Trong tháng 9, nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ và vừa sẽ có ưu thế hơn về đường tăng giá, đặc biệt là các nhóm ngành như phân bón, thực phẩm do hưởng lợi từ chiến sự Nga – Ukraine.
>>>Cơ hội “lướt sóng” cổ phiếu
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần có sự sàng lọc kỹ, tránh sử dụng đòn bẩy quá lớn, đồng thời tuân thủ nguyên tắc quản trị rủi ro.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ, chỉ số Dow Jones đã có thời điểm rơi về mốc 29.500 điểm và có đợt hồi phục lên gần 34.000 điểm, nhưng đến nay chỉ số này đang điều chỉnh giảm lần hai ở quanh mốc 29.000 – 32.000 điểm.
Đến ngày 20/9 sắp tới, FED sẽ họp để xem xét tiếp tục tăng lãi suất, nên thị trường có sự di chuyển để chờ đợi các tín hiệu từ FED. Do đó, chỉ số đi ngang là bình thường, không đáng quan ngại, thậm chí chúng ta phải chấp nhận sự đi ngang của TTCK quốc tế nói chung.
Vừa qua trên một số diễn đàn, có nhiều nhà đầu tư đã chia sẻ mức lỗ từ 70- 80%, nhưng đâu đó có những người đã sử dụng đòn bẩy một cách bất hợp lý. Để nhìn tổng thể thị trường Việt Nam trong hiện tại, có thể nói đây là thời điểm tương đối tốt để xem xét đầu tư trong trung - dài hạn, bất chấp sự hoảng loạn của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Các nhà đầu tư cần nắm chắc nguyên tắc không bao giờ rút tiền ở nơi khác để cứu đòn bẩy khi bị yêu cầu bổ sung margin. Khi đã vi phải nguyên tắc rủi ro, thì phải bán ra ngay.
Trong đó, có những nhóm ngành hầu như không di chuyển đáng kể so với mức đỉnh của VN-Index ở 1.530 điểm, điển hình như nhóm năng lượng mất khoảng 0,7%; hay nhóm thực phẩm mất khoảng 3,8%; nhóm cao su, dầu khí, công nghệ mất 9%,... là mức giảm rất thấp, bất chấp chỉ số đã mất khoảng 26%. Vì vậy, nếu đứng ở góc độ đầu tư, dù chỉ số dao động thế nào thì điều quan trọng là “món hàng” mà chúng ta nắm giữ. Đặc biệt, với đầu tư ngắn hạn, trung hạn, dài hạn là ba khung khác nhau, nên sẽ có những câu trả lời khác nhau cho danh mục nắm giữ. Tuy nhiên, thời gian ngắn thì rủi ro cao và thời gian dài thì rủi ro thấp hơn.
Để thống kê tháng 9, trong 10 năm vừa qua dù thị trường tháng 9 có giảm hay tăng, thì mức độ dao động cũng không quá lớn, bởi biến động mạnh có xu hướng diễn ra vào đầu năm hoặc cuối năm. Vì vậy trong tháng 9 này, nhà đầu tư có thể yên tâm thị trường sẽ tăng hoặc giảm nhẹ, từ đó tập trung lựa chọn những nhóm ngành quan trọng.
Hiện tại, vùng điểm của VN-Index ở quanh mốc 1.280 điểm, hầu như các nhà tư vấn đều thận trọng hơn khi nhận định đây là đỉnh của một con sóng hồi trung hạn, nhưng bên cạnh đó nó cũng có thể là lúc bắt đầu của một xu hướng tăng điểm của thị trường.
Với tâm lý thận trọng, nhà đầu tư có thể bán bớt và sở hữu cổ phiếu thấp đi, để chuẩn bị cho việc thị trường có điều chỉnh giảm sẽ có sức mua mới; còn đối với những người kỳ vọng vào tương lai tươi sáng, thì coi đây có thể là chân của một đợt sóng tăng. Giữa những quan điểm trái chiều như vậy mới tạo ra hoạt động mua và bán trên thị trường một cách bình thường.
