Việc cung cấp điện năm nay, đặc biệt là mùa khô được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn vì thủy văn không thuận lợi, một số công trình nguồn điện chậm tiến độ…
Dự báo năm 2020, sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc sẽ ở con số hơn 261 tỷ kWh điện, tăng 9,1% so với năm 2019. Việc cung cấp điện từ tháng 3 đến hết mùa khô 2020 được dự báo còn rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), năm 2019, hầu như không xuất hiện lũ trên các hệ thống sông ở miền Bắc và Bắc miền Trung, lưu lượng nước về nhiều hồ thuỷ điện thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), dẫn đến nhiều hồ thủy điện có mực nước rất thấp so với mực nước dâng bình thường.
Tính đến thời điểm đầu tháng 3/2020, các hồ thủy điện đang có mức nước thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 5m đến 24m. Tổng lượng nước trong các hồ thủy điện thấp hơn 7,47 tỷ m3, tương đương 3,15 tỷ kWh.
Hiện nay, hầu hết các hồ lớn khu vực miền Bắc có nước về thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), chỉ đạt đạt từ 17 - 83% TBNN. Khu vực miền Trung tình trạng thiếu hụt nước còn nghiêm trọng hơn, hầu hết các hồ chỉ đạt từ 2 - 76% TBNN; kém nhất là các hồ Bình Điền, A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Buôn Kuốp, Srê Pok 3... Còn ở miền Nam, lưu lượng nước về các hồ cũng chỉ đạt từ 12-70% TBNN; kém nhất là hồ Đồng Nai 3, Trị An, Đại Ninh.
Có thể bạn quan tâm
00:33, 17/02/2020
13:48, 15/11/2019
00:23, 05/11/2019
11:01, 26/08/2019
15:24, 24/08/2019
Ngoài nhiệm vụ phát điện, các hồ thủy điện còn phải cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn tại nhiều địa phương. Ngay trong tháng 01-02/2020, các hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng đã xả 2,7 tỷ m3 nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp điện vào các tháng cao điểm mùa khô năm 2020.
Nước về các hồ thủy điện kém, nên việc huy động từ nhiệt điện than, khí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện của mùa khô cũng như cả năm 2020.
Theo ông Tuấn, năm 2020, các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và nhiệt điện khí vẫn giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, để đảm bảo cung cấp đủ điện, dự kiến sẽ phải huy động khoảng 3,4 tỷ kWh từ nguồn điện dầu giá cao. Riêng mùa khô năm 2020 sẽ phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu.
Lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm, nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 2 tháng đầu năm, sản lượng điện huy động từ thủy điện chỉ đạt 3,37 tỷ kWh, thấp hơn kế hoạch 2,19 tỷ kWh. Chính vì vậy, dù phụ tải chưa phải tăng cao nhưng toàn hệ thống cũng đã phải huy động 230 triệu kWh chạy bằng nguồn điện chạy dầu có giá thành cao, để giữ nước các hồ thủy điện phục vụ yêu cầu vận hành trong cả mùa khô.
Tình hình cung ứng điện từ tháng 3 - 6/2020 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục kém, trong khi đó nắng nóng khả năng sẽ xuất hiện sớm. Vì vậy, EVN phải huy động cao nguồn nhiệt điện, bao gồm nhiệt điện dầu giá cao, để cung ứng điện cho cả nước trong mùa khô này.
Theo Bộ Công Thương, để đảm bảo cung cấp điện năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các tập đoàn, tổng công ty. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải đẩy nhanh tiến độ đưa vào khai thác các mỏ khí mới, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ khí cho sản xuất điện. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc cần tăng cường năng lực sản xuất than, cân đối lại các nguồn than hiện có, ưu tiên cung cấp than cho sản xuất điện. Các đơn vị sản xuất than cần chủ động lập kế hoạch sản xuất, ưu tiên cung cấp than đầy đủ, liên tục, đảm bảo khối lượng, chất lượng, chủng loại than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng hợp đồng đã ký...
Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN và các đơn vị liên quan, phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm, đặc biệt là các công trình truyền tải điện cho miền Nam, giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) và các nguồn thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc như đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, TBA 220kV Bảo Thắng...