Việc phát triển mô hình đảo sinh thái thông minh đã trở thành khuynh hướng của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, quần đảo Cát Bà đang đứng ở “ngưỡng cửa” trở thành đảo sinh thái thông minh nếu được đầu tư đúng đắn.
Mô hình đảo sinh thái thông minh
Tại nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, vấn đề bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, tăng cường mảng xanh trong khu đô thị, dân cư luôn được đặt lên hàng đầu trong quá trình quy hoạch, xây dựng và phát triển. Thủ đô Stockholm của Thụy Điển là một ví dụ.
1/3 Stockholm là nước và 1/3 là hệ sinh thái công viên cây xanh. Thành phố theo đuổi mô hình giao thông, quy hoạch và quản lý “tích hợp” để trở thành đô thị sinh thái - nơi có sự kết nối của những thảm thực vật, công viên xanh hòa lẫn trong đô thị hiện đại, chú trọng tái sử dụng các loại đất, chuyển đổi các khu công nghiệp thành các khu ở có nhiều công năng; xây dựng các đầu mối giao thông vùng ngoại ô…
Theo quy hoạch được giới chức ban hành về “Tầm nhìn 2040 - một Stockholm cho tất cả mọi người”, đến năm 2040, Stockholm sẽ không sử dụng năng lượng hóa thạch, Thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch táo bạo như biến thành phố thành thủ đô của xe điện vào năm 2030 hay sử dụng năng lượng sinh thái cho xe buýt công cộng… tất cả hướng tới xây dựng hệ sinh thái đô thị xanh bền vững có môi trường trong lành, nước, không khí sạch hơn thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, tại Australia, thủ đô Canberra hay các thành phố lớn như Sydney, Melbourne, Brisbane... đều có nhiều công trình xanh được phát triển theo hướng hành động cùng tự nhiên một cách thông minh hơn và đồng thời kiếm tiền từ đây. Đó là các công viên bảo tồn và sinh thái, các công viên động vật hoang dã đã được xây dựng và khai thác từ những năm 50 của thế kỷ trước. Tất cả đều đem lại hiệu quả kinh tế mà vẫn đáp ứng quy chuẩn về bảo tồn môi trường và tự nhiên.
Không chỉ các thành phố lớn mà những hòn đảo nhỏ bé cũng có cách riêng để phát triển mô hình du lịch sinh thái, thông minh. Chẳng hạn, Grenada - quốc đảo thuộc vùng biển Caribê đã biến vẻ đẹp hoang sơ trở thành một phần trải nghiệm du lịch của mình bằng các chương trình quốc gia khuyến khích sự bền vững.
Ngoài việc thúc đẩy các hoạt động ít tác động như đi bộ đường dài, chèo thuyền, lặn biển và chèo thuyền kayak, chính phủ đã đầu tư rất nhiều vào các công viên quốc gia, chương trình bảo tồn động vật hoang dã, thậm chí cả rạn san hô nhân tạo. Tại Grenada, cho thuê ô tô riêng, tour du lịch bằng xe jeep, tour du lịch bằng thuyền có động cơ và giao thông công cộng luôn được khuyến khích sử dụng.
Có thể nói, mô hình đô thị xanh, thông minh hiện nay không chỉ là xu thế mà còn là hướng phát triển “mặc định” của nhiều thành phố trên thế giới trước những cam kết về giảm thiểu chất thải, khí thải và rác thải ra môi trường của toàn cầu.
Thách thức của đảo Cát Bà
Cách trung tâm TP Hải Phòng khoảng 60km gồm 367 hòn đảo lớn nhỏ, quần đảo Cát Bà không chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh tự nhiên mà còn địa phương duy nhất ở Việt Nam hội tụ vườn quốc gia với 7 hệ sinh thái, khu bảo tồn biển và khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tháng 9/2023, UNESCO đã công nhận quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới.
Để khai thác tối ưu những tài nguyên sẵn có đó, “Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng 2017-2020, định hướng 2030” cũng xác định sẽ xây dựng đảo Cát Bà theo mô hình đảo sinh thái, thông minh. Trong khi chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định Cát Bà sẽ đóng vai trò “cửa đến” bằng đường biển từ Hà Nội - trung tâm du lịch và là nơi phân phối khách khu vực phía Bắc đến vùng di sản thiên nhiên ở các tỉnh, thành phố xung quanh.
Có thể nói, là “mắt xích” quan trọng trong các chiến lược phát triển du lịch của miền Bắc, sở hữu đa dạng tiềm năng về sinh thái, cảnh quan, nhưng suốt những năm qua, ngành du lịch Cát Bà vẫn đang trong thế…“loay hoay”. Loay hoay phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, giải quyết bài toán về hạ tầng kết nối và cả đầu tư để hiện thực hóa mục tiêu đảo sinh thái thông minh, trung tâm du lịch quốc tế.
Đầu tiên là bài toán về hạ tầng. Trước đây, khi chỉ có phương tiện di chuyển duy nhất là phà, cứ đến mùa du lịch, tuyến đường ra Cát Bà lại bị ùn ứ kéo dài đến vài cây số. Sự ra đời của tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long của tập đoàn Sun Group đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Cát Hải tới Cát Bà từ khoảng 20 phút bằng phà xuống còn 9 phút.
Xét về sản phẩm và dịch vụ, Cát Bà vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện tình trạng thiếu bài bản, sản phẩm có sức hút nhằm tăng chi tiêu của du khách và đạt đến tiêu chí “xanh” của đảo sinh thái thông minh.
Để từng bước gỡ “rối” cho những bài toán này, chính quyền Hải Phòng cũng đang đang xây dựng "Đề án tổng thể phát triển du lịch Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" nhằm quy hoạch lại và thay đổi diện mạo của vùng đảo.
Trước đó, một loạt định hướng để phát triển Cát Bà Xanh cũng đã được đặt ra. Ví như xây dựng quy chế quản lý giao thông trên đảo với mục đích không sử dụng các phương tiện giao thông có động cơ đốt trong hoạt động, chỉ sử dụng cáp treo và các loại xe điện làm phương tiện giao thông chủ yếu trên đảo để đưa đón khách du lịch. Hệ thống xe điện, các phương tiện công cộng dùng năng lượng mặt trời, điện hoặc các phương tiện đường thủy sẽ giữ cho không khí thanh sạch, trong lành nhất, đúng chất khí hậu biển đảo và rừng rậm.
Tương lai, Cát Bà được hoạch định với định hướng Du lịch phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe và nâng cao đời sống nhân dân. Dẫu vậy, ngay từ lúc này, để từng bước tiến đến mô hình lý tưởng này, không chỉ có chính sách, định hướng, Cát Bà cũng rất cần những sự đầu tư xứng tầm từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Còn nói theo nhận định của PGS.TS Phạm Trung Lương nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xu thế phát triển xanh, xanh hóa các sản phẩm đang ngày càng phát triển và trở thành tất yếu trên thế giới và “đây là thời cơ cho Cát Bà thu hút các dòng vốn xanh, đầu tư bài bản theo quy hoạch để trở thành trung tâm du lịch sinh thái của VN".