Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại AFF cup 2018 cũng chính là trái ngọt từ chặng đường dài đầu tư của các doanh nhân cho bóng đá trẻ, như học viện HAGL Arsenal JMG, PVF, Hà Nội…
1. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai – HAGL
Năm 2007, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL đã đầu tư hơn 120 tỷ đồng, hợp tác với CLB Arsenal (Anh quốc), cho ra đời lò đào tạo bóng đá trẻ theo chuẩn quốc tế HAGL Arsenal JMG ra đời. Cách tuyển học viên rất đặc biệt, các em ở độ tuổi 10-11-12 đều phải trải qua kỳ thi được chấm điểm khắt khe. Giáo án giảng dạy và các bài tập của Arsenal JMG áp dụng cho học viên cũng rất linh động, được điều chỉnh, thay đổi liên tục. Các em vừa học bóng đá, vừa học văn hóa song song với học ngoại ngữ, mới mẻ hơn cả là hướng tới mục tiêu giao tiếp bằng tiếng Anh. Đây là những điều chưa từng xảy ra ở quốc gia vùng trũng bóng đá như Việt Nam.
Trong một bài đánh giá trên trang chủ giải vô địch bóng đá Đông Nam Á mới đây, Công Phượng (cầu thủ CLB Hoàng Anh Gia Lai) đã được khen ngợi là chân sút nguy hiểm nhất tại AFF Cup 2018
Bầu Đức chấp nhận thực tế rằng đầu tư đào tạo bóng đá trẻ mất rất nhiều thời gian. Phải mất ít nhất 7 năm mới có một lứa cầu thủ đủ độ chín như Công Phượng, Xuân Trường, rồi Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Phong Hồng Duy... Chặng đường dài, nhiều thăng trầm, có những lúc kinh tế khó khăn nhưng Bầu Đức quyết theo đuổi tới cùng. “Tôi không cảm thấy gian khổ chút nào. Trái lại tôi thấy vui sướng và hạnh phúc vì sau những bộn bề lo toan việc kinh doanh, mình còn có những chiều ngồi xem tụi nhỏ đá bóng” – Bầu Đức chia sẻ.
Ngoài ra, không thể không kể đến, thuyền trưởng dẫn dắt đội tuyển U23 Việt Nam, ông Park Hang Seo cũng là huấn luyện viên do chính bầu Đức đưa về.
Bầu Đức là người đã đích thân sang Hàn Quốc thương thảo với huấn luyện viên Park Hang Seo và bỏ ra 800 triệu/tháng để chi trả 100% lương cho vị “phù thủy” này mà không đòi hỏi bất kỳ điều gì.
Một số nguồn tin cho biết, trong đêm đội tuyển Việt Nam tiếp đón Malaysia trên sân Mỹ Đình, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) đã cùng một số ông bầu khác xem bóng đá qua màn hình TV trong một nhà hàng ở thành phố Đà Nẵng.
2. Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB, Chủ tịch Tập đoàn T&T
Dưới sự tài trợ của Tập đoàn T&T, CLB Hà Nội (trước đây là T&T Hà Nội) trở thành niềm hy vọng duy nhất của người hâm mộ Thủ đô sau khi CLB Bóng đá Hà Nội (đội bóng của bầu Kiên) phải giải thể khi không tìm được nhà tài trợ.
T&T Hà Nội chính thức lên chơi ở giải đấu V-League từ năm 2009, một năm sau đó, năm 2010 đội bóng này chấm dứt cơn khát danh hiệu cho bóng đá Thủ đô bằng chức vô địch V-League kể từ lần vô địch của Thể Công năm 1998.
Bên cạnh việc ổn định thành tích của những “đứa con tinh thần” ở sân chơi V-League, công tác đào tạo trẻ của “lò” bóng đá Hà Nội của bầu Hiển ngày càng vững chắc và khẳng định vị thế.
Những năm gần đây, đội hình 1 của CLB Hà Nội đã bắt đầu đón nhận những cầu thủ trẻ từ tuyến hai do mình đào tạo. Có thể kể đến những Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu… không chỉ đang dần trở thành trụ cột của CLB mà còn đang tỏa sáng ở sân chơi châu Á. 7 cái tên trong thành phần đội tuyển Việt Nam xuất phát từ cùng một lò – CLB Bóng đá Hà Nội (tiền thân là CLB Hà Nội T&T) là một minh chứng.
Trong phòng làm việc của ông Đỗ Quang Hiển tại Hội sở của Ngân hàng SHB, ở vị trí trang trọng nhất có treo một tấm ảnh cỡ lớn, đó là hình ảnh bầu Hiển được các cầu thủ T&T Hà Nội công kênh sau khi kết thúc trận đấu với Navibank Sài Gòn và chính thức giành chức vô địch lịch sử này.
Bầu Hiển không chỉ sở hữu CLB Hà Nội, mà còn tài trợ cho SHB Đà Nẵng (CLB đóng góp cầu thủ Hà Đức Chinh trong đội tuyển) và Quảng Nam (CLB của Tiền vệ Nguyễn Huy Hùng – người ghi bàn thắng mở màn cho tuyển Việt Nam trong trận chung kết lượt đi tại sân khách Malaysia).
3. Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch tập đoàn Vingroup
Tờ Goal mới đây đã đưa ra danh sách "11 đại gia giàu có tại châu Á "cuồng" vì bóng đá". Đáng chú ý, Việt Nam có 1 đại diện góp mặt. Đó không phải là những ông bầu quen thuộc như bầu Đức hay bầu Hiển mà chính là tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup.
Ở phần mô tả, tờ Goal đưa thông tin: "Ông Phạm Nhật Vượng và công ty của ông sở hữu Trung tâm đào tạo bóng đá PVF".
Cùng với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, một số cái tên đáng chú ý nằm trong danh sách 11 tỷ phú được Goal nhắc đến đang sở hữu các CLB danh tiếng ở Châu Âu như: Sheikh Mansour (Man City), Zhang Jindong (Inter Milan), Vichai Srivaddhanaprabha (Leicester City), Farhad Moshiri (Everton) hay Vincent Tan (Cardiff City), Tony Fernandes (Queens Park Rangers FC), Peter Lim (Valencia CF)…
Tầm vóc và sự đầu tư của Vingroup cho Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF từng được ông Mike Farnan, nguyên Giám đốc quan hệ quốc tế của CLB Manchester United và là nhà tư vấn của PVF khẳng định là sánh ngang các học viện bóng đá trẻ hàng đầu của nước Anh.
Tất nhiên, bóng đá Việt Nam có được một trung tâm như thế chính là nhờ ông Phạm Nhật Vượng đã có ý quan tâm đến bóng đá nước nhà. Nói cách khác, dù kín tiếng nhưng ông Vượng rõ ràng là một người đam mê bóng đá và ông hiểu, để một nền bóng đá phát triền, điều cần nhất chính là sự cần thiết của công tác “ươm mầm” tài năng trẻ. Ông Vượng đã thể hiện được cái tầm của mình khi quyết định đầu tư vào PVF.
Trong kỳ tích của tuyển Việt Nam tại AFF cup 2018, chắc chắn không thể không nhắc đến đóng góp của lò đào tạo đang rất nổi tiếng PVF này. Bởi trong danh sách 23 cầu thủ của đội tuyển tham dự AFF cup lần này, Thủ thành Bùi Tiến Dũng là cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo của PVF. Ngoài ra, PVF còn 1 cầu thủ khác, cũng là quân cờ trong tay áo của HLV Park Hang Seo, thường được vị HLV người Hàn Quốc sử dụng lúc đội nhà cần thay đổi cách chơi, thay đổi nhịp điệu thi đấu, là tiền đạo Hà Đức Chinh.
4. Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC
Mặc dù vừa quyết định dừng tài trợ cho đội bóng đá Thanh Hóa sau 3 năm gắn bó, ngay giữa những ngày AFF cup 2018 đang nóng bỏng, nhưng ông Trịnh Văn Quyết cũng đã ít nhiều đóng góp thành công cho Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF cup lần này. Danh sách 3 cầu thủ: Bùi Tiến Dũng, Lục Xuân Hưng, Nguyễn Trọng Hoàng của FLC Thanh Hóa trong đội tuyển là một minh chứng cho những đóng góp của FLC Thanh Hóa. Đặc biệt, chân đá chính của Nguyễn Trọng Hoàng - một trong những gương mặt hiếm hoi của thế hệ cũ cùng Anh Đức, Văn Quyết vẫn được thầy Park gọi lên tuyển đã khẳng định được vai trò của mình.
5. Bà Thái Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á
So với những năm về trước, “lò” Sông Lam Nghệ An không còn chiếm ưu thế, nhưng 2 gương mặt của Sông Lam Nghệ An là Phan Văn Đức và Quế Ngọc Hải đã đóng góp đáng kể vào chức vô địch của đội tuyển Việt Nam tại giải lần này.
Người Nghệ vẫn tin rằng, với cách làm bài bản, tâm huyết của mình, họ sẽ trở lại với những ngày tháng vinh quang như đã từng làm được trong quá khứ.
Tính đến thời điểm này, Sông Lam Nghệ An mỗi năm đang nhận được gói tài trợ 30 tỷ từ Ngân hàng Bắc Á, nhưng kết thúc năm 2018 cũng là thời điểm đáo hạn hợp đồng.
Được biết, thời gian này, SLNA đang triển khai đề án đàm phán với một tập đoàn lớn. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, có thể xem đó là một bước ngoặt mới của bóng đá xứ Nghệ. Và sẽ tuyệt vời hơn nếu NH Bắc Á và nhiều doanh nghiệp nữa cùng san sẻ, chung tay đầu tư cho bóng đá xứ Nghệ.