Trong năm 2024, ngành tiếp thị sẽ có những chuyển đổi đáng kể với động lực từ tiến bộ công nghệ và sự thay đổi hành vi người tiêu dùng.
>>Chiêu thức tiếp thị mới
Với bối cảnh ấy, đón đầu xu hướng là điều cốt lõi nếu doanh nghiệp muốn tạo nên những tác động lâu dài đến khách hàng.
1. Tiếp thị bằng hội thoại và tương tác dựa trên AI
Trong một thế giới nơi người dùng luôn mong đợi các phản hồi, các câu trả lời ngay tức khắc thì tiếp thị bằng hội thoại sẽ là xu hướng không thể bỏ lỡ. Thương hiệu đang và vẫn sẽ sử dụng các chatbot chạy bằng AI hoặc những công cụ trợ lý ảo để tương tác với người dùng trong thời gian thực, cung cấp các giải pháp ngay tức khắc, cũng như các trải nghiệm được cá nhân hóa. Nếu áp dụng tốt xu hướng này, thương hiệu sẽ làm tăng mức độ hài lòng của khách hàng và giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Tuy nhiên, nếu phụ thuộc quá nhiều vào AI sẽ khiến tương tác giữa người với người (ở đây là nhân viên và khách hàng) dần mất đi. Do đó doanh nghiệp cần bảo đảm sự cân bằng giữa các tương tác do máy móc (AI) và do con người tạo ra để tránh đem đến những trải nghiệm quá rập khuôn, quá “robot” cho khách hàng.
2. Thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR)
Khi ranh giới giữa kỹ thuật số và đời thực dần mờ đi, các công nghệ VR và AR đem đến những cơ hội mới mẻ và thú vị hơn cho giới tiếp thị. Với VR và AR, doanh nghiệp có thể đưa khách hàng vào các trải nghiệm nhập vai, những trải nghiệm chìm sâu (immersive experiences), chẳng hạn tham quan phòng trưng bày bằng VR hoặc quan sát mẫu sản phẩm được trực quan hóa bằng AR. Đó sẽ là những cơ hội không thể tốt hơn để thương hiệu kết nối với khán giả. Trong bối cảnh công nghệ và các loại thiết bị cho VR, AR ngày càng được hoàn thiện, thế giới có quyền kỳ vọng về những chiến dịch tương tác hấp dẫn đến từ các thương hiệu.
Tuy vậy, chi phí ban đầu và rào cản kỹ thuật lúc mới lắp đặt sẽ là những vấn đề mà các doanh nghiệp nhỏ phải đau đầu tính toán nếu muốn áp dụng VR, AR. Đồng thời, các công ty phải đảm bảo thương hiệu của mình phù hợp với các trải nghiệm VR, AR này, chứ không phải chỉ để phô trương, khoe mẽ.
Trên thực tế, các hãng sản xuất xe hơi lớn đã sử dụng VR để tạo nên các phòng trưng bày thực tế ảo, giúp khách hàng có thể cảm nhận một chiếc xe mới mà không cần đi đến các phòng trưng bày thực địa.
3. Tiếp thị bền vững và có đạo đức
Khách hàng thời đại mới thường ưu tiên những thương hiệu có các giá trị phù hợp với giá trị quan của họ, đặc biệt là những thương hiệu quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững và có đạo đức. Hay nói cách khác, trong năm 2024, tiếp thị không còn là chuyện xoay quanh sản phẩm, mà đội ngũ tiếp thị phải thể hiện được các cam kết và trách nhiệm của thương hiệu với môi trường, với xã hội.
Thế nhưng, việc nhiều doanh nghiệp “nhuộm xanh” (greenwash - thuật ngữ chỉ những thương hiệu dùng các chiến dịch, hành động phát triển bền vững, thân thiện môi trường để đánh bóng tên tuổi nhưng không hề được như quảng cáo) hoặc đưa ra những thông tin khiến người dùng nghĩ sai về các sáng kiến môi trường có thể hủy hoại danh tiếng của thương hiệu. Do đó nếu đi theo xu hướng này, các thương hiệu cần thể hiện sự minh bạch và quyết tâm thực sự để tránh phản tác dụng.
Ví dụ, Patagonia là một hãng đang xây dựng được danh tiếng trong tiếp thị tử tế. Cam kết của Patagonia về phát triển bền vững không chỉ là một chiến lược tiếp thị, mà họ còn khiến nó gắn chặt với đặc tính thương hiệu, giúp Patagonia tạo được tiếng vang với những người tiêu dùng có ý thức về môi trường.
4. Các trải nghiệm siêu cá nhân hóa bằng dữ liệu lớn
Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng mong muốn nhận được những trải nghiệm dành riêng cho họ. Với cơ sở dữ liệu khổng lồ hiện nay, các thương hiệu hoàn toàn có thể khai thác để tạo nên những chiến lược tiếp thị siêu cá nhân hóa, cung cấp các nội dung, quảng cáo hoặc những gợi ý mua hàng phù hợp với sở thích và nhu cầu của khách hàng.
Mặc dù vậy, nếu không xử lý cẩn thận, các thương hiệu dễ vướng vào những vấn đề về quyền riêng tư. Do đó, để khách hàng không quá phản cảm và cảnh giác, thương hiệu cần tạo được sự cân bằng giữa các chiến dịch cá nhân hóa của mình và đời sống riêng tư của khách hàng.
Netflix là một cái tên đang sử dụng rất tốt các dữ liệu để siêu cá nhân hóa. Thuật toán đề xuất nội dung của Netflix, một công nghệ chạy bằng dữ liệu lớn, là ví dụ điển hình nhất về việc tiếp thị siêu cá nhân hóa, giúp người xem luôn tương tác được với những nội dung phù hợp với họ, từ đó sử dụng dịch vụ của Netflix lâu dài hơn.
5. Tiếp thị video và sự thống trị của nội dung dạng ngắn
Tiếp thị bằng video, đặc biệt video ngắn trên các nền tảng như TikTok hoặc YouTube Shorts, tiếp tục thống trị trong năm 2024. Bản chất ngắn và hấp dẫn của loại hình nội dung này hoàn toàn phù hợp với hành vi của người tiêu dùng thế hệ mới, do đó đây là một xu hướng rất phù hợp để thương hiệu chủ động kết nối với khách hàng.
Thể loại này có một khó khăn. Đó là nội dung dạng ngắn đòi hỏi tính sáng tạo và sự chính xác cao. Thương hiệu có thể khiến khán giả cảm thấy chán nếu nội dung không gây hứng thú ngay từ những giây ban đầu.
Kết luận
Tiếp thị năm 2024 dự kiến là sự kết hợp thú vị giữa công nghệ và các phương pháp lấy con người làm trung tâm. Những chiến lược như trò chuyện bằng AI, các trải nghiệm thực tế ảo, tiếp thị có đạo đức, tiếp thị siêu cá nhân hóa và nội dung dạng ngắn sẽ là những điểm mấu chốt giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên điều quan trọng là doanh nghiệp phải tạo nên sự cân bằng giữa việc áp dụng các công nghệ mới và duy trì kết nối thực với khách hàng. Trong thế giới mà sự phát triển vẫn diễn ra hằng ngày, khả năng thích ứng và đổi mới là chìa khóa để doanh nghiệp tiếp thị thành công.
Có thể bạn quan tâm