Ngay trong các ngày đầu năm mới các bến cảng Hải Phòng (cảng Tân vũ; cảng Chùa Vẽ; cảng Hoàng Diệu đã đón những mã hàng đầu năm 2023.
>>>"Gỡ vướng" đường thủy qua cảng Hải Phòng
Mã hàng đầu năm 2023 tại Cảng Tân Vũ ( Công ty CP Cảng Hải Phòng) được xếp dỡ từ tàu Nordmaas có chiều dài 172m, rộng 28m với tải trọng 23.417 tấn. Năm 2022 là một năm nhiều khó khăn, thách thức khi hoạt động vận tải biển chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của xung đột chính trị, lạm phát tăng cao trên thế giới và chính sách “zero - covid” tại Trung Quốc gây tắc nghẽn và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Công ty CP Cảng Hải Phòng đã nỗ lực mạnh mẽ bằng các giải pháp linh hoạt, hợp lý trong tổ chức khai thác và quản lý; đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động thích ứng với tình hình mới, qua đó hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong năm 2022.
Đến hết năm 2022, sản lượng hợp nhất của công ty dự kiến đạt 39,927 triệu tấn, trong đó container đạt 1.925.600 teu; Doanh thu dự kiến đạt 2.479 tỷ đồng. Thu nhập tiền lương bình quân của CBCNV đạt 20,9 triệu đồng/người/tháng.Thị phần hàng hóa hợp nhất của Cảng Hải Phòng trong năm 2022 chiếm 47,5% sản lượng thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng (trong đó hàng container chiếm 30,7%).
Năm 2022, CN Cảng Tân Vũ – bến cảng chủ lực của khu vực phía Bắc trong khai thác hàng container năm thứ 2 liên tiếp vượt 1 triệu TEU container thông qua trong năm, lượng hàng ô tô khai thác trên tàu RORO tại Chi nhánh cán mốc kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, đạt trên 60.000 xe. Chi nhánh Cảng Chùa Vẽ nỗ lực và cố gắng trong công tác thị trường, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh và đạt mốc 100.000 TEU container của hãng tàu Vinafco khai thác tại Chi nhánh. Bên cạnh đó, Cảng Hoàng Diệu – bến cảng hàng đầu khu vực phía Bắc về khai thác các loại hàng tổng hợp đã xuất sắc hoàn thành tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của năm từ ngay những ngày đầu tiên của tháng 12. Trong đó chỉ tiêu lợi nhuận hoàn thành sớm trước 03 tháng. Trước những thách thức đặt ra do sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực, những điểm sáng đáng tự hào trên một lần nữa khẳng định uy tín, năng lực của Cảng Hải Phòng đối với các đối tác trong và ngoài nước, là điểm đến đáng tin cậy cho các tuyến dịch vụ.
Trong năm Cảng Hải Phòng phát triển thêm 2 tuyến dịch vụ mới của hãng tàu Cosco và hãng tàu Zym kết nối Hải Phòng với Trung Quốc, và dự kiến trong tháng 1/2023 sẽ tiếp tục đón thêm một tuyến dịch vụ của hãng tàu Maersk Line nâng tổng số tuyến dịch vụ kết nối đến cảng lên con số 17.
Theo lãnh đạo Công ty CP Cảng Hải Phòng: Phát huy những thành công đã đạt được trong năm 2022, tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Cảng Hải Phòng quyết tâm phấn đấu trong năm mới 2023 các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Công ty sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc; đảm bảo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động toàn công ty; hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị được giao.
Dự án đầu tư xây dựng 02 bến container số 3 và số 4 tại khu vực cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện đã và đang được khẩn khương triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công sẽ là tiền để quan trọng để Cảng Hải Phòng tiếp tục giữ vững vị trí là Cảng biển lớn nhất, hiện đại nhất và là cảng biển chủ lực trong hệ thống cảng biển khu vực phía Bắc Việt Nam.
Trước đó, Cảng Container quốc tế tân cảng Hải Phòng (TC-HITC) đón TEU thứ 1.000.000 thông qua cảng năm 2022 trên tàu Maersk Copenhagen. Từ đầu năm 2022 đến nay, Cảng HITC liên tiếp đón những tuyến dịch vụ mới từ các hãng tàu lớn. Đây là Cảng nước sâu duy nhất miền Bắc đón TEU thứ 1 triệu thông qua. Điều này cũng khẳng định sự phát triển vượt bậc của cảng biển Hải Phòng.
Đặc biệt, Cảng đã đón thành công tàu Wan Hai A07 của hãng tàu Wan Ha, chính thức trở thành cảng nước sâu duy nhất tại khu vực miền Bắc có thể đón những con tàu có trọng tải lên đến 143.000 DTW.
Những dấu mốc sự kiện trên khẳng định cho bước phát triển vượt bậc của TC –HITC và cũng là tín hiệu đáng mừng cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID -19.
Theo lãnh đạo Cảng Container quốc tế tân cảng Hải Phòng (TC-HITC) thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết: Trong những ngày đầu hoạt động, Cảng chỉ có những tuyến dịch vụ Nội Á, Ấn Độ, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Đến nay, TC-HITC đã tiếp nhận tới 14 tuyến dịch vụ mỗi tuần, trong đó có 6 tuyến xuyên Thái Bình Dương trực tiếp đi đến châu Mỹ, 1 tuyến dịch vụ đi châu Úc, 2 tuyến dịch vụ đi Ấn Độ và các tuyến dịch vụ Nội Á khác.
Đến nay, Cảng này được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị mới, hiện đại, tiên tiến nên đã vươn lên là cảng dẫn đầu tại Hải Phòng về lượng hàng hóa thông qua và là cảng nước sâu đầu tiên, duy nhất tại miền Bắc và nằm trong top các cảng biển trên thế giới có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn.
Trước những biến động lớn về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới tác động tiêu cực tới thị trường xuất khẩu toàn cầu, TC-HITC đã có những giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đi đầu trong việc phát triển công nghệ thông tin, triển khai thành công phần mềm Eport và lệnh giao hàng điện tử EDO. Hàng tháng, TC-HITC đều tiếp đón thêm những tuyến dịch vụ mới, năng suất làm hàng đạt hơn 100 container/giờ.
Có thể bạn quan tâm