ngầm nhiều gây ra sụt lún. Thời gian tới chính sách hạn chế sử dụng nước ngầm chính là cơ hội của ngành nước. Ngoài ra xu hướng cổ phần hóa và thoái vốn của Nhà nước đang được đẩy mạnh, đặc biệt trong ngành nước. Giá nước sạch trung bình tại Việt Nam từ 7.500 – 8.000 đồng/m3, đang là mức chi tiêu thấp nhất trong sinh hoạt thiết yếu của hộ dân, điều này để ngỏ khả năng tăng trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

  • Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai bị truy thu gần 7 tỷ đồng tiền thuế

    06:14, 16/08/2018

Giới đầu tư cho rằng, nước sạch là một trong những nhu cầu cơ bản của con người; kinh tế tăng trưởng, dân cư tăng, công nghiệp phát triển sẽ kéo theo nhu cầu về nước sạch gia tăng. Mặt khác, đây là ngành đầu tư an toàn, mang tính phòng thủ, ít bị ảnh hưởng bởi những rủi ro như Chiến tranh Thương Mại… "Khi sở hữu một doanh nghiệp nước sạch có địa bàn hoạt động tốt, sẽ như sở hữu một cỗ máy in tiền thu lợi nhuận đều hàng năm", một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ. 

DNP Corp có những lợi thế nhất định đối với ngành nước sạch. Từ doanh nghiệp chuyên cung cấp vật tư ngành nước, công ty nắm bắt được các cơ hội đầu tư sớm hơn so với đối thủ. Tại thời điểm 31/3/2019, DNP Corp sở hữu 9 công ty con kinh doanh ngành nước, ngoài ra còn có 7 công ty liên kết với tỉ lệ sở hữu trên 20% cho đến 45%. Quan điểm của DNP Corp là sẽ không nắm cổ phần tại các doanh nghiệp mà công ty không có khả năng chi phối. Đó là lý do trong quý I vừa qua công ty bán lại 3,5% vốn điều lệ tại Nước sạch Khánh Hòa, một đơn vị cũng được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng gặp phải cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp khác.

Trong năm nay, ban lãnh đạo DNP Corp cho biết sẽ tiến hành nâng sở hữu lên chi phối tại ba doanh nghiệp nữa, cùng với đó là việc không ngừng tìm kiếm thêm các cơ hội mới. Gần nhất là tham gia vào cuộc đua thâu tóm hơn 84% CTCP Thoát nước Bình Phước (Bpwaco), giá khởi điểm trọn lô là 200 tỷ đồng. Đối thủ cạnh canh của DNP Water là cặp đôi công ty liên kết CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase) và CTCP Nước Thủ Dầu Một (Tdmwater). Mục tiêu của DNP Corp cũng như DNP Water là đầu tư nước sạch tại các tỉnh có tiềm năng về công nghiệp hay tăng trưởng du lịch ở tốc độ cao. 

Tỷ lệ thuận với nợ vay tăng chóng mặt

Để phục vụ cho chiến lược M&A hàng loạt, DNP Corp và các thành viên phải huy động nguồn tiền không hề nhỏ. Ngoài ra, việc hợp nhất với các công ty con sau thâu tóm kéo các chỉ số về nợ vay của công ty này tăng chóng mặt. Tại ngày 31/3/2019, giá trị nợ vay ngắn hạn tại DNP Corp là 1.226 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là các khoản vay tại Nhựa Đồng Nai (643 tỷ đồng) và Nhựa Tân Phú (346 tỷ đồng).

Nợ vay dài hạn 2.881 tỷ đồng gồm các khoản lớn của DNP Water (562 tỷ đồng), DNP Bắc Giang (536 tỷ đồng), Nước Đồng Tâm (440 tỷ đồng), DNP Long An (287 tỷ đồng), trái phiếu của NS3 (150 tỷ đồng), DNP Corp (250 tỷ đồng) và nhiều công ty con khác. Như vậy, riêng vợ vay ngắn và dài hạn cuối quý I/2019 đã đạt 4.107 tỷ đồng, gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu; chưa kể con số này đã giảm đáng kể so với số liệu đầu kỳ. Rủi ro về nợ vay là điều chính lãnh đạo DNP Corp cũng phải thừa nhận, tuy nhiên phía công ty cho biết đang thực hiện các hoạt động cơ cấu lại, phân bổ sang nợ dài hạn.

Thông tin thêm từ DNP Corp, công ty đã huy động được một lượng vốn nhất định từ các tổ chức nước ngoài như việc thông qua Nước sạch số 3 (NS3) phát hành trái phiếu 150 tỷ đồng cho Dragon Capital năm 2018; hay nửa đầu năm 2019, quỹ đầu tư Olympus Capital Asia (một quỹ chuyên đầu tư vào ngành nước) đã giải ngân 20 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho DNP Corp. Trước đó, DNP Water cũng huy động được 24,9 triệu USD từ IFC, thành viên của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Có mặt tại đại hội đồng cổ đông thường niên DNP Corp cuối tháng 4, đại diện quỹ đầu tư Olympus Capital Asia bày tỏ niềm tin vào hoạt động kinh doanh ngành nước tại Việt Nam. Đại diện quỹ này cho biết: "Chúng tôi mặc dù chưa phải là cổ đông tại DNP Corp, mới chỉ là trái chủ, nhưng mong muốn trở thành cổ đông của công ty trong tương lai. Chúng tôi đánh giá cao đội ngũ ban lãnh đạo và sẵn sàng sắn tay áo, cùng làm việc để tăng cường hiệu quả hoạt động cho công ty". Theo tìm hiểu, Olympus sẽ tiến hành chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu DNP Corp ở mức giá 20.000 đồng/đơn vị khi đáo hạn, trong khi thị giá cổ phiếu này trên thị trường đang dao động quanh ngưỡng 14.000 đồng/cp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhựa Đồng Nai và tham vọng "tay chơi mới" trong ngành nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO