Doanh nhân Việt và niềm tin trước thềm năm mới

Hằng - Minh - Sáng 24/01/2020 04:58

Với những thành quả đáng ghi nhận của khối doanh nghiệp tư nhân trong năm qua, bước sang năm mới 2020, các doanh nhân đã bày tỏ niềm tin “vượt bão” và khát vọng trở thành “niềm tự hào của Việt Nam”… 

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan: “Khát vọng trở thành “niềm tự hào Việt Nam”

Masan có khát vọng lớn trở thành “Niềm tự hào Việt Nam” bằng cách đưa nông sản Việt vươn ra thị trường thế giới”. Để hiện thực khát vọng này, yêu cầu về đầu tư nền tảng nông nghiệp công nghệ cao - xu hướng tối ưu nhất mà các cường quốc nông nghiệp trên thế giới đang áp dụng được xem là tiên quyết.

Về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi các chính sách của Nghị định 57 sao cho phù hợp, mạnh mẽ, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp đang tham gia lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ hai, đề nghị Bộ NN&PTNT, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp cho công tác xây dựng các chuỗi sản phẩm mà một mình doanh nghiệp không thể làm được.

Thứ ba, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thúc đẩy nhanh việc cho phép thành lập các Hiệp hội ngành nghề. Thứ tư, mục tiêu của ngành nông nghiệp ngoài phục vụ cho 100 triệu người tiêu dùng trong nước, là hướng tới xuất khẩu. Do đó, cần tiếp tục định hướng mở cửa thị trường phù hợp với lợi thế và năng lực sản xuất của doanh nghiệp và người dân, tạo sân chơi công bằng, cạnh tranh lành mạnh và sòng phẳng giữa các doanh nghiệp với nhau.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP: “Chinh phục thị trường nội địa”

Nhìn vào bức tranh toàn ngành, xuất khẩu dệt may năm 2019 của Việt Nam chỉ đạt 39 tỷ USD, chưa đạt mục tiêu đề ra là 40 tỷ USD. Một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu, các khách hàng đều đòi hỏi đơn hàng phải nhanh hơn. Cùng đó, những thương hiệu ngoại như Zara, Uniqlo, H&M…gia nhập thị trường. Nếu nói về thị trường xuất khẩu thì họ là khách hàng của May 10, nhưng trên thị trường nội địa thì họ lại là đối thủ của May 10.

Những khó khăn của năm 2019 chưa phải đã kết thúc mà nó vẫn còn dư địa đến năm 2020, đặc biệt là tính bất ổn của các đơn hàng. Năm 2020 cũng là năm mà các doanh nghiệp sẽ rất áp lực với giá thành sản xuất. Các nhà nhập khẩu Mỹ, EU, Nhật Bản đều yêu cầu mức giá thành thấp nhất.

Do đó, giải pháp đặt ra cho May 10 nói riêng và ngành dệt may nói chung là tiếp tục tăng cường tái cấu trúc và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là giảm thiểu tất cả sự chồng chéo, thao tác thừa của công nhân, hạn chế tối đa sự lãng phí về thời gian mà không tạo ra giá trị….Đối với thị trường xuất khẩu, sẽ tập trung phát triển hàng thời trang thiết kế và có xu hướng lựa chọn những đơn đặt hàng dài hạn, bên cạnh việc làm những đơn hàng gia công.

Bà Trương Tú Phương - Chủ tịch HĐQT CTCP Đại An: “Thu hút fdi thời 4.0”

Năm 2019, lượng vốn FDI giải ngân của Việt Nam cũng lần đầu tiên vượt mốc 20 tỷ USD, trong khi FDI toàn cầu có xu hướng giảm tốc độ tăng. Đây là tín hiệu tích cực khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và tình hình kinh tế thế giới chứng kiến nhiều biến động.

Tôi cho rằng, việc thu hút dòng vốn FDI trong năm 2020 cũng sẽ tiếp tục tích cực với nhiều lý do: năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam ngày càng được nâng cao cộng với việc cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế ngày càng đánh giá cao môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam; một số FTA thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực. Bên cạnh đó, với những cơ sở định hướng, chính sách mới về FDI thời gian tới cũng sẽ góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn này.

Nắm bắt xu thế đó, Đại An với tiền đề trong việc đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp khi đã thu hút được 93 dự án đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đăng ký 2,1 tỷ USD đã rất tích cực, chủ động đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư nhằm tận dụng tối đa làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước sang Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu đó, chúng tôi sẽ thực hiện một số giải pháp gồm việc chuẩn hóa đội ngũ nhân sự có trình độ để thu hút đầu tư FDI 4.0.

Bà Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Hải: “Lửa thử vàng” cho những doanh nghiệp nhôm chân chính

Năm 2019, vượt qua những khó khăn đến từ việc thị trường trong nước bị phá giá bởi nhôm thanh định hình có xuất xứ Trung Quốc, các doanh nghiệp nhôm trong nước đã vượt bão thành công và từng bước vươn ra thị trường thế giới.

Đây cũng chính là một phép thử đáng giá giúp thanh lọc những đối tượng làm ăn chộp giật, dùng giá để lũng đoạn thị trường không lành mạnh. Theo đó, chỉ những doanh nghiệp “làm thật, ăn thật” có căn cơ mới có thể vượt bão thành công nhờ năng lực nội tại vững mạnh của mình.

Bước sang năm 2020, tôi tiếp tục tin tưởng và đánh giá cao triển vọng về những chuyển biến tích cực của thị trường nhôm trong nước. Điều này đến từ niềm tin của doanh nghiệp và thị trường được củng cố với sự đồng hành của Chính phủ khi sắc thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc đã được chính thức áp dụng. Sự chủ động của các doanh nghiệp nhôm trong nước cộng với những dự báo tích cực về triển vọng của thị trường bất động sản và xây dựng sẽ là cơ sở để ngành nhôm trong nước có sự bứt phá.

Với niềm tin đó, năm 2020, Nam Hải Group đặt ra những mục tiêu tăng trưởng trên 15% trên mọi lĩnh vực và kế hoạch với sự đầu tư nghiêm túc về nguồn nhân lực và công nghệ cũng như công tác nghiên cứu, phát triển (R&D) các sản phẩm tối ưu cho thị trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nhân Việt và niềm tin trước thềm năm mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO