Phía trong hệ thống chùa, động, miếu và khu triển lãm Phật giáo trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) có rất nhiều công trình và những câu chuyện kỳ thú mà không phải ai cũng biết.
>>Trải nghiệm hấp dẫn dịp nghỉ lễ 30/4: Lên núi Bà Đen nghe đờn ca tài tử
Là một trong số các ngọn núi thiêng nhất tại Việt Nam, núi Bà Đen (Tây Ninh) trở thành biểu tượng tâm linh của người dân Nam bộ với một hệ thống 6 chùa, ngôi chùa cổ nhất có lịch sử 300 năm tuổi. Trên đỉnh núi là hệ thống công trình tâm linh độc đáo, với bức tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao kỷ lục châu Á và một khu triển lãm Phật giáo lớn ngay dưới chân tượng Phật Bà.
Rộng lớn và kỳ vĩ với nhiều hạng mục trải dài từ chân núi lên tới đỉnh, nên rất nhiều du khách đến núi Bà Đen nhiều lần nhưng vẫn chưa đi hết toàn bộ không gian thờ tự nơi này. Đây cũng là vùng đất thiêng gắn với nhiều câu chuyện ly kỳ cùng những dấu tích lịch sử, truyền thuyết độc đáo mà không phải ai cũng biết.
Chuyện kể về Suối Vàng
“Gia Định thành công chí” (Trịnh Hoài Đức - 1820) có chép về núi Bà Đen như sau: “Cả trấn đều kính ngưỡng, ở cách trấn về phía Tây 261 dặm rưỡi. Núi này đất đá lởm chởm cao, cây cối xanh tốt, có suối nước ngọt, đất đai màu mỡ, trên có chùa Vân Sơn, dưới có chằm hồ, cảnh trí thực u nhã, rừng rú, hang hố sâu thẳm, nhân dân đều nhờ món lợi của núi rừng. Ở đây, người ta thường đào được các vật xưa bằng vàng ngọc, tương truyền có khi trông thấy cả chiêng vàng trong hồ, cũng giống như việc cái khánh nổi ở bến sông Trường Giang vậy, nhưng đến gần thì biến mất. Có đêm trời quang mây tạnh lại thấy con rùa vàng lớn hơn một trượng, ẩn hiện bất thường, là do khí linh tụ lại chứ không phải việc quái đản”.
Câu chuyện về suối vàng tại núi Bà Đen đến nay vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Từng có chuyện chuyên gia Nhật Bản đã tới đây đem một túi cát vàng đi xét nghiệm, và họ cho rằng đó là một thứ “vàng non”. Hoà thượng Thích Niệm Thới (Pháp chủ chùa Bà tại núi Bà Đen) cũng khẳng định khe suối trên núi Bà Đen có chứa vàng non, và rất nhiều người lên núi múc nước suối uống hoặc mang về. “Nhiều người tin rằng mang nước khe suối tại núi Bà Đen về nhà uống chính là mang về tài lộc, may mắn và sức khoẻ” – ông nói.
Tây Ninh có rất nhiều cơ sở tâm linh với nhiều loại hình tượng thờ được tạo tác từ nhiều chất liệu khác nhau như tượng đất sét, tượng gỗ, tượng đất nung nắn tay, tượng gốm, đồng, đá…, nhưng tượng ngọc là một chất liệu đặc biệt quý hiếm.
Tại Tây Ninh, chỉ có duy nhất một pho tượng ngọc là tượng Linh Sơn Thánh Mẫu đặt tại Điện Bà trên núi Bà Đen. Theo “Tây Ninh đất và người” (NXB Thanh Niên-2021), pho tượng này là do một gia đình hậu duệ của vua Gia Long hiến cúng vào khoảng năm 2013, khối đá ngọc để tạc tượng Linh Sơn Thánh Mẫu được lấy từ mỏ đá ở Myanmar đem về cho các nghệ nhân chế tác.
Điện Bà được dựng từ một hang đá, là nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát và là điểm đến linh thiêng bậc nhất mà mọi du khách đều đến chiêm bái khi thăm núi Bà Đen.
6 nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Bà Đen
Núi Bà Đen thực tế là một quần thể núi trải rộng khoảng 24km, gồm 3 ngọn núi: núi Bà, núi Phụng và núi Heo, trong đó núi Bà là ngọn núi cao nhất Nam bộ (986m). Đây cũng là nơi tọa lạc 6 ngôi chùa và cả 6 ngôi đều thờ Bà Đen, gồm chùa Quan Âm, chùa Hang, chùa Hoà Đồng, chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự, chùa Long Châu Phước Trung và chùa Linh Sơn Phước Trung.
Điện thờ Bà Đen lớn nhất tại đây thuộc Linh Sơn Tiên Thạch Tự - ngôi chùa ở vị trí thứ 4 tính từ đỉnh núi xuống. Đây là ngôi chùa cổ nhất tại núi Bà Đen, được tạo lập từ thế kỷ 18. Tại đây, ngai thờ bố trí 3 tượng Bà, với tượng ở vị trí cao nhất có khuôn mặt đen, đội mão phụng, áo khoác bào thêu rồng.
Như vậy, thay vì toạ lạc ở một vị trí duy nhất, Bà Đen đã “hiển linh” khắp vùng núi này. Ở mỗi điện thờ, Bà Đen được tạo tác dưới các diện mạo khác nhau (khi mặt đen, lúc mặt trắng), nhưng đều là biểu tượng của uy nghiêm, là vị nữ thần chủ uy linh của vùng đất.
Xá lợi Phật từ Myanmar được đặt tại đỉnh núi Bà
Dưới chân Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi Bà Đen là khối đế cao 4 tầng với lối kiến trúc đồng tâm. Nhìn từ trên xuống, Tượng Phật Bà tựa như đang ngự tọa trên một đài sen được sắp xếp bởi những đĩa tròn khổng lồ. Có tổng diện tích lên tới 4.410 m2, bên trong khối đế này là một không gian triển lãm nghệ thuật Phật giáo độc đáo, với hàng trăm phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo kinh điển, trưng bày các bảo vật quốc gia thông qua công nghệ hình ảnh 3 chiều (Hologram), hay công nghệ chiếu phim video mapping với các thiết bị trình chiếu, âm thanh hiện đại hàng đầu thế giới
Đặc biệt, tầng 4 là một không gian huyền bí lưu giữ và trưng bày Phật bảo Xá lợi Phật được các cao tăng Myanmar trao tặng tổ đình Vĩnh Nghiêm và được tổ đình cúng dường Tượng Phật bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh Bà Đen. Xá lợi Phật được cất giữ tại tháp đồng nhỏ, đặt trang trọng trong một tháp pha lê lưu ly 3 tầng, trưng bày trong không gian uy nghiêm.
Theo văn hóa Phật giáo, xá lợi có ý nghĩa như một bảo vật trấn quốc, được gọi là Phật bảo. Ngự tại ngay dưới chân Phật Bà, giữa đỉnh thiêng huyền thoại, xá lợi Phật là nơi gửi gắm niềm tin vào những mối duyên lành của Phật pháp tới du khách hành hương về với núi Bà.
Có thể bạn quan tâm
Trải nghiệm hấp dẫn dịp nghỉ lễ 30/4: Lên núi Bà Đen nghe đờn ca tài tử
13:30, 19/04/2023
Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ được tổ chức tại quần thể tâm linh núi Bà Đen, Tây Ninh
21:17, 07/03/2023
Núi Bà Đen thành từ khoá hot search với hàng triệu lượt tìm kiếm trên Google mỗi tháng
17:00, 02/03/2023
Núi Bà Đen hoá thiên đường hoa vạn người mê
18:00, 22/02/2023