Hiệu quả Tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng chưa rõ, chưa kể rủi ro dự án bị chậm tiến độ, có thể đội vốn khiến ngân khố eo hẹp của quốc gia phải chịu thêm gánh nặng nợ nần.
Tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng với tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng nhận được sự quan tâm của dư luận và giới chuyên gia.
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GTVT nên cân nhắc lại này, thậm chí không ủng hộ kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt nói trên bởi chúng ta đã có tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng, lại có cao tốc Lào Cai - Hà Nội và Hà Nội - Hải Phòng nối thông với nhau rất hiệu quả, tiết giảm rất nhiều thời gian vận chuyển hàng hóa từ biên giới cửa khẩu đến tận cảng Lạch Huyện.
Cách đầu tư “đốt tiền” nhất
Với cái nhìn thực tế nhất, nhiều người dân cho rằng, hiện chúng ta đã có đường cao tốc từ Hải Phòng về Hà Nội, dài hơn 100 km, chỉ mất 1h45 phút là có thể chạy được từ đầu này đến đầu kia 2 địa phương.
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế nên rất hiện đại, đã thông xe gần 5 năm, nay vẫn thênh thang và êm ru.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn cũng thế, nhìn chung là rộng, chi phí lớn và đường tốt hơn các tuyến cao tốc ở miền Nam như TP HCM - Trung Lương hay Long Thành - Dầu Giây rất nhiều.
Tính đếm thời điểm này, phía Bắc đã có 9 tuyến cao tốc vận hành, trong đó một số tuyến đang lỗ do lưu lượng xe còn ít so với thiết kế, phải chờ thêm các dự án từ các vùng kinh tế mới mong "chạy" hết công năng.
Do đó, nhiều người cảm thấy bất ngờ khi Bộ GTVT có kế hoạch đệ trình dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với vốn đầu tư dự tính ban đầu 100.000 tỉ đồng, chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng; riêng chi phí nghiên cứu lập quy hoạch thì do chính phủ Trung Quốc tài trợ. [1]
Có thể bạn quan tâm
07:35, 16/11/2019
09:45, 02/11/2019
01:05, 31/10/2019
10:45, 23/10/2019
10:44, 02/10/2019
16:03, 01/10/2019
11:00, 20/07/2019
07:15, 10/07/2019
06:50, 11/07/2019
Có thể thấy, 100 nghìn tỷ đồng là số tiền không hề nhỏ, tương ứng tổng số tiền Trái phiếu Chính phủ được huy động trong suốt 7 tháng đầu của năm 2019. Đây cũng là số tiền mà Chính phủ đã phải tập trung huy động với kỳ hạn dài, chủ yếu trên 10 năm để đáp ứng nhu cầu huy động vốn của ngân sách và tái cơ cấu danh mục nợ, trả nợ gốc đến hạn cho những khoản vay từ các năm trước.
Việc thổi phồng giá trị và tác dụng hiệu quả của dự án để che mắt lãnh đạo, để tăng tính thuyết phục nhằm được thông qua….là chuyện đã từng xảy ra với nhiều bộ ngành, doanh nghiệp Nhà nước trong những năm qua.
Cái giá phải trả cho các dự án bánh vẽ tiêu tiền ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư này là những gánh nặng nợ, lãi; dự án hoạt động không hiệu quả và trong cảnh thoi thóp. Trong khi đơn vị cho vay vốn ung dung ngồi thu tiền lãi thì đống nợ và các dự án đầu tư không hiệu quả ngân sách phải mòn mỏi gánh và xử lý.
Đối với tuyến đường dự kiến tiêu tốn tới 100.000 tỷ đồng này, Bộ GTVT cho rằng, khi hoàn thành, dự án sẽ mang lại lợi ích kinh tế khu vực Tây Nam (Trung Quốc) và khu vực Tây Bắc (Việt Nam). Đáng chú ý, dự án được phía Trung Quốc đánh giá là phần quan trọng trong tuyến đường sắt xuyên Á.
Tuy nhiên, không khó để nhận thấy, về mặt thương mại, lợi ích cho các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam sẽ không được nhiều là điều có thể nhìn thấy rõ khi phải trả lời: hàng hóa gì sẽ được vận chuyển theo tuyến đường này để sang Trung Quốc và ngược lại.
Còn nếu chỉ phục vụ vận chuyển người thì đây là cách đầu tư đốt tiền nhất. Hiệu quả dự án chưa rõ, chưa kể rủi ro dự án bị chậm tiến độ, đội vốn sau nhiều năm, khiến ngân khố eo hẹp của quốc gia chịu thêm gánh nặng nợ nần rất lớn là điều có thể nhìn thấy. Nợ công cũng sẽ tăng vọt vì dự án này là điều được dự báo. [2]
Sử dụng đồng tiền thế nào cho hiệu quả?
Nhận xét về dự án đường sắt này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định bà không tán thành bởi các lý do.
Thứ nhất, dự án này tốn quá nhiều tiền của. 100.000 tỉ đồng dù có huy động ở đâu thì rốt cuộc "dân cũng là người trả, những người nộp thuế là người phải trả".
Thứ hai, tốn kém như thế nhưng "ai sẽ hưởng lợi?"- nữ chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi. Bà bày tỏ nghi ngờ rằng tuyến đường sắt này có vẻ theo ý tưởng từ phía Trung Quốc đề xuất để tạo nên tuyến kết nối từ phía Vân Nam sang cảng Hải Phòng.
"Trên thực tế, việc vận tải hàng hoá giữa Lào Cai và các tỉnh, TP trên suốt tuyến này cũng không nhiều đến mức phải cần một tuyến đường sắt tốn kém như vậy. Chưa nói về chi phí, rõ ràng việc hưởng lợi từ dự án này thì Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Vậy chúng ta có cần thiết bỏ tiền ra để đầu tư cho Trung Quốc hưởng lợi theo kiểu này không?" - bà Lan thẳng thắn.
Nữ chuyên gia cũng đặt vấn đề sử dụng 100.000 tỉ đồng này đầu tư vào việc gì sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế Việt Nam.
"Nếu về giao thông, tại sao không đầu tư cho phía Nam, nhất là khu vực ĐBSCL, kết nối TP HCM - ĐBSCL bởi mạng lưới giao thông khu vực này vẫn đang rất thiếu hụt, cản trở sự phát triển? Trong khi đó, hiện nay, từ Lào Cai về Hà Nội đến Hải Phòng đã có sẵn các tuyến đường, đặc biệt là đường bộ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai?".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Theo bà Lan, Bộ GTVT đã đề xuất xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 58 tỉ USD. "Tại sao lại vừa muốn 58 tỉ USD làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam lại vừa muốn 100.000 tỉ làm đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng? Tôi cho rằng dự án đường sắt 100.000 tỉ đồng vừa lãng phí vừa vô lý, không phù hợp với lợi ích tổng thể của đất nước" - bà Lan nêu quan điểm và cho rằng Bộ GTVT nên tập trung cải thiện hiệu quả các dự án đã có để phục vụ cho phát triển kinh tế, hơn là đề xuất thêm dự án này hay dự án khác.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông thuộc JICA, cho rằng việc đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào thời điểm này là chưa cần thiết.
"Tôi cho rằng bỏ ra 100.000 tỉ đồng là không phù hợp. Dù kêu gọi tư nhân hay vay vốn ODA thì cuối cùng người dân cũng phải chi trả" - ông Đức băn khoăn. [3]
Nhất trí với quan điểm trên, ĐBQH Lê Công Nhường (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định), Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhắc lại góp ý của ông cho Luật Đầu tư, rằng đừng để đất nước ta nghèo đi vì không biết tiêu tiền, chúng ta phải giàu lên nhờ biết dùng tiền, nhất là tiền đầu tư.
"Theo Quy luật Pareto 80/20, có những việc chúng ta đầu tư 80% nguồn lực công sức nhưng chỉ mang lại 20% hiệu quả và ngược lại có những việc chúng ta đầu tư chỉ 20% nguồn lực nhưng mang 80% hiệu quả.
Quy luật này luôn đúng trong mọi trường hợp. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam chỉ nên đầu tư 20% nguồn lực để tạo ra 80% hiệu quả, tránh đầu tư tràn lan đến 80% nguồn lực mà chỉ đem lại 20% hiệu quả. Nếu đầu tư đến 80% nguồn lực mà chỉ đêm lại 20% hiệu quả thì khoảng cách giữa Việt Nam với các nước tiên tiến ngày càng xa, thậm chí chúng ta còn bị nhiều nước đi sau vượt mặt", đại biểu Lê Công Nhường chỉ rõ.
Nhấn mạnh đồng tiền phải được sử dụng khôn ngoan, vị Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, chúng ta có tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng, cao tốc Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng thì nên tận dụng những tuyến đường hiện có ấy để vận chuyển hành khách và hàng hóa. Còn để giải phóng áp lực cho vận tải đường bộ, đường không thì nên làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
Hãy xem đường sắt Cát Linh – Hà Đông như một bài học
Đại biểu Lê Công Nhường cũng nhấn mạnh lại quan điểm của ông đã phát biểu trước diễn đàn Quốc hội và các phương tiện truyền thông, đó là ông ủng hộ làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam với chi phí tương đương các nước chứ không phải với chi phí quá cao như Bộ GTVT đang trình (hơn 58 tỷ USD).
"Như mức đầu tư đường sắt cao tốc từ Nong Khai đi Bangkok (Thái Lan) là 13,9 tỷ USD trên 874km.Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á, tỷ lệ lạm phát không quá cao, do vậy cần tham khảo mức đầu tư của các nước", ông nói. [4]
Theo ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế), việc đầu tư dự án đường sắt lên tới 100.000 tỉ đồng trong bối cảnh nhiều dự án giao thông đang bị chậm trễ hiện nay là khó khả thi. Ông nhận xét: "Tỉ lệ thành công của dự án rất thấp bởi trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nhiều dự án vẫn đang trong tình trạng khan vốn, treo vốn thì Bộ GTVT lấy tiền đâu để làm?".
ĐB Nghĩa cho rằng đây là số tiền rất lớn, khó có doanh nghiệp nào dám bỏ ra để làm dự án bởi rủi ro rất cao. "Nhà đầu tư phải bỏ ra nguồn vốn lớn nhưng tính khả thi có cao không, cơ quan chức năng có tính đến hiệu quả hay không? Nếu không hiệu quả, dự án thua lỗ thì lúc đó trách nhiệm thuộc về ai hay lại đùn đẩy cho nhau?" - ông đặt vấn đề.
"Hãy xem đường sắt Cát Linh – Hà Đông như một bài học. Chúng ta đã lệ thuộc về thiết bị, máy móc, thậm chí thiết kế cũng phải bắt buộc theo nước đầu tư ODA cho dự án".
ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà Xuất bản GTVT, lưu ý nếu dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ từ Trung Quốc thì phải hết sức cân nhắc. "Bài học từ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn đó, giờ còn đắt hơn cả không dùng vốn ODA. Do đó, Bộ GTVT phải lưu ý và nếu dùng vốn ODA Trung Quốc phải hết sức cẩn thận, phải tính đến trường hợp họ đưa người, thiết bị vào, hợp tác không tốt, thiếu trách nhiệm, dẫn đến "tiền mất tật mang"- TS Thủy băn khoăn.
Đặt vấn đề về nguồn vốn phải đi vay để đầu tư, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng vay ai, vay ở đâu thì cũng phải trả. "Chính phủ phải hết sức cân nhắc bởi các điều kiện ràng buộc khi vay vốn. Không thể chấp nhận việc đi vay vốn của ai đó rồi phải nhận nhà thầu yếu kém do họ chỉ định. Chúng ta phải hết sức cảnh giác như trường hợp đã xảy ra với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông - một bài học rất lớn, rất đắt cần lưu ý" - ĐB Hòa nêu quan điểm. [5]
Tài liệu tham khảo:
[1] https://nld.com.vn/thoi-su/du-an-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-sieu-lang-phi-20191124230050899.htm
[2] https://www.tienphong.vn/toi-nghi/am-anh-no-cong-1490287.tpo
[3] https://nld.com.vn/thoi-su/tuyen-duong-sat-100000-ti-dong-lang-phi-va-vo-ly-20191124091754176.htm
[4] https://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/tuyen-duong-sat-100000-ty-hay-su-dung-dong-tien-khon-ngoan-3391959/
[5] https://nld.com.vn/thoi-su/tuyen-duong-sat-100000-ti-dong-lang-phi-va-vo-ly-20191124091754176.htm