Cổ phiếu nào tăng điểm?Bên cạnh câu chuyện ảnh hưởng của TTCK Mỹ tới TTCK Việt Nam, trong tháng 9 còn có hoạt động cơ cấu của các quỹ ETFs khiến nhà đầu tư phải lưu ý. Theo đó, trong tất cả các kỳ cơ cấu quỹ nói chung, ba tuần đầu tiên, chỉ số VN-Index thường không tăng mạnh, vì danh mục các quỹ nắm giữ đều là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm VN30 và chỉ số những nhóm này không có dao động lớn, dẫn đến các mã cổ phiếu vốn hóa trung hoặc vốn hóa nhỏ sẽ có ưu thế hơn về đường tăng giá. Nhìn rộng hơn trong năm nay, có nhiều biến cố bởi các sự kiện trên thế giới diễn ra như xung đột Nga– Ukraine... Nhưng có thể nói, “trong họa có phúc” và quan trọng nhà đầu tư tìm được ngành nào, nhóm nào sẽ hưởng lợi từ căng thẳng đó. Cụ thể, nhóm phân bón - hóa chất đã tăng rất mạnh và đà tăng giá còn tiếp diễn. Trước đó, nhóm phân bón đã tạo đỉnh và đi xuống, nhưng không ngờ căng thẳng vẫn kéo dài nên các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này có một đà tăng mới. Có thể kể đến các cổ phiếu như DCM đang có mức kháng cự gần nhất khoảng 40.000 đồng/cổ phiếu và DPM ở mức 60.000 đồng/cổ phiếu. Nếu vượt qua vùng giá này thì triển vọng của hai mã cố phiếu sẽ rất sáng, nhưng cần chờ hết tuần đầu tiên của tháng 9 để đưa ra đánh giá tốt hơn. Ngoài ra, các thống kê gần đây bắt đầu nhắc nhiều đến sự thiếu hụt lương thực trên toàn cầu cũng bắt nguồn từ căng thẳng Nga- Ukraine chưa biết khi nào kết thúc. Ngay cả khi cuộc chiến chấm dứt, thì sự đứt gãy về cung ứng vẫn còn kéo dài, nên đến nay một số mã lương thực đã tăng bất chấp VN-Index đang không tích cực, điển hình là mã cổ phiếu PAN. Cũng phải nói thêm, năm 2018 cổ phiếu PAN có một đợt tăng giá trên 200% và mỗi đợt tăng giá đều rất ấn tượng, tạo ra nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư. Nhưng ở hiện tại, đây không phải là cổ phiếu cho nhà đầu tư ngắn hạn. Một nhóm cổ phiếu cũng thu hút sự chú ý trên thị trường hiện nay là nhóm dầu khí, nhóm ngành này được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong quý 4/2022 và quý 1/2023 với hai vấn đề đáng chú ý cho nhà đầu tư là: Thứ nhất, cần phải quản trị rủi ro tốt, sử dụng đòn bẩy hợp lý hoặc không sử dụng đòn bẩy cho chương trình dài hạn. Thứ hai, nhà đầu tư nên co gọn danh mục đầu tư trong nhóm dầu khí, trong đó có hai mã cổ phiếu tiềm năng như PVD và PVC. Về chiến lược đầu tư, các nhà đầu tư cá nhân đều thiếu kinh nghiệm trong việc dùng đòn bẩy và sử dụng đòn bẩy. Vì thế, cần nắm chắc nguyên tắc không bao giờ rút tiền ở nơi khác để cứu đòn bẩy khi bị yêu cầu bổ sung margin và khi đã vi phạm nguyên tắc rủi ro, nhà đầu tư phải bán ra kể cả thị giá cổ phiếu rơi về vùng đáy. |