Những băn khoăn về dự thảo luật “đặc khu”

Luật sư Nguyễn Tiến Lập/Thời báo Kinh tế Sài Gòn 14/04/2018 14:44

Tham luận với đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc gần đây, tôi không dứt được sự băn khoăn về những tác động “được - mất” của luật này.

Dưới đây xin nêu ra vài vấn đề cụ thể trên nền tảng các hiểu biết chung và sự so sánh với kinh nghiệm của thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyên gia nói gì về việc đặc khu kinh tế được thuê đất 99 năm?

    07:12, 26/11/2017

  • Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO: "Chọn thiết chế Trưởng đặc khu kinh tế để tạo ra đột phá"

    11:22, 15/11/2017

  • ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Đặc khu kinh tế không như các dự án đầu tư thông thường

    18:03, 10/11/2017

  • Bài học từ phát triển các đặc khu kinh tế Trung Quốc

    13:40, 10/11/2017

Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã “hữu xạ tự nhiên hương”

Thứ nhất, chưa nói tới một sự kiện lập pháp chưa có tiền lệ rằng một đạo luật lại điều chỉnh các đối tượng được nêu đích danh, mà vấn đề là sự cần thiết lựa chọn Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc để làm đặc khu cho phát triển kinh tế.

Việt Nam sẽ xây dựng 3 đặc khu hành chính - kinh tế (Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc)

Việt Nam sẽ xây dựng 3 đặc khu hành chính - kinh tế (Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc)

Thông thường, khi tạo các “đặc khu” như vậy là để áp dụng chính sách tự do hóa tối đa cùng với các ưu đãi đặc biệt cho đầu tư tư nhân vốn không có trong các điều kiện phổ thông. Do đó, người ta thường áp dụng cơ chế đặc biệt ấy cho những vùng kém phát triển và ít lợi thế để nó trở nên hấp dẫn hơn cho đầu tư tư nhân.

Cả ba địa điểm trên, trái lại, được đánh giá chung là có vị thế rất đắc địa, đầy tiềm năng và thậm chí đang phát triển rất sôi động. Vậy nên, khi thảo luận với các đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia cho rằng phải chăng đối với các nơi này, vốn về địa lý hành chính chỉ tương đương cấp huyện, Nhà nước chỉ cần ban hành một số chính sách và cơ chế riêng nào đó nếu cần, thay vì phải xây dựng cả một đạo luật riêng?

Ưu đãi có tương xứng lợi ích thu được?

Thứ hai, việc dự luật đưa ra các ưu đãi ở mức cao nhất về cả thuế và tiền thuê đất, xét từ góc độ tương xứng với lợi ích thu được cho nền kinh tế, liệu có hợp lý?

Khi nhà đầu tư nước ngoài tạo lập doanh nghiệp tại Việt Nam, điều được trông đợi đầu tiên và có tính khả thi nhất là mang đến việc làm cho người dân sở tại, qua đó nâng cao mức sống của họ. Cùng với tạo việc làm, Nhà nước cũng thu được thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương của người lao động, vốn là nguồn đang và sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong ngân sách.

Tuy nhiên, liên quan đến các đặc khu, với chính sách nhập cảnh, di trú và cấp phép lao động khá nới lỏng cho người nước ngoài, đồng thời với thời gian miễn thu từ 5-10 năm và giảm tới 50% thuế thu nhập cá nhân như nêu trong dự thảo luật, e rằng sẽ có một số lượng lớn người nước ngoài được các nhà đầu tư tuyển dụng để làm việc tại các đặc khu và hưởng lợi từ chính sách này, hơn là người lao động trong nước.

Ngoài việc miễn, giảm tối đa, việc mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất là 10% (so với mức phổ thông 20%) được đề xuất áp dụng trong suốt vòng đời dự án đầu tư đăng ký tại đặc khu, mặc dù mức này đang chỉ được Chính phủ quyết định áp dụng riêng cho các dự án có ý nghĩa kinh tế chiến lược như trường hợp tập đoàn Samsung, sẽ làm cho doanh nghiệp nào có cơ hội đầu tư vào các vùng đầy tiềm năng này càng có ưu thế cạnh tranh thêm nữa.

Một vấn đề cũng cần được lưu ý là trên một diện tích hạn chế, rất có thể sẽ chỉ có số lượng doanh nghiệp nhất định đăng ký thành lập dự án đầu tư ở đặc khu và tiến hành song song hoạt động “gia công” (outsourcing) với các nhà cung cấp từ bên ngoài, trong khi vẫn được hưởng tối đa các ưu đãi từ chính sách. Ngoài ra, với các doanh nghiệp kinh doanh và quản trị liên quốc gia, tình trạng hạch toán qua biên giới và chuyển giá sẽ không tránh khỏi và trở nên khó kiểm soát, qua đó lợi nhuận ở Việt Nam sẽ bị giảm thiểu làm ảnh hưởng đến mục tiêu đánh thuế thu nhập. Do đó, nguồn thu còn lại cho ngân sách sẽ có nguy cơ không còn bao nhiêu nếu trông đợi từ phía các doanh nghiệp.

Một khoản thu khác khá quan trọng và có tính ổn định cho ngân sách địa phương về lâu dài là tiền sử dụng đất thu từ doanh nghiệp. Với chính sách miễn thu hẳn hoặc miễn có thời hạn tới 30 năm tiền sử dụng đất và mặt nước áp dụng cho dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả kinh doanh du lịch, bất động sản và giải trí, khoản thu này cũng không còn được tính đến hay mang lại nhiều ý nghĩa.

Vậy, nếu theo thông lệ chung, khi thu hút đầu tư để phát triển một đặc khu kinh tế, có một số mục tiêu thực dụng thường được tính đến như để phát triển chính vùng, miền đang tụt hậu ấy, hay lấy các khoản thu cao có được theo kiểu “con gà đẻ trứng vàng” để phát triển khu vực khác, chúng ta nên tự hỏi rằng lợi ích cụ thể mà nền kinh tế nói chung và ngân sách nhà nước nói riêng thu được từ phát triển các đặc khu này sẽ là gì?

Thời hạn sử dụng đất tới... 99 năm dưới góc nhìn lãnh thổ và kinh tế

Thứ ba, ưu đãi đặc biệt đến 99 năm đối với thời hạn sử dụng đất theo đề xuất của dự thảo luật có thể coi là bất thường bởi theo thông lệ chung của thế giới, 99 năm là con số tượng trưng cho sự lâu dài vượt quá một đời người, do đó có hàm ý về pháp lý là sự tô nhượng hay trao quyền sở hữu đối với lãnh thổ. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc gắn thời hạn sử dụng đất với các dự án đầu tư không còn phù hợp. Trước hết, các nhà đầu tư đến Việt Nam phần lớn không phải chỉ để thực hiện một hay những dự án kinh tế nhất định mà để kinh doanh chung theo các quyền tự do rộng nhất mà họ được trao để kiếm lời. Theo đó, các lĩnh vực và mục tiêu đầu tư của họ sẽ được xác định linh hoạt và có xu hướng thay đổi ngày càng nhanh theo nhu cầu thị trường, đặc biệt trong thời đại của kinh tế số hay cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, nên cân nhắc một cách tiếp cận mới và hợp lý hơn. Đó là việc Nhà nước cấp quyền kinh doanh có thời hạn hay không giới hạn về thời gian đối với người nước ngoài, bình đẳng như doanh nghiệp trong nước và trên cơ sở đó, quyền sử dụng đất như là thương quyền hay biện pháp bảo đảm sẽ được trao tương ứng.

Cơ chế cho thuê đất với thời hạn cứng 50, 70 hay 99 năm theo Luật Đất đai cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong điều kiện các quyền kinh doanh của họ đã được mở rộng theo các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia, thực chất sẽ là tạo cho họ các quyền pháp lý độc lập mang tính sở hữu về đất đai và lãnh thổ, hơn là tạo mặt bằng để đầu tư, kinh doanh đơn thuần.

Chẳng hạn, để huy động vốn đầu tư, thay vì sử dụng mô hình tài trợ dự án hay bảo lãnh của cổ đông, tức công ty mẹ, nhà đầu tư sẽ ưa sử dụng chính các quyền sử dụng đất, lại được cấp miễn phí nhưng có giá trị thương quyền lớn, để thế chấp vay vốn. Khi đó, từ góc nhìn tài chính, một dự án đầu tư công nghiệp có thể bị sự hấp dẫn của các yếu tố của kinh doanh bất động sản chi phối, làm cho biến dạng với mục tiêu cam kết ban đầu.

Cần lưu ý thêm rằng, cái “van an toàn” là quyền thu hồi đất theo Luật Đất đai trên thực tế không dễ sử dụng bởi thường gắn với hệ quả pháp lý phức tạp. Vấn đề quyền sử dụng đất nói chung và quyền sử dụng đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài nói riêng sẽ còn trở nên nhạy cảm hơn nữa trong trường hợp cụ thể của Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc với triển vọng phát triển thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt.

Quyền được áp dụng pháp luật nước ngoài trong quan hệ lao động tạo sự bấp bênh trong bảo vệ lao động Việt Nam

Thứ tư, quyền được áp dụng pháp luật nước ngoài trong quan hệ lao động tại đặc khu sẽ tạo nên sự bấp bênh trong bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam. Dự thảo luật cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tuyển dụng lao động được phép thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài miễn bảo đảm các quyền lợi tối thiểu của người lao động.

Như đã phân tích ở trên, lợi ích thực tế lớn nhất của thu hút đầu tư nước ngoài cho đến nay là tạo việc làm để cải thiện đời sống của người dân Việt Nam. Tương tự thực tiễn ở các nước đang phát triển, bảo đảm quyền của người lao động địa phương luôn luôn có ý nghĩa nhạy cảm đối với nhà đầu tư nước ngoài bởi các lợi ích và rủi ro từ góc độ chi phí đầu tư và uy tín xã hội. Trong khi Bộ luật Lao động của Việt Nam đã tạo ra các tiêu chuẩn khá cao theo hướng bảo vệ quyền của người lao động so với mặt bằng chung, việc cho phép áp dụng một mức độ bảo hộ quyền có thể thấp hơn trong các đặc khu sẽ không chỉ gây thiệt hại cho bản thân người lao động mà còn vô tình tạo ra sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử trong môi trường chính sách vĩ mô của Việt Nam.

Hy vọng với các góp ý ở trên, dự luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này sẽ được xem xét thấu đáo trên diễn đàn Quốc hội sắp tới.

Thực tiễn chung của thế giới cho thấy có trên 3.000 khu kinh tế, thương mại tự do theo mô hình “đặc khu” đang tồn tại ở nhiều nước, riêng trường hợp Trung Quốc có thêm khu hành chính đặc biệt theo kiểu “một nước hai chế độ” là Hồng Kông và Macau. Các đặc khu được thiết lập với mục tiêu rõ ràng, chủ yếu để khuyến khích đầu tư vào các vùng chậm phát triển, hỗ trợ giao thương hàng hóa hoặc thử nghiệm các chính sách mới trước khi áp dụng đại trà. Tuy nhiên, mô hình đặc khu đã trở nên ít ý nghĩa hơn trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu, đặc biệt là khi thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, theo đó các nước đều phải cải cách hướng tới các tiêu chuẩn toàn diện chung.
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những băn khoăn về dự thảo luật “đặc khu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO