Những dấu ấn nổi bật của Giáo dục nghề nghiệp năm 2021

ĐỖ HUYỀN 01/01/2022 19:28

Năm 2021, vượt qua những thách thức, khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã linh hoạt thích ứng và đạt nhiều thành tích xuất sắc, với nhiều dấu ấn nổi bật.

Năm 2021, vượt qua những thách thức, khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã linh hoạt thích ứng và đạt nhiều thành tích xuất sắc.

Cùng Diễn đàn Doanh nghiệp điểm lại những sự kiện nổi bật của Giáo dục Nghề nghiệp trong năm 2021.

1. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động dạy và học nghề

Trước yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp tích cực vào phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hành động nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa quá trình chuyển đổi số, tập thể lãnh đạo Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã chỉ đạo và triển khai các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thực hiện thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, đặc biệt là đảm bảo kết nối hoạt động quản lý, hoạt động dạy và học.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng tham dự trực tuyến Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng tham dự trực tuyến Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tập trung chỉ đạo xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, Tổng cục đã ban hành Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; xây dựng và đưa vào hoạt động 18 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 liên thông với trục liên thông quốc gia; nâng cấp hệ điều hành điện tử của cơ quan Tổng cục, vận hành phần mềm kết nối chia sẻ dữ liệu giáo dục nghề nghiệp, và các phần mềm ứng dụng dạy và học đối với môn học chung, chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục toàn diện cho người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trong công tác chỉ đạo điều hành, nhằm đảm bảo kết nối thông suốt, nắm bắt thông tin sát thực tiễn từ cơ sở để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, trong năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã triển khai trên 550 hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế thông qua hình thức trực tuyến… Nội dung chỉ đạo, điều hành tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho quá trình tuyển sinh, đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp; các chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là triển khai các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19…

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số bằng sự chủ động đầu tư, nâng cấp, xây dựng các phần mềm quản lý, quản trị nhà trường, xây dựng nền tảng trực tuyến riêng phục vụ cho hoạt động dạy và học, xây dựng kho tài nguyên mở dùng chung, các nhà giáo đã sáng tạo xây dựng các học liệu số đưa vào bài giảng để nâng cao chất lượng dạy và học…

Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện từng bước chuyển đổi số, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tạo ra sự kết nối, gắn kết, duy trì mọi hoạt động, thể hiện cùng chung tay vượt qua đại dịch Covid-19. Đây là điều có ý nghĩa quan trọng và khẳng định thành công bước đầu quá trình chuyển đổi số, thích ứng của giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới.

2. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý; hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược, quy hoạch, đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp tạo động lực mới để phát triển giáo dục nghề nghiệp

Xác định vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng thế chế, chính sách, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, ngay từ đầu năm, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã kết hợp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng, ban hành bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức về quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, thông qua hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp đã mời các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới tham gia tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp. Bên cạnh đó, các lớp tập huấn về nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được Tổng cục duy trì tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp.

Lớp tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tháng 03/2021.

Lớp tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tháng 03/2021.

Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, của công nghệ 4.0, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng của người lao động là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp. Tại các diễn đàn trong nước và quốc tế với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng nội dung về chất lượng nguồn nhân lực luôn là vấn đề được thảo luận sâu sắc đã góp phần nâng cao vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động như: Diễn đàn kinh tế Việt Nam – phục hồi và phát triển bền vững; Diễn đàn tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp; Diễn đàn đa phương 2021- Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm Việt Nam; Diễn đàn quốc tế về tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid -19 và cách mạng công nghiệp 4.0 chủ đề phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam; Hội thảo quốc tế về Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới…

Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tập thể cán bộ, công chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng toàn hệ thống đã tập trung trí lực để xây Chiến lược mới, những chương trình, đề án mới trình Bộ, trình Chính phủ với mục tiêu tạo nền tảng, động lực, nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới, như:

Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021;

Các chương trình đề án: Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua ngày 30 tháng 12 năm 2021.

Chương trình chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021; 

Kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2021

Đề án tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2027 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1260/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021,

Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại năng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2021

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua.

Trong năm 2021, với trên 100 chương trình hội thảo, hội nghị quốc tế được tổ chức, đã thu hút được nhiều dự án, tăng thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp từ các nước phát triển như Hàn Quốc, Australia, Cộng hòa liên bang Đức… các tổ chức quốc tế ILO, IOM, WB, GIZ… Cùng với các chương trình được chuyển giao từ Australia, Cộng hòa liên bang Đức được tổ chức triển khai đào tạo thể hiện sự sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Với nền tảng mới, nguồn lực mới là những yếu tố quan trọng thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp thực hiện sứ mạng góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm và phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn. Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực vào năm 2030 và bắt kịp trình độ các nước tiên tiến vào năm 2045.

3. Linh hoạt, sáng tạo, thích ứng trong tuyển sinh, đào tạo duy trì chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế

Trong bối cảnh Dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh, nếu để đứt gãy thị trường lao động thì sẽ tốn kém rất nhiều thời gian khôi phục lại. Để nối lại chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu… doanh nghiệp chỉ cần từ ba đến sáu tháng, còn nối lại chuỗi cung về lao động có thể kéo dài sáu tháng đến cả năm, thậm chí còn lâu hơn nữa, tiến trình tái khởi động phục hồi nền kinh tế càng trở nên gian truân và khó khăn hơn.

Các đại biểu tham dự trực tiếp Hội thảo quốc tế “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới” tại điểm cầu Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Các đại biểu tham dự trực tiếp Hội thảo quốc tế “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới” tại điểm cầu Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Với mục tiêu duy trì chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề, thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã trình Bộ ban hành và ban hành các văn bản hướng dẫn hệ thống giáo dục nghề nghiệp linh hoạt, sáng tạo, thích ứng, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị; cho phép các trường điều chỉnh kế hoạch đào tạo, tổ chức thi kiểm tra đánh giá bằng hình thức trực tuyến đối với những môn học, những nội dung phù hợp. 

Duy trì gắn kết với doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng chuẩn mực quốc tế; đào tạo nhân lực cho các ngành nghề mới, kỹ năng mới, ngành nghề 4.0.

Với vai trò là cơ sở đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát huy nội lực chủ động triển khai các biện pháp duy trì hoạt động. Ứng dụng công nghệ thông tin được các nhà trường áp dụng hiệu quả vào các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kết quả, khai giảng, bế giảng năm học bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, và trực tuyến thông qua các nền tảng công nghệ thông tin, nền tảng xã hội như: Zoom, google meet, face book, zalo, tiktok… Hoạt động dạy và học được duy trì thông qua việc chuyển đổi thích ứng với mô hình trường học an toàn, trường học “3 tại chỗ” được một số trường áp dụng hiệu quả, đảm bảo để người học có thể hoàn thành chương trình học tập, tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động.

Đào tạo thông qua thực tế, thực hành sản xuất sản phẩm đã thúc đẩy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực tham gia phòng chống dịch Covid-19. Bằng năng lực, kiến thức các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khối ngành y dược đã cử hàng ngàn cán bộ quản lý, nhà giáo, sinh viên tham gia lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch từ khâu xét nghiệm đến điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia làm khu cách ly, chế tạo, sản xuất các thiết bị, dụng cụ, đồ dùng y tế như: sản xuất buồng khử khuẩn, buồng lấy mẫu xét nghiệm an toàn, máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn… Các hoạt động cộng đồng, quyên góp quỹ vaccine phòng chống Covid-19, ủng hộ người bị cách ly, người gặp khó khăn do dịch bệnh đã được hệ thống giáo dục nghề nghiệp chung tay, góp sức.

Bằng sự chủ động, linh hoạt, thích ứng, kết nối an toàn và quyết tâm cao của cả hệ thống, hoạt động giáo dục nghề nghiệp năm 2021 tiếp tục khẳng định thành công, lan tỏa sức sống của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hòa chung với nhịp sống của nền kinh tế - xã hội, góp phần vào việc cung ứng nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp và thị trường lao động.

4. Tổ chức thành công, an toàn các hoạt động chuyên môn và vinh dự đón nhận Huân chương Lao đọng hạng Nhất

Tiếp tục đẩy mạnh, mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn, sử dụng các thành tựu mới của công nghệ 4.0 thông qua các siêu máy tính, công nghệ điện toán đám mây, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp chủ động tham mưu với Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai đồng bộ, thành công và an toàn bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến các hoạt động chuyên môn sâu như: Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2021, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021, Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp toàn quốc, Hoạt động xây dựng văn hoá ứng xử trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp và biểu dương mô hình văn hoá ứng xử tiêu biểu năm 2021… 

Phó Chủ tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng nhất tặng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Phó Chủ tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng nhất tặng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Với sứ mạng là đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, tiếp nối những thành tựu đã đạt được kể từ khi được thành lập tới nay, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, và Lãnh đạo Bộ, cùng tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động, hoạt động giáo dục nghề nghiệp có những chuyển biến tích cực. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động. Hàng ngàn nhà giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố và toàn quốc; nhiều cán bộ, giáo viên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhiều người đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, những chuyên gia kỹ thuật, công nghệ đầu đàn, những công nhân lành nghề bậc cao; nhiều sinh viên đã đạt giải cao trong các kỳ thi kỹ năng nghề khu vực và thế giới; hàng triệu lao động qua đào tạo nghề đã và đang làm việc trong các doanh nghiệp; trên các công trường, đồng ruộng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những thành tựu đó đã làm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, giáo dục nghề nghiệp.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay với 1.909 cơ sở GDNN, bao gồm: 409 trường cao đẳng, 442 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, với quy mô tuyển sinh trên 2,2 triệu người học mỗi năm. Tuyển sinh giai đoạn 2016-2020 tăng hơn 21% so với giai đoạn 2011-2015; Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay đạt trên 85%, một số ngành nghề đạt 100%, với mức thu nhập bình quân tăng cao. Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao. Điều này đã được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ khẳng định giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến.

Ghi nhận những thành tích đó, năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị và Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất cho Tổng cục giáo dục nghề nghiệp vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

5. Chủ tịch Nước gửi thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam

Kỹ năng lao động luôn có vai trò rất quan trọng, góp phần tăng năng suất, năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh công nghệ số, tự động hóa, toàn cầu hóa. Tuy nhiên, Việt Nam với 55 triệu lao động, nhưng tỷ lệ lao động qua đào có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6%, đây cũng là một yếu tố dẫn đến năng suất lao động còn thấp. Vì vậy, nâng tầm kỹ năng lao động, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập.

Năm 2021, nhân dịp kỷ niệm ngày Kỹ năng lao động Việt Nam – ngày 4 tháng 10, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động, vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng.

Năm 2021, nhân dịp kỷ niệm ngày Kỹ năng lao động Việt Nam – ngày 4 tháng 10, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động, vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng.

Năm 2021, nhân dịp kỷ niệm ngày Kỹ năng lao động Việt Nam – ngày 4 tháng 10, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động, vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng.

Trong thư, Chủ tịch Nước khẳng định “Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia”.

Với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19 đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cho nâng cao kỹ năng lao động. Từ đó, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên. Cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, đặc biệt là đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...

Để lan tỏa thông điệp từ lời kêu gọi của Chủ tịch nước đối với công tác phát triển kỹ năng lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các Bộ, ngành, địa phương đã cụ thể hoá nội dung thư kêu gọi của Chủ tịch Nước trong các hoạt động chỉ đạo điều hành, chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Nước nhằm ưu tiên nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên.

Có thể bạn quan tâm

  • Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

    23:25, 29/12/2021

  • Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp "bắt tay" Sun Group hợp tác đào tạo nhân lực

    14:52, 26/11/2021

  • Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 sẽ được tổ chức trực tuyến

    13:54, 09/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những dấu ấn nổi bật của Giáo dục nghề nghiệp năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO