Tuy sở hữu hàng loạt khu đất "đắt giá" nhưng Hanel vẫn đang loay hoay khi chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược.
Hanel là cái tên khá đáng chú ý trong danh mục thoái vốn Nhà nước năm 2017. Theo lộ trình, Hanel sẽ bán 29% vốn Nhà nước trong năm 2018.
Doanh nghiệp này từng là chủ sở hữu của Khách sạn Deawoo Hà Nội. Mặc dù đã bán khách sạn Daewoo nhưng sức hấp dẫn của Hanel – như nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác – là nằm ở quỹ đất. Theo phương án cổ phần hóa, công ty này vẫn được tiếp tục quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất quy định, trong đó có mảnh đất có diện tích 120.000 m2 tại Khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên, thành phố Hà Nội nằm dưới quyền quản lý và sử dụng của Công ty TNHH Đèn hình Orion – Hanel.
"Đại gia" đất vàng
Công ty TNHH MTV Hanel được thành lập từ năm 1984 theo Quyết định số 8733-QĐ/TCCQ của UBND TP Hà Nội về việc thành lập Công ty Điện tử Hà Nội. Hanel là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bao gồm: điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, bất động sản, logistics, công nghệ cao, nông nghiệp,…
Ngày 18/11/2017, Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Hanel ban hành Nghị quyết số 07 thông qua quyết định tiếp tục triển khai dự án Toà tháp thương mại điện tử và văn phòng Hanel tại Lô 02-E9 đường Phạm Hùng, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội. Diện tích lô đất là 4.188m2, diện tích xây dựng 1.674,88m2, diện tích sàn xây dựng 91.777,09m2. Quy mô xây dựng 45 tầng nổi và 4 tầng hầm.
Tổng mức đầu tư của dự án là 1.535 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu của Hanel chiếm 20%, tương đương 307 tỷ đồng, vốn vay 130,93 tỷ đồng (8,53%), toàn bộ 71,47% vốn còn lại, tương ứng 1.097 tỷ đồng sẽ do công ty CP Đầu tư Alphanam chi trả. Đổi lại, tập đoàn Alphanam được thuê 65% tổng diện tích của dự án trong 45 năm.
Đây là diễn biến mới nhất từ doanh nghiệp hàng đầu TP.Hà Nội sau gần 2 năm cổ phần hoá. Như vậy, từ mũi nhọn chính với ngành nghề truyền thống là sản xuất, kinh doanh thiết bị điện tử truyền thống, Hanel đang tích cực chuyển hướng sang mảng bất động sản.
Vào cuối năm 2015, đầu năm 2016, thương vụ cổ phần hoá Hanel thu hút sự chú ý của giới đầu tư, bởi Hanel không chỉ là doanh nghiệp hàng đầu của UBND TP.Hà Nội, có truyền thống trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mà còn sở hữu quỹ đất hàng trăm héc-ta ở nội và ngoại thành Thủ đô.
Cụ thể, Hanel hiện đang quản lý và sử dụng quỹ đất khổng lồ tại Hà Nội như lô đất 2.660 m2 tại số 2 phố Chùa Bộc (quận Đống Đa), lô đất 6.163 m2 tại 60 Nguyễn Đức Cảnh (quận Hoàng Mai), 4.285 m2 tại 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), 4.188 m2 tại Lô 2 E9 Phạm Hùng, lô đất 24,2 ha tại Khu công nghiệp Sài Đồng B (quận Long Biên), lô đất liên doanh với Orion rộng 12ha cũng tại khu công nghiệp này, lô đất 43,6 ha tại dự án Khu công viên công nghệ phần mềm quận Long Biên, dự án 19,2 ha xây dựng điểm thông quan nội địa (ICD Cổ Bi), dự án khu đô thị Hanel-Anpha Nam rộng 53,5 ha…
Hanel cũng là bên liên doanh góp 81.366 m2 đất để nắm 30% trong liên doanh khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại Daeha tại 360 Kim Mã.
Trắc trở tìm cổ đông chiến lược
Quá trình cổ phần hoá Hanel đã được UBND TP. Hà Nội khởi động và chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 2014. Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của Hanel sau cổ phần hoá là 1.926 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nhà nước giảm về 29%, bán cho cổ đông chiến lược 61%, bán cho người lao động 0,06% và đấu giá ra công chúng 9,94%.
Hai nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt là Công ty CP Công nghệ Tiến Việt, mua 36% và Công ty Sebrina Holdings của Singapore mua 25%.
Ngày 20/4/2016, 19,1 triệu cổ phần (9,94% vốn) của Hanel đã được bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) với giá khởi điểm đúng bằng mệnh giá: 10.000 đồng. Những tưởng mức giá khá thấp cùng tiềm năng lớn sẽ biến Hanel thành hàng “hot” nhưng phiên đấu giá đã diễn ra không thành công khi chỉ 3,9 triệu cổ phần, tương đương 20,4% lượng chào bán được mua với giá bình quân 10.004 đồng/ CP.
Thời gian dài sau phiên IPO, hàng chục nhà đầu tư sở hữu cổ phần Hanel như ngồi trên lửa, bởi Hanel không có bất cứ động tĩnh nào như cam kết trước đó, không tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) lần đầu, không đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM dù đã là công ty đại chúng quy mô lớn.
Nhiều cổ đông lo lắng việc chậm lên sàn sẽ khiến họ không thể chuyển nhượng được cổ phần, và đặt ra nghi ngại Hanel chưa bán được cổ phần cho đối tác chiến lược.
Trong đại hội đồng cổ đông lần đầu diễn ra vào ngày 23/6/2017, lãnh đạo Hanel thừa nhận đến thời điểm đó vẫn chưa bán được cổ phần cho đối tác chiến lược. Cụ thể, công ty Tiến Việt không kịp thu xếp nguồn tiền để đặt cọc và thanh toán nên đã rút, không tham gia nữa.
Trong khi đó, Sebrina Holdings đề xuất Hà Nội mua toàn bộ cổ phần sở hữu Nhà nước để nắm quyền chi phối và xin gia hạn đến ngày 15/4/2017. Tuy nhiên do không thể kéo dài quá l thời hạn quy định của pháp luật nên UBND TP. Hà Nột quyết định điều chỉnh cơ cấu vốn để tiến hành họp ĐHĐCĐ lần đầu. Sebrina Holdings đã báo cáo UBND TP. Hà Nội có nguyện vọng tiếp tục theo đuổi quá trình thoái vốn Nhà nước tại Hanel.
Ban lãnh đạo Hanel nhìn nhận việc Nhà nước nắm giữ tới 98% cổ phần khiến công ty rất khó tăng trưởng, tối đa chỉ được 5-10%. Việc chia cổ tức không thể cao nếu không chuyển sang tư nhân để tạo đột phá và thu hút nguồn vốn kinh doanh. Năm 2016, doanh thu của Hanel ước đạt 800 tỷ đồng, lãi sau thuế 52,48 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 2,3%. Năm 2017, Hanel đặt kế hoạch doanh thu 824 tỷ đồng, lãi 54 tỷ đồng. Đây là những chỉ tiêu mà cổ đông của Hanel khó có thể hài lòng.
Tuy nhiên, cho tới đầu năm 2018, vẫn chưa có động thái đáng chú ý nào trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Hanel.