Hà Tĩnh hiện có 21 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng có đến 14 cụm chưa đảm bảo việc xử lý nước thải khiến nguy cơ ô nhiễm tại các khu, cụm trở thành vấn đề nhức nhối của các địa phương.
Con kênh dẫn nước chảy ra sông Ngàn Mọ (xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từng là nơi để người dân lấy nước tưới, phục vụ sản xuất chăn nuôi, tôm cá khá nhiều. Thế nhưng từ ngày con kênh này dẫn nước thải từ cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên thì trở thành kênh “chết” do ô nhiễm nghiêm trọng.
Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2014. Các doanh nghiệp trong cụm chủ yếu hoạt động về lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, bao bì, dược, thiết bị y tế, sản xuất bánh kẹo… Dù đã đi vào hoạt động khá lâu nhưng đến nay cụm này vẫn chưa có hệ thống thu gom xử lý nước thải theo quy định. Việc xả thải tại đây diễn ra hết sức tùy tiện, doanh nghiệp mạnh ai người nấy làm. Mỗi ngày, hàng trăm mét khối nước thải từ cụm công nghiệp này ngang nhiên chảy thẳng ra môi trường.
Hay như cụm công nghiệp Phù Việt do UBND huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh quản lý. Dù chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng cụm công nghiệp Phù Việt vẫn mặc nhiên hoạt động trong nhiều năm qua. Để xử lý nước thải, cụm này xây dựng một hồ chứa thu gom nước thải từ các đơn vị sản xuất trong khu công nghiệp, phân tầng chứa tại các ao lắng và khi đầy sẽ chảy theo đường ống ra môi trường.
Ông Phạm Văn Đồng, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Hà cho rằng: “Việc quản lý cụm công nghiệp tại địa phương còn nhiều khó khăn, nhất là quá trình kiểm tra, giám sát, địa phương chỉ có thẩm quyền từ hệ thống nước thải phía ngoài vào đến hồ điều hòa, còn quá trình sản xuất bên trong sẽ phối hợp với Sở TN&MT khi có dấu hiệu bất thường”.
Những bất cập này là tình trạng khá phổ biến của hầu hết các cụm công nghiệp còn lại trên địa bàn Hà Tĩnh. Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Tĩnh, trong 21 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh thì có 7 cụm chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, 7 cụm chưa đầu tư hạ tầng công trình bảo vệ môi trường. Hầu hết các cụm công nghiệp đều do UBND huyện trực tiếp làm chủ đầu tư.
Thực tế cho thấy, nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa cao. Phần nhiều vẫn đang chú trọng lợi ích kinh tế, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Công tác quản lý, giám sát, thanh kiểm tra trong lĩnh vực môi trường còn lỏng lẻo. Vì vậy, tình trạng chất thải, nước thải được đổ thẳng ra môi trường hoặc xử lý không theo quy chuẩn diễn ra từ nhiều năm nay.
Ông Phạm Hữu Tình, Trưởng phòng Môi trường, Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết: “Sở đang yêu cầu các huyện, thị rà soát và phân loại các khu, cụm công nghiệp để tổng hợp và kiểm tra trong thời gian tới. Nếu khu cụm công nghiệp thuộc địa bàn huyện nào chưa làm đúng theo quy định của pháp luật thì sẽ xử lý vi phạm hành chính, đồng thời tiếp tục hướng dẫn để huyện sớm đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý và vận hành đạt yêu cầu”.
Để hoàn thiện hệ thống hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 86/2018 về một số chính sách phát triển CN-TTCN đến năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
17:30, 12/06/2021
11:09, 08/01/2021
03:04, 29/12/2020
16:53, 06/02/2021
03:28, 25/11/2020