Theo báo cáo của JETRO, chi phí nhân công tăng cao được xem là một trong những quan ngại hàng đầu khiến nhà đàu tư Nhật Bản phân vân khi đầu tư vào Việt Nam.
Dấu ấn Nhật Bản
Các doanh nghiệp lớn sản xuất xe máy rất quen thuộc với người Việt Nam như Honda, Yamaha, các công ty thực phẩm được ưa chuộng tại Việt Nam như Ajinomoto, Acecook cũng đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990. Hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam thời điểm này là các công ty thương mại có kinh nghiệp kinh doanh phong phú tại nước ngoài.
Gần đây, đã có nhiều doanh nghiệp nhằm vào thị trường tiêu thị của Việt nam. Tập đoàn Aeon (Aeon Group) là một ví dụ. Aeon đã mở 4 trung tâm thương mại (Aeon Mall) tại Hà Nội và TP. HCM và đang bắt đầu xây dựng thêm 2 trung tâm nữa.
Tập đoàn đang tập trung mở chi nhánh tại các thành phố lớn, nhưng trong tương lại đang chuẩn bị mở rộng ra các thành phố khác.
Một lĩnh vực khác in dấu nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam trong những năm qua là xây dựng. Cùng với việc Nhật Bản cung cấp ODA giúp Việt Nam phát triển hệ thống hạ tầng sân bay, đường sá và cảng biển, các công ty xây dựng của Nhật Bản đã đổ bộ vào Việt Nam. Rất nhiều công ty xây dựng Nhật Bản đã và đang hoạt động rất thành công tại Việt Nam như Mittsui, Mitsubishi, Sumitomo Corporation...
Có thể nói Sumitomo là một trong những ví dụ điển hình về thành công của đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam. Sumitomo đã xây dựng các khu công nghiệp Thăng Long 1 và 2 và đang xây dựng Khu công nghiệp Thăng Long 3 tại Vĩnh Phúc nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2018 với diện tích giai đoạn I là 94,5ha, khu công nghiệp Thăng Long 3 sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam. Theo kế hoạch trong giai đoạn II của dự án, diện tích sẽ được mở rộng thêm 118,5 ha.
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm tiếp giáp Hà Nội, các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Honda và Toyota đang đầu tư tại đây. Khi Khu công nghiệp Thăng Long 3 hoàn thành và đi vào sử dụng, có thể các nhà cung cấp của Honda và Toyota từ nước khác sẽ xem xét đầu tư vào đây.
Thương hiệu Honda và Toyota kéo theo làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Canon là một ví dụ khác về sự thành công của đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Nhà đầu tư này hiện có nhiều công trường lớn nhất.
Vẫn còn những thách thức
Các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn quan ngại về một số rủi ro tại thị trường Việt Nam. Theo kết quả của cuộc khảo sát về tình hình hoạt động năm 2017 của doanh nghiệp Nhật bản tại châu Á và châu Đại dương được công bố bởi Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đầu năm 2018, chi phí nhân công tăng cao là một trong những quan ngại hàng đầu. Trong khi đó, tỷ lệ cung ứng nội địa không thấy sự thay đổi lớn so với năm trước.
Những quan ngại khác liên quan đến thủ tục hành chính, chính sách thuế, hệ thống pháp luật cũng như cơ sở hạ tầng. Mặc dù còn nhiều quan ngại, phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vẫn muốn mở rộng kinh doanh tại việt Nam. Theo khảo sát của JETRO, khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho rằng họ muốn mở rộng hoạt động để tăng doanh thu.
Đây là tỷ lệ cao nhất so với các doanh nghiệp nước này đang đầu tư ở 19 quốc gia và vũng lãnh thổ khác. Theo ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM đây là tỷ lệ doanh nghiệp muốn mở rộng cao nhất là trong 3 năm gần đây, trong khi năm 2016 là 66,6% và năm 2015 là 63,9%.
Hiện nay, sản xuất điện và ngành hàng tiêu dùng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, Việt Nam cần phát triển hơn nữa ngành công nghiệp phụ trợ để tăng tính hiệu quả.
Doanh nghiệp Nhật Bản cũng rất quan tâm phát triển ngành du lịch và bất động sản, nhưng thực tế chưa có nhiều dự án vì những vướng mắc liên quan đến thủ tục. Việt Nam hiện có nhiều quy định thời gian làm thủ tục lâu khiến doanh nghiệp phân vân dù rất muốn đầu tư. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam, cũng như xem xét hỗ trợ Việt Nam phát triển thuỷ sản vì họ rất quan tâm đến tài nguyên thuỷ sản phong phú Việt Nam.
Cơ hội rộng mở
Với Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Việc hợp tác sẽ tập trung vào những ngành mà hai bên có lợi thế. CPTPP sẽ thúc đẩy hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản cũng như hàng Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam.
Một doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Nhật Bản tại Việt Nam đã nhận xét rằng, thông qua CPTPP, các sản phẩm của ngành công nghiệp dệt may sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Cả doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ điều đó. Ví dụ, Itochu – một doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản đang đầu tư vào Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng sẽ được hưởng lợi khi các sản phẩm dệt may của Vinatex xuát khẩu sang châu Âu tăng mạnh.
Có thể nói, trong 30 năm qua, đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam trải dài trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với Hàn Quốc và Singapore, Nhật Bản hiện là một trong 3 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 6/2018, trong số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, Nhật Bản đứng thứ 2 với 55,44 tỷ USD chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư, chỉ sau Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 61,67 tỷ USD chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư. Nếu tính trong 6 tháng đầu năm 2018, Nhật Bản đã quay trở về vị trí thứ nhất, với tổng vốn đăng ký 6,46 tỷ USD chiếm 31,8% tổng vốn FDI của Việt Nam.