Chi phí tài chính tăng mạnh do nợ vay lớn khiến CTCP Đạt Phương (HoSE: DPG) thực hiện chưa tới 5% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm nay.
Từ doanh nghiệp giao thông và thủy điện, Đạt Phương đã chuyển hướng phát triển mạnh ở lĩnh vực địa ốc và “đặt cược” lợi nhuận chính trong lĩnh vực mới này.
Dấn thân vào địa ốc
Đạt Phương niêm yết tại Sở GDCK TP.HCM (HoSE) từ tháng 5/2018. Trước đó, doanh nghiệp này đã hủy giao dịch cổ phiếu tại UPCoM. Năm 2018, việc lên sàn HoSE của Đạt Phương khá thuận lợi với giá chào sàn 53.800đ/cp, nhưng vẫn được nhà đầu tư đón nhận tích cực.
Cũng tại thời điểm đó, Đạt Phương công bố mục tiêu trở thành công ty thi công trình số 1 Việt Nam. Các công trình giao thông của Đạt Phương lớn nhất vẫn đang tập trung ở Quảng Nam, ngoài Yên Bái trước đó. Đạt Phương cũng có mảng thủy điện với dự án lớn nhất là sông Bung, và dự án Thủy điện Sông Trà (qua Công ty 30-4 Quảng Ngãi) mà Đạt Phương sở hữu 80%.
Khi lên sàn HoSE, Ban Lãnh đạo Đạt Phương cũng không giấu tham vọng sẽ trở thành doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực địa ốc, nhờ quỹ đất đang có. Trong đó, đáng chú ý là các khu đô thị tập trung tại Quảng Nam: 3 khu đô thị 51,6 ha tại Hội An, 1 khu đô thị 25 ha tại Duy Xuyên và 1 khu đô thị 183 ha tại Thăng Bình.
Chưa lường hết rủi ro
Một trong dự án lớn mà Đạt Phương tính toán sẽ mang về nguồn thu lớn là dự án Khu đô thị Võng Nhi (Casamia) tại Hội An-Quảng Nam. Mảng bất động sản (BĐS) cao cấp và khách sạn mà Đạt Phương đặt ra, qua dự án Võng Nhi, theo đó trở thành dự án đo lường năng lực phát triển của doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, Đạt Phương đặt mục tiêu 5 năm tới có 500 phòng khách sạn loại 4-5 sao, đồng thời sẽ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khu công nghiệp và khu công nghiệp kết hợp đô thị.
3.565
là tổng số nợ phải trả của Đạt Phương tính đến cuối tháng 6/2019, cao hơn 3,4 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này.
Cũng theo kế hoạch, ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Đạt Phương lạc quan với dự kiến doanh thu từ Đạt Phương Hội An - đóng góp lợi nhuận lớn nhất 312 tỷ đồng lãi sau thuế, từ việc bắt đầu bàn giao 141 biệt thự và shophouse thuộc Khu đô thị Võng Nhi cho khách hàng. Dự án Casamia tại Võng Nhi dự kiến sẽ mang về doanh thu 2.000 tỷ đồng. Nói cách khác, Đạt Phương đang “đặt cược” phần lớn lợi nhuận trong mục tiêu tổng lãi ròng cả năm 2019 là 513 tỷ đồng – vào nguồn thu địa ốc từ Hội An.
Kế hoạch thì lạc quan, sản phẩm bán để ghi nhận doanh thu đã có, song có lẽ Đạt Phương cũng chưa tính hết mức độ rủi ro của sản phẩm địa ốc mà doanh nghiệp tung hàng trong giai đoạn thị trường đang chững lại.
Đòn bẩy tài chính cao
Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2019 của Đạt Phương, mặc dù đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2019 gấp 3 lần 2018, nhưng kết thúc 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của Đạt Phương chỉ đạt hơn 30 tỷ đồng, giảm 55,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, kế hoạch lãi ròng hợp nhất 513 tỷ đồng năm 2019 xem ra còn quá xa với 95% chỉ tiêu chưa thực hiện.
Cũng theo Chủ tịch HĐQT Đạt Phương, dự kiến doanh thu của dự án Casamia sẽ được ghi nhận lớn vào quý IV/2019, khi dự án hoàn thiện (tháng 9) và xong mở bán đợt 3. Được biết, Đạt Phương đã bán 149/216 căn sản phẩm tại Casamia trong đợt 1 và 2. Ngay cả như vậy, giỏ hàng còn lại của đợt 3 chủ yếu là biệt thự cao cấp, khó bán hơn nhiều so với shophouse, biệt thự song lập.
Một trở ngại khác với Đạt Phương là dòng vốn luôn tận dụng/phụ thuộc đòn bẩy tài chính- nợ vay cao. Theo đó, nợ phải trả của Đạt Phương đến cuối quý 2/2019 hơn 3.565 tỷ đồng, cao hơn 3,4 lần vốn chủ sở hữu, trong khi tổng tài sản giảm mạnh và tồn kho tăng gấp 3 lần.
Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn chiếm phần lớn tổng nợ vay của Đạt Phương. Do đó, chi phí tài chính do lãi nợ vay tăng mạnh khiến các nhà đầu tư khá quan ngại. Trong quý 4/2018, chi phí lãi vay tăng 6 lần đã ngốn phần lớn lợi nhuận của Đạt Phương, khiến lợi nhuận ròng năm 2018 của doanh nghiệp này chỉ đạt 65,5% chỉ tiêu. Trong 6 tháng đầu 2019, kịch bản này cũng đã lặp lại khi chi phí tài chính tăng mạnh, cao hơn 3 lần cùng kỳ, khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh.
Có tài sản và tham vọng lớn, nhưng Đạt Phương cần kiểm soát được nợ vay hiệu quả và vượt qua giai đoạn thử thách ban đầu ở lĩnh vực BĐS, thì mới bứt phá đi lên.
Tương lai của bất động sản du lịch Trên thị trường có không ít doanh nghiệp đi từ thi công, thiết kế, lắp đặt, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông lớn, rồi tiến vào địa ốc, thông qua khoản “lợi nhuận” đổi lại là khoản cân đối từ các quỹ đất – theo chính sách đổi đất lấy hạ tầng trong hợp tác BT hay BOT ở nhiều địa phương. Rủi ro của các doanh nghiệp đầu tư BOT để có quỹ đất ở một giai đoạn gần đây đã được nói tới nhiều, khi hoạt động Thanh tra giám sát của Chính phủ đã chỉ ra nhiều trường hợp sai phạm trong thủ tục tham gia hoặc chỉ định thầu dự án BT và BOT hoặc định giá đất quy đổi công trình chưa phù hợp, gây thất thoát cho Nhà nước. Với Đạt Phương, quỹ đất hiện hữu trên 200 ha ở các khu đô thị lớn tập trung tại Hội An và Quảng Nam, nơi tiềm năng BĐS du lịch được đánh giá rất lớn, là một lợi thế. Dù vậy, trước mắt Đạt Phương vẫn sẽ có rủi ro bởi ngoài phân tích ở trên, việc siết lại đầu tư công ở các công trình đang hợp tác thi công, cũng sẽ khiến doanh nghiệp này gặp khó. Bên cạnh đó, BĐS du lịch tuy có triển vọng do dư địa tăng trưởng du lịch của Việt Nam còn cao, nhưng việc phát triển và vận hành vốn đã được nhiều doanh nghiệp lớn đi trước và sự gia tăng của các cơ sở BĐS nghỉ dưỡng khiến thị trường này trở nên cạnh tranh khốc liệt. Ngoài ra, ngay cả việc ngân hàng phối hợp với chủ đầu tư BĐS nghỉ dưỡng cho vay mua trả góp dài hạn, một chuyên gia tính toán rằng bài toán tài chính cũng không hoàn toàn là một điểm hấp dẫn lớn đứng ở góc độ người mua. |