Nỗi buồn của tri thức

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 26/09/2022 05:00

Tri thức có hai tầng nấc, tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận, coi thường mặt này và đề cao mặt kia đều là quan điểm phiến diện.

Tùy theo giai đoạn nhận thức mà có tri thức kinh nghiệm hay tri thức lý luận

Tùy theo giai đoạn nhận thức mà có tri thức kinh nghiệm hay tri thức lý luận.

>>Giáo dục Việt Nam - Nước mắt giờ chảy xuôi hay ngược?

Rất lâu rồi, mạng xã hội mới xuất hiện chủ điểm bàn luận - về hiện trạng tri thức, sau bài phát biểu của một nhà báo tại lễ khai giảng đại học Fullright Việt Nam - “trọc phú tri thức”. Nghiền ngẫm về tri thức đang có là điều kiện cần thiết để nâng tầm học thuật.

Đến lượt nó, học thuật là cánh cửa duy nhất có thể mở ra chân trời mới, biểu hiện cụ thể qua các phát minh, phát hiện, cải tiến công cụ lao động, tạo ra năng suất cho nền kinh tế. Tất thảy mọi con đường thoát nghèo, trở thành hùng cường đều đi qua “ngõ” tri thức để tạo ra giá trị mới.

Với giá trị “mềm”, tri thức như là bộ cánh tân thời, mà khi mặc nó ra đấu trường quốc tế được nể trọng, ví như nhắc đến Hy Lạp - La Mã người ta nhớ ngay đến hệ thống các nhà thông thái, cái nôi của văn minh loài người; nói đến Nhật Bản là nhắc đến dân tộc tinh anh dựa vào bằng sáng chế phương Tây để dựng lên nền khoa học kỹ thuật đồ sộ.

“Trọc phú tri thức” để ám chỉ lớp người đầu cơ bằng cấp, chứng chỉ; lối học đối phó, sao chép và nhiều lắm là “tầm chương trích cú”, “ôn cố tri tân”. Tuyệt nhiên không hề sản sinh ra tri thức mới nên không có phát minh mới. Đây là hiện trạng có thật, rất phổ biến ở nước ta.

Tôi nhớ một lần đến xem buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của sinh viên một trường đại học lớn, đồ án có tên “Khảo sát nguyên lý hoạt động của động cơ đốt trong”. Trong hội đồng phản biện có vị giáo sư nhận xét thẳng thắn: động cơ đốt trong đã có hàng trăm năm nay, bây giờ thế giới sắp vứt vào sọt rác, nên đề tài này không giải quyết được bất cứ điều gì gọi là “tính cấp thiết”.

Người Trung Quốc cổ đại nổi tiếng với lối giáo dục “tầm chương trích cú”, tất cả tri thức trong thiên hạ đóng khung trong “Tứ thư” gồm: Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh tử và “Ngũ kinh” gồm:  Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh dịch, Kinh Xuân Thu.

Nho giáo lan truyền sang Việt Nam mang theo hệ thống giáo dục, khoa cử y hệt, “cái sự học là học sách thánh hiền”. Mãi đến khi triều đình phong kiến cuối cùng ở Việt Nam sụp đổ mới chính thức nói lời đoạn tuyệt. Nhưng trên thực tế tư duy học tập mang phong cách nho giáo còn rất đậm đặc.

Nếu như người học có lỗi một phần thì hệ thống giáo dục, phương thức giáo dục có lỗi mười phần. Trong đó nội dung học tập quyết định phần lớn. Sau đó là phương pháp giáo dục.

Tiếp cận tri thức nền, phổ quát là cần thiết để tạo ra tri thức mới

Tiếp cận tri thức nền, phổ quát là cần thiết để tạo ra tri thức mới

Hãy đặt vấn đề ngược lại, thế này: học sinh phổ thông phải học lượng giác, khảo sát hàm số, tích phân vi phân để làm gì? Hầu như chúng ta chưa bao giờ nghe các chuyên gia đầu ngành, tổng chủ biên giải thích! Tức là thế hệ trước học thế hệ sau phải học, không cần biết ứng dụng trong thực tế đến đâu.

Cụ thể, với các định lý, tiên đề trong hình học; định luật vật lý đã được các nhà khoa học phương Tây phát hiện và chứng minh cách đây nhiều thế kỷ,… các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã áp dụng 99,99% lý thuyết đó sản xuất máy móc, thiết bị.

Ví dụ, áp dụng định luật Pascal chế tạo các máy nén thủy lực, máy nâng, phanh thủy lực, là những thiết bị thuộc hàng cổ điển, mà bây giờ người không cần hiểu định lý này vẫn có thể sản xuất được nhờ máy móc, dây chuyền lập trình sẵn. Sử dụng định luật Bernoulli đo lưu lượng dòng chảy, đo tốc độ, sản xuất cánh máy bay... Và còn vô số loại tri thức cũ mèm không thể liệt kê hết.

Cái mà học sinh Việt Nam được dạy vẫn chỉ là học thuộc nội dung định lý, định luật, giải một vài mẫu toán sơ khai và tất cả học sinh không bao giờ biết vì sao phải học mấy thứ khô khan ấy! Đến kỳ thi chép lại nội dung, giải toán để đủ điểm, sau đó lãng quên.

Tiếp cận tri thức cũ là giai đoạn sơ khởi mang tính bắt buộc, đặc biệt tri thức luôn có tính kế thừa, phủ định biện chứng, mọi tri thức mới đều hình thành trên nền tảng tri thứ cũ, mang tính phổ quát.

Nhưng vấn đề là chúng ta đã thỏa mãn với tri thức cũ, lười tìm tòi, ít sáng tạo trong thực tiễn nên không có chất liệu để đối sánh với lý luận, lâu ngày dẫn đến cùn mòn. Thế hệ đi trước học tri thức không mới, đã vậy không có công trình tiên phong nên những gì thế hệ sau được học vẫn không hơn không kém.

Trường hợp GS Ngô Bảo Châu, ông đã chứng minh thành công Bổ đề Langlangds mà trong suốt 30 năm trước đó không một nhà toán học nào làm được. Ý nghĩa của nó là giúp loài người khai phá thêm toán học lý thuyết. Chính tác giả nói rằng: “Cá nhân tôi xếp ngang hàng các giả thiết của Langlands với hình học phẳng của Euclid hay phát minh ra nhóm Galois trong việc giải phương trình đại số…”

Nhất thiết cần có nền giáo dục khai phóng

Nhất thiết cần có nền giáo dục khai phóng

Hầu hết giới học thuật trong nước sống trong bầu không khí tri thức rất ngột ngạt, có ngoại ngữ để tiếp cận tài liệu nước ngoài cũng là chuyện khó. Do vậy, họ cứ trích đi dẫn lại, mỗi năm có hàng ngàn Tiến sĩ ra lò mà tri thức mới rất ít - nên chỉ còn cách “xào” lại của nhau, hoặc chọn các đề tài xã hội, trung tính khó định lượng.

Giáo dục khai phóng là cần thiết, bằng cách giảm thời lượng hàn lâm, tăng thời lượng hoạt động thực nghiệm. Muốn vậy, dẹp bớt thi cử, gọn nhẹ khoa bảng; bỏ hẳn bệnh thành tích,… nghe đơn giản nhưng làm rất khó!

Đả phá “trọc phú tri thức” không sai nhưng bản chất sự việc lại không do lớp người này, họ chỉ là sản phẩm của nền giáo dục chưa đủ sức sản xuất trọn vẹn một “nhân tài” đúng nghĩa.

Có thể bạn quan tâm

  • “Nhận diện” vi phạm đấu thầu thiết bị giáo dục

    “Nhận diện” vi phạm đấu thầu thiết bị giáo dục

    03:20, 15/09/2022

  • Vốn dồn dập đổ vào công nghệ giáo dục

    Vốn dồn dập đổ vào công nghệ giáo dục

    05:29, 14/09/2022

  • Đầu tư giáo dục: Cuộc đua “đường dài”

    Đầu tư giáo dục: Cuộc đua “đường dài”

    10:00, 08/09/2022

  • Thi tìm kiếm ý tưởng ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục

    Thi tìm kiếm ý tưởng ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục

    02:26, 21/08/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thí điểm đổi mới đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thí điểm đổi mới đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

    19:40, 13/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nỗi buồn của tri thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO