Những điều chưa biết về Thăng Long

Theo Tố Như (tiasang.com.vn) 20/03/2022 04:00

“Thăng Long... Đông Đô... Hà Nội” - kể từ khi vua Lý Thái Tổ định đô, Thăng Long đã nhiều lần thay tên đổi hiệu gắn liền với những lần thăng giáng địa vị.

Hình ảnh phục dựng 3D của chùa Một Cột thời Lý của nhóm Sen Heritage. Nguồn: Sen Heritage.

Hình ảnh phục dựng 3D của chùa Một Cột thời Lý của nhóm Sen Heritage. Nguồn: Sen Heritage.

Khảo cứu lại tư liệu về lịch sử tên hiệu của Thăng Long hé lộ cho chúng ta thấy nhiều điều thú vị chưa biết tới, chẳng hạn như Thăng Long từng có một giai đoạn được gọi là “Bắc Kinh”.

1. Thăng giáng vị thế?

Từ thời Lý đến thời Nguyễn, Thăng Long từng nhiều lần đổi tên nhưng thực ra chỉ có một giai đoạn ngắn dưới thời Hồ là không nắm giữ vị trí trung tâm. Ngay cả dưới thời hậu Lê, khi kinh đô Tây Kinh được đặt ở Thanh Hóa ngày nay, hay chỉ trong một năm ngắn ngủi của vua Cảnh Thịnh (triều Tây Sơn) thì nơi đây vẫn được xây đắp, sửa sang, tôn tạo.

Quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La đã đem tới một sự nâng cấp và mở rộng địa giới hành chính của kinh đô rộng hơn nhiều so với thời trước đó.

Mùa thu tháng bảy năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ dời đô tới Đại La, nhân điềm rồng bay mà đổi tên là Thăng Long.

Thực ra đây không phải lần đầu tiên Đại La trở thành trung tâm của nước ta. Thời nhà Đường lập An Nam đô hộ phủ, La Thành đã từng được đắp để làm trị sở (năm 767), rồi sao sau đó lại tiếp tục được mở rộng và đắp thêm lớp thành ngoài (năm 824). Ba đời chúa họ Khúc và Dương Đình Nghệ đều chọn La Thành làm trung tâm1. Chỉ từ khi Ngô Vương giành lại độc lập và hai triều Đinh, Tiền Lê, thành Đại La không nắm giữ vị trí trung tâm, được coi là một địa phương bình thường như nhiều phủ lộ khác. Quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La đã đem tới một sự nâng cấp và mở rộng địa giới hành chính của kinh đô rộng hơn nhiều so với thời trước đó. Nhà Lý đặt ra lộ Đại La Thành, vừa cai quản kinh đô, vừa trực tiếp cai quản ba phủ phụ cận là Long Hưng (nay thuộc Hưng Yên), Thiên Trường (nay thuộc Nam Định) và Trường An (nay thuộc Ninh Bình).

Thăng Long chỉ mất đi vị trí trung tâm trong một thời gian ngắn, giai đoạn mạt Trần – Hồ, kinh đô được chuyển về Thanh Hóa và được gọi là Đông Đô3. Tới thời Thuộc Minh, người Trung Quốc đặt nước ta làm quận, cái tên Thăng Long hay Đông Đô không còn tồn tại mà đổi thành Đông Quan. Mặc dù không còn là kinh đô, nhưng thành Đông Quan là trị sở mà giặc Minh dùng làm trung tâm cai trị Giao Châu (bấy giờ cung điện ở Tây Đô đã bị nhà Hồ tự tay thiêu hủy, thành trì thì bị người Minh san phẳng).

Sau ngày độc lập, dưới thời nhà Lê, Thăng Long được mang tên Đông Kinh. Về mặt quản lý hành chính, mặc dù nhà Lê vẫn coi Thanh Hóa là Tây Kinh nhưng không vì thế mà coi nhẹ Đông Kinh. Thực ra Tây Kinh chỉ mang ý nghĩa đất phát tích, có lăng miếu các đời vua. Ngược lại, Đông Kinh liên tục được sửa sang tôn tạo, cả cung điện và lớp thành ngoại ở đời vua Lê Thánh Tông.

Ngay cả dưới những năm tháng cầm quyền rất ngắn ngủi của vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) dưới triều Tây Sơn, Thăng Long cũng giữ vị trí trung tâm. Tháng năm năm Tân Dậu (1801), vua Cảnh Thịnh bị Nguyễn Phúc Ánh đánh bại, phải bỏ Phú Xuân chạy ra Bắc Thành. Tiếp đó,“đổi ngụy hiệu là Bảo Hưng năm thứ 1, xuống chiếu chỉ nhận lỗi tự trách mình, úy lạo vỗ về quân dân các trấn. Cho Thị trung đại học sĩ là Ngô Nhậm làm Binh bộ Thượng thư, Hiệp biện đại học sĩ là Nguyễn Huy Lịch làm Lại bộ Thượng thư, Thị trung ngự sử là Phan Huy Ích làm Lễ bộ Thượng thư, còn các người khác phong cho đều có thứ bậc khác nhau. Đắp Viên Khâu ở ngoài cửa chợ Dừa, xây Phương Trạch ở hồ Tây, để đến ngày đông chí, hạ chí chia tế trời đất. Thân đến nhà Quốc tử giám khảo khóa học sinh, ai được ưu thì thưởng tiền cho”.

Vũ trung tùy bút - Giao tự.

Vũ trung tùy bút - Giao tự.

Trong một năm ở Bắc Thành trước khi bị Nguyễn Phúc Ánh tiến đánh, vua Cảnh Thịnh đã kịp xây dựng cho mình một triều đình. Không những thế, vị vua trẻ này còn đắp xong đàn tế trời đất ở Bắc Thành. Từ xưa, đàn tế trời đất luôn được đặt tại ngoại thành kinh đô. Thời nhà Lý, vua Thái Tông “lập đàn xã tắc ở ngoài cửa Trường Quảng”, vua Anh Tông “ngự ra cửa Nam Thành Đại La xem đắp đàn Viên Khâu”. Năm 1397, khi Lê Quý Ly tính chuyện dời đô về Thanh Hóa, ông lập tức “lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc”, năm 1403, vua Hán Thương “đắp đàn Giao ở Đốn Sơn”. Nhà Lê Trung hưng dựng nước ở Thanh Hóa, vua Lê Thế Tông “lập đàn Nam Giao ở ngoài cửa lũy Vạn Lại”, khi lấy lại Thăng Long, vua lại “làm lễ hợp tế trời đất ở điện Chiêu Sự đàn Nam Giao” ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Sau này, vua Gia Long cũng vậy, “dựng đàn Xã Tắc (ở bên hữu Hoàng thành)”và “dựng đàn Nam Giao (ở xã Dương Xuân về phía Nam Kinh thành)”.

Tiếp nối truyền thống, với việc xây dựng đàn Viên Khâu và đàn Phương Trạch để tế trời đất, Bắc Thành đã trở thành kinh đô mới của nhà Tây Sơn trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ nửa sau năm 1801 đến tháng sáu năm 1802.

Vào cuối thời nhà Trần, đời vua Thuận Tông, tháng Giêng năm Đinh Sửu (1397), Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly) bắt đầu cho đắp thành đào hào ở động An Tôn phủ Thanh Hóa rồi lập nhà tông miếu, đàn xã tắc. Tới tháng mười một, họ Lê bức vua dời đô về Thanh Hóa, Tây Đô trở thành kinh đô của hai triều đại Trần, Hồ.

2. Tên Đông Đô từng xuất hiện trước thời Hồ?

Nhiều người vẫn hình dung rằng phải tới thời nhà Hồ thì mới xuất hiện cái tên Đông Đô. Thực ra không đúng. Vào cuối thời nhà Trần, đời vua Thuận Tông, tháng Giêng năm Đinh Sửu (1397), Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly) bắt đầu cho đắp thành đào hào ở động An Tôn phủ Thanh Hóa rồi lập nhà tông miếu, đàn xã tắc. Tới tháng mười một, họ Lê bức vua dời đô về Thanh Hóa, Tây Đô trở thành kinh đô của hai triều đại Trần, Hồ.

Tuy nhiên, thực ra sách Toàn thư chép từ tháng tư năm đó, Hồ Hán Thương đã được bổ làm chức quản lĩnh phủ Đô hộ lộ Đông Đô. Như vậy cái tên Đông Đô có lẽ có trước cái tên Tây Đô? Chúng ta cũng chưa thấy có văn bản nào ghi chép việc đổi tên Thăng Long thành Đông Đô mà Đông Đô là tên lộ, tức là đơn vị hành chính của nhà Trần.

Bên cạnh đó cũng lại thấy ghi chép khác của Toàn thư, rằng từ thời nhà Đinh đã gọi Ái Châu là Tây Đô: “Rồi đó chỉnh đốn quân lữ, đánh nhau với Điền, Bặc ở Tây Đô (Hoàn người Ái Châu, đóng đô ở Hoa Lư, cho nên sử gọi Ái Châu là Tây Đô)”. Như vậy, cách gọi Tây Đô đã có từ rất sớm, và có lẽ cả Đông Đô cũng vậy, cả hai cái tên đều tồn tại trước khi nhà Lý dời đô về Thăng Long chăng?

3. Tên Thăng Long vẫn được sử dụng nhiều sau thời Lý

Về sau này, dưới thời Lê, mặc dù gọi tên kinh đô là Đông Kinh, nhưng những tên gọi Thăng Long, Đông Đô vẫn còn được sử dụng nhiều trong các ghi chép thời Lê sơ và Lê Trung hưng. Đơn cử, Toàn thư dùng “Thăng Long” rất nhiều trong thời Lê, Mạc, ví như ở năm Bính Tuất (1526) chép “Đăng Dung vào thành Thăng Long, ở tại chính điện”, hay một văn bản chính quy của triều đình là lời dụ của vua Huyền Tông cho bách quan ở năm 1664 có câu “Lại dốc nghĩa tôn vua, kính rước thánh giá tiến về thành Thăng Long”. Còn Đông Đô thì được Lịch triều hiến chương loại chí - Dư địa chí ghi chép “Năm thứ 3 [1551], Thái sư là Trịnh Kiểm đem quân tiến vào lấy được Đông Đô”;“Năm Quang Hưng thứ 15 [1592], Tiết chế Trịnh Tùng tiến quân lấy được Đông Đô”.

4. Thăng Long từng mang tên Bắc Kinh

Và một điều có lẽ ít ai biết là trong những lần đổi tên, có giai đoạn Thăng Long còn từng được gọi là “Bắc Kinh”.

Chúng ta quay trở lại với sự kiện vua Cảnh Thịnh xây dựng triều đình ở kinh đô mới. Vậy kinh đô mới này mang tên là gì? Vua Quang Trung ngày trước từng ấp ủ xây dựng Trung Đô ở núi Phượng Hoàng, liệu vua Cảnh Thịnh có giữ cái tên Trung Đô ấy, hay là trở lại với những tên quen thuộc trước đây của Thăng Long?

Sử sách không chép, nhưng may mắn thay Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ đã ghi lại: “Mùa hạ năm Tân Dậu (1801), vua Thiếu Chủ đời Tây Sơn (Quang Toản) bỏ Phú Xuân chạy ra Bắc Thành, đổi Bắc Thành là Kinh Bắc, cho đắp gò Viên Khâu ở ngoài cửa Liễu Thị, xây đàn Phương Trạch ở trên Tây Hồ, định cứ đến ngày đông chí, hạ chí thì tế thiên địa ở hai nơi ấy. Còn như Chiêu Sự điện ở nền Nam Giao thì cứ theo như lễ quang minh điện ở trung triều để làm nơi cầu đảo cáo yết và khi nào đổi niên hiệu thì đến đấy làm lễ cáo tạ." (Bản dịch Vũ trung tùy bút – Lễ tế Giao của Nguyễn Hữu Tiến).

Hình ảnh phục dựng Toàn cảnh cung điện thời Lý. Nguồn: Viện Nghiên cứu kinh thành.

Hình ảnh phục dựng Toàn cảnh cung điện thời Lý. Nguồn: Viện Nghiên cứu kinh thành.

Thực ra trong đoạn trích trên, nguyên văn chữ Hán là“西山少主棄富春北走升北城為北京” - Tây Sơn Thiếu chủ khí Phú Xuân bắc tẩu thăng Bắc Thành vi Bắc Kinh. Bản dịch của Nguyễn Hữu Tiến đã nhầm “Bắc Kinh” thành “Kinh Bắc”. Kinh Bắc là tên của trấn Bắc Giang ở thời Lê, mang ý nghĩa là trấn phía Bắc của kinh đô (Thăng Long). Còn Bắc Kinh của vua Cảnh Thịnh mang nghĩa kinh đô ở phía Bắc vì cựu kinh là Phú Xuân ở phía Nam.

Phạm Đình Hổ là danh sĩ Bắc Hà nổi tiếng học rộng, sống đúng trong những ngày giao thời Tây Sơn - Nguyễn ở đất Thăng Long, những ghi chép của ông về địa phương này hẳn là đáng tin cậy. Ngoài ra, đoạn “trúc Viên Khâu ư Gia Thị môn ngoại, trứu Phương Trạch ư Tây Hồ, dĩ đông hạ nhị chí phân tự thiên địa” (cho đắp gò Viên Khâu ở ngoài cửa Liễu Thị, xây đàn Phương Trạch ở trên Tây Hồ, định cứ đến ngày đông chí, hạ chí thì tế thiên địa ở hai nơi ấy) trong Vũ trung tùy bút được đưa nguyên văn vào Đại Nam liệt truyện do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn, đã nói lên độ khả tín của ghi chép. 

5. Cái tên Thăng Long không phải là một đơn vị hành chính?

Thăng Long là kinh đô của Đại Việt, cái tên này gợi tới ngôi thành trì gồm ba lớp thành (lớp trong cùng là Cấm thành hay Cung thành, lớp giữa là Hoàng thành và ngoài cùng là La thành) chứ không phải đơn vị hành chính. Tức là không có một chức quan cai trị Thăng Long như Tri phủ hay Tổng đốc.

Thời Trần có lộ Đại La Thành, sau là lộ Đông Đô bao trùm Thăng Long. Lộ là đơn vị hành chính cao nhất của thời Trần, dưới lộ là phủ. Phủ là đơn vị hành chính có dân cư sinh sống bên ngoài Hoàng thành (như Long Thành 36 phố phường thời Lê) và phụ cận La thành. Với các phủ bình thường, quan phủ quản lý cả phần thành là nơi đặt trị sở của phủ. Nhưng với kinh đô, phần Hoàng thành không có bình dân sinh sống nên vị quan cai quản phủ (Phủ Doãn) không có quyền lực đối với khu vực Hoàng thành. Trị sở của quan Phủ Doãn cũng đặt ở ngoài Hoàng thành (vị trí ngày nay là ở phố Phủ Doãn, Hà Nội). Gộp chung Long Thành và phủ, ta mới có một kinh đô hoàn chỉnh.

Riêng phần quản lý hành chính của phủ, ta cũng sẽ thấy có nhiều thay đổi:

Thời nhà Đinh, phủ có tên là Ứng Thiên, sau khi nhà Lý dời đô, đến năm Giáp Dần (1014), đổi tên phủ Ứng Thiên thành phủ Nam Kinh.

Cuối thời Trần, phủ được đổi gọi là Trung Đô20 hoặc Trung Kinh, với chức quan đứng đầu là Đại an phủ sứ, sau đổi thành Kinh sư Đại doãn và cuối đời trần thành Phủ doãn Trung Đô21.

Tới năm Bính Tuất (1466) đời vua Lê Thánh Tông, triều đình cải cách hành chính, chia nước thành 12 thừa tuyên và một phủ. Phủ đó vẫn mang tên là Trung Đô. Phủ Trung Đô bao gồm hai huyện là Thọ Xương và Quảng Đức, chính là Long Thành 36 phố phường.

Năm Kỷ Sửu (1469), triều đình định lại bản đồ cả nước, đổi phủ Trung Đô thành phủ Phụng Thiên. Cái tên Phụng Thiên tồn tại tới hết thời Lê Trung hưng; sang thời Tây Sơn, phủ Phụng Thiên vẫn giữ được tên, thuộc về trấn Bắc Thành cho tới tận thời Nguyễn.

Năm Ất Sửu (1805), cùng với sự kiện đổi tên thành Thăng Long, vua Gia Long đổi tên phủ Phụng Thiên thành phủ Hoài Đức và cho thuộc vào trấn Sơn Nam. Năm 1831, vua Minh Mạng lấy phủ Hoài Đức gộp thêm huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây, hợp với ba phủ Ứng Hòa, Lý Nhân,Thường Tín thuộc trấn Sơn Nam để lập thành tỉnh Hà Nội, lỵ sở đặt ở phủ Hoài Đức, tức là thành Thăng Long xưa.

Như vậy, ngoài các tên gọi quen thuộc, kinh đô Thăng Long còn gắn liền với các tên gọi các phủ Ứng Thiên, Nam Kinh, Trung Đô, Trung Kinh, Phụng Thiên, Hoài Đức.

Link dẫn: http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Nhung-dieu-chua-biet-ve-Thang-Long-29872

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những điều chưa biết về Thăng Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO