Trong 12 con giáp, loài Rắn mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, đó là sự thông minh, nhạy bén và khôn khéo.
Trong văn hóa phương Đông, Rắn đại diện cho sự bí ẩn, khả năng thích nghi, và đôi khi là cả quyền lực, sự "lột xác". Năm Ất Tỵ - 2025 mang năng lượng của loài Rắn, hơn nữa còn thuộc hành mộc - tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển và tái sinh.
Trong kinh doanh, người tuổi Tỵ nổi bật với sự tính toán kỹ lưỡng trước mỗi quyết định, luôn phân tích kỹ càng và lường trước rủi ro. Họ cũng rất nhạy bén, biết chớp thời cơ khi cơ hội đến và không ngại hành động để đạt được mục tiêu. Đặc biệt, người tuổi Tỵ luôn biết rút kinh nghiệm, phân tích điểm yếu để cải thiện và vươn lên mạnh mẽ hơn.
Giới chuyên gia kỳ vọng, đây sẽ là năm lý tưởng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và đón nhận những thay đổi tích cực. Sự khôn ngoan trong tư duy chiến lược và linh hoạt trong hành động sẽ giúp doanh nghiệp vươn xa hơn trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh.
Cùng Diễn đàn Doanh nghiệp điểm tên những doanh nhân tiêu biểu “cầm tinh con Rắn” nổi tiếng trên thị trường chứng khoán Việt Nam:
Doanh nhân Mai Kiều Liên , sinh năm Quý Tỵ (1953), bà bắt đầu làm việc tại Vinamilk từ năm 1976 và đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của Vinamilk trong suốt 32 năm qua. Bà được biết đến là một doanh nhân đặc biệt khi cả sự nghiệp của mình chỉ gắn liền với một doanh nghiệp, một ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Không những vậy, bà còn được mệnh danh là “Bông hồng thép” của ngành sữa Việt Nam.
Với vai trò Tổng Giám đốc Vinamilk, bà đã lãnh đạo doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam không những chiếm lĩnh thị trường sữa trong nước, mà còn vươn mình ra thị trường Quốc tế. Sự nghiệp của nữ doanh nhân nổi tiếng này gắn liền với hành trình đưa sữa Việt từ một ngành công nghiệp non trẻ, phụ thuộc vào nhập khẩu, trở thành biểu tượng tự hào quốc gia với các sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Đến nay, sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở 62 quốc gia, vùng lãnh thổ và vẫn tiếp tục tăng lên.
Vinamilk hiện đang sở hữu một thế mạnh cạnh tranh rất lớn khi có hệ thống 13 nhà máy trên cả nước, sở hữu hầu hết các tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu thị trường như: FSSC 22000 (Chứng nhận Hệ thống Quản lý An toàn Thực phẩm quốc tế - Hà Lan), BRC (Tiêu chuẩn Anh quốc), Tiêu chuẩn FDA (Hoa Kỳ), Organic EU (Hữu cơ châu Âu),... Thành quả này cũng đến từ định hướng lãnh đạo của vị "thuyền trưởng" bản lĩnh trong gần nửa thế kỷ đồng hành cùng Vinamilk.
Tính đến nay, Vinamilk đã có 27 năm kinh nghiệm đưa sản phẩm sữa ra nước ngoài, với hơn 300 loại sản phẩm thuộc các ngành hàng sữa đặc, sữa bột, sữa chua... Tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế đến nay đã đạt hơn 3,3 tỷ USD. Hiện bà Liên đang sở hữu 6,4 triệu cổ phiếu VNM, với giá trị khoảng 380 tỷ đồng (thị giá VNM đang giao dịch trong vùng giá 60.000 đồng/cp).
Doanh nhân Đỗ Minh Phú, sinh năm Quý Tỵ (1953) tại Yên Bái, ông là người sáng lập Tập đoàn DOJI và Chủ tịch TPBank. Ông cũng từng là đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Singapore (VSBC), Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam...
Doanh nhân Đỗ Minh Phú được biết đến là một trong những doanh nhân tài năng đã gây dựng nên nhiều thương hiệu Việt có tên tuổi lớn vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Một trong những tên tuổi lớn đó là Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, được thành lập năm 1994. Đây là doanh nghiệp đầu tiên đưa ra thị trường quốc tế sản phẩm đá Ruby sao Việt Nam với thương hiệu Việt Nam Star Ruby.
Từ năm 2009-2024, Tập đoàn DOJI mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản, du lịch, nhà hàng, lấn sân sang lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong đó có hoạt động tái cơ cấu Ngân hàng TPBank. Trong vai trò là Chủ tịch HĐQT TPBank, dưới sự dẫn dắt của ông, TPBank đã từng bước “thay da đổi thịt”. Đến cuối tháng 2/2017, TPBank xóa được lỗ lũy kế và đáp ứng điều kiện cần thiết để lên sàn. Năm 2017, Ngân hàng này cũng gia nhập nhóm các nhà bằng có lợi nhuận nghìn tỷ với lãi trước thuế tăng hơn 70% so với năm trước và đạt 1.205 tỷ đồng.
Ngoài việc đầu tư vào ngân hàng, doanh nhân Đỗ Minh Phú còn mua lại Công ty Artex Sài Gòn. Đây là một công ty hàng tiêu dùng nổi tiếng với nhiều sản phẩm độc đáo và chất lượng. Việc sở hữu Artex Sài Gòn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cho Doji Group.
Với việc mua lại các công ty hàng tiêu dùng và công ty ngân hàng, ông Phú đã tạo nên một hệ sinh thái kinh doanh đa dạng và phong phú. Sự kết hợp hài hòa giữa các ngành nghề này đã giúp Doji Group và Tienphong Bank tạo ra hiệu quả kinh doanh cao và có sự ảnh hưởng đáng kể trên thị trường.
Trên danh nghĩa cá nhân, hiện tại ông Dỗ Minh Phú không nằm trong số cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ của TPBank, nhưng người thân và công ty liên quan đến ông Phú hiện đang nắm giữ hơn 18% vốn TPBank. Trong đó, em trai ông Đỗ Minh Phú là ông Đỗ Anh Tú, hiện là Phó chủ tịch HĐQT TPBank nắm 3,71% vốn; Ông Đỗ Minh Đức cùng Đỗ Vũ Phương Anh (con ông Đỗ Minh Phú) mỗi người sở hữu 24,47 triệu cổ phiếu TPBank, tương đương với 1,11% vốn điều lệ; Ông Đỗ Minh Quân và Đỗ Quỳnh Anh (con ông Đỗ Anh Tú) sở hữu lần lượt 73,53 triệu cổ phiếu tương đương 3,34% vốn và 67,58 triệu cổ phiếu, tương đương 3,07% vốn ngân hàng.
Doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải sinh năm Ất Tỵ (1965) tại Lào Cai, ông được biết đến là một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam. Ông hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Alphanam, một tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng và thực phẩm.
Năm 1995, ông thành lập Công ty TNHH Alphanam, khởi đầu với ngành nghề sản xuất tủ điện. Dưới sự lãnh đạo của ông, Alphanam nhanh chóng phát triển thành một tập đoàn đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bất động sản và lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, chặng đường này không hề bằng phẳng.
Giai đoạn 1999-2000, công ty đối mặt với nguy cơ phá sản do thị trường biển động. Ông Nguyễn Tuấn Hải đã đưa ra những quyết định chiến lược táo bạo, tái cơ cấu và dồn lực vào lĩnh vực bất động sản, tập trung vào các dự án có giá trị cao tại Đà Nẵng, Hà Nội và TP HCM.
Năm 2012, Alphanam nổi lên như một hiện tượng trên sàn chứng khoán Việt Nam nhờ chiến lược "niêm yết cửa sau", đưa ông Hải vào danh sách 10 doanh nhân giàu nhất thị trường lúc bấy giờ, với tài sản ước tính hơn 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giai đoạn 2012-2014, sự suy thoái của thị trường bất động sản đã gây khó khăn lớn cho Alphanam, buộc ông Hải quyết định hủy niêm yết cổ phiếu để tái cơ cấu. Dù vậy, tập đoàn này vẫn duy trì vị thế với hơn 20 dự án lớn và quỹ đất phát triển lên tới 1.000 ha.
Những dự án bất động sản của Alphanam mang đậm tính nghệ thuật và kiến trúc độc đáo. Có thể kể đến như Khu đô thị Nam Viên tại TP HCM có quy mô 100 ha, là khu đô thị xanh được quy hoạch theo mô hình sinh thái, hài hòa với thiên nhiên. Hay như tổ hợp căn hộ cao cấp ven biển Luxury Apartment Đà Nẵng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật của thành phố Đà Nẵng.
Ngoài ra, Alphanam còn sở hữu hệ thống khách sạn, resort 5 sao Alphanam Luxury trải dài từ Bắc đến Nam, mang đến những trải nghiệm nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, góp phần nâng cao vị thế du lịch Việt Nam.
Ngoài việc giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Alphanam, doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải còn là Thành viên HĐQT của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Doanh nhân Đỗ Duy Thái sinh năm Quý Tỵ (1953), tại tỉnh Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội. Ông là Chủ tịch Công ty TNHH TM - SX Thép Việt, ông được biết đến với những biệt danh như "đại gia thép Việt" hay "doanh nhân quyền lực trong ngành thép". Công ty Thép Việt do ông Đỗ Duy Thái làm Chủ tịch hiện là Công ty mẹ của Công ty CP Thép Pomina (UpCOM: POM).
Xuất thân trong gia đình trí thức bình dị, cha mẹ ông là người kinh doanh nhỏ với một trại chăn nuôi và xưởng sản xuất trà mang tên Thiên Hương. Có lẽ đam mê kinh doanh của ông cũng được thừa hưởng từ chính cha mẹ mình. Từ đồng vốn nhỏ của gia đình, ông gây dựng sự nghiệp, làm đủ mọi thứ từ lốp xe lam, xe Honda, nút chai cho ngành y tế, đến rulo chà lúa cho máy xát gạo...
Niềm say mê công nghiệp bắt đầu lớn dần khi kinh doanh ngày một phát triển. Trong thời điểm khó khăn của cơ chế bao cấp, ông phải chia nhỏ xưởng ra ở nhiều quận khác nhau. Năm 1992, Thép Việt ra đời trong khi hiếm doanh nghiệp tư nhân nào dám làm ngành công nghiệp nặng. Sở dĩ ông lấy tên cho công ty là Thép Việt vì niềm khát khao xây dựng bằng được cho ngành thép một công ty tầm cỡ.
Năm 1997, Thép Việt bắt tay cùng doanh nghiệp Đài Loan tại thép Tây Đô, có nhà máy sản xuất thép lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Tới năm 1999, Thép Việt thành lập nhà máy thép Pomina với vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng tương đương 68 triệu USD với công nghệ hiện đại của Ý và Đức. Việc đầu tư cho công nghệ của gia đình ông lúc này đi ngược với xu hướng chung trong nước là sử dụng công nghệ Trung Quốc với giá cao gấp 4 - 5 lần. Tuy nhiên đổi lại chất lượng sản phẩm Pomina dành được uy tín và tin tưởng của khách hàng trong nhiều năm.
Doan nhân Đỗ Duy Thái không chỉ là một nhà lãnh đạo tài ba mà còn là người truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nhân trẻ. Tinh thần dám nghĩ, dám làm cùng với những đóng góp không ngừng của ông đã góp phần đưa ngành thép Việt Nam vươn lên một tầm cao mới, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước.
Doanh nhân Đỗ Quang Vinh sinh năm Kỷ Tỵ (1989) -là con trai đầu của doanh nhân Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển). Ông Đỗ Quang Vinh hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB, Phó Tổng Giám đốc SHB, Chủ tịch Chứng khoán SHS...
Doanh nhân Đỗ Quang Vinh được biết đến là một trong những nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam khi ngoài 30 tuổi đã bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch Ngân hàng SHB.
Doanh nhân Đỗ Quang Vinh là Thạc sĩ tài chính và Quản trị tại University of East Anglia (Anh). Ông có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, từng giữ vị trí Giám đốc Đầu tư Tài chính Quốc tế của Tập đoàn T&T, trước khi tham gia điều hành tại SHB. Hiện ông là lãnh đạo trực tiếp triển khai chiến lược chuyển đổi toàn diện của ngân hàng SHB, bao gồm chuyển đổi số và ngân hàng số.
Theo Báo cáo quản trị 7 tháng đầu năm 2024 của SHB, ông Đỗ Quang Vinh nằm giữ hơn 101 triệu cổ phiếu SHB, tương đương với tỷ lệ 2,76% vốn điều lệ. Với mức giá cổ phiếu SHB hiện tại là 10.000 đồng/cổ phiếu, khối tài sản tại SHB của ông Vinh ước tính hơn 1.000 tỷ đồng.
Còn tại SHS, ông Đỗ Quang Vinh nắm giữ hơn hơn 12 triệu cổ phiếu SHS, tương đương với tỷ lệ 1,54% vốn điều lệ. Với mức giá cổ phiếu SHS hiện tại là 12.000 đồng/cổ phiếu, khối tài sản tại SHS của ông Vinh ước tính khoảng 144 tỷ đồng. Như vậy, với số lượng cổ phiếu đang nắm giữ, ước tính khối tài sản 'khủng' của doanh nhân trẻ Đỗ Quang Vinh đang nắm giữ tại SHB và SHS lên tới khoảng hơn 1.140 tỷ đồng.
Ngoài các doanh nhân tiêu biểu kể trên, trong Bảng xếp hạng TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024 (VNR500) có đến 12,9% doanh nhân tuổi Tỵ, trong đó, có 2,3% các CEO sinh năm Ất Tỵ. Một số lãnh đạo tiêu biểu sinh năm 1965 (Ất Tỵ) gồm có CEO Hàn Ngọc Vũ của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB), CEO Lê Quốc Long của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (HoSE: SSB), CEO Phạm Văn Tài của Công ty CP Tập đoàn Trường Hải.
Ngoài ra, CEO Trần Túc Mã của Công ty CP Traphaco (HoSE: TRA), CEO Phạm Thị Thanh Hương của Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (HoSE: DBD), CEO Phạm Thị Xuân Hương của Công ty CP Dược phẩm OPC (HoSE: OPC)... cũng sinh năm Ất Tỵ.