Các startup cần nhất vẫn là sự hỗ trợ hơn về vốn từ các cơ quan nhà nước và các nhà đầu tư.
Trước đây, tôi làm việc trong lĩnh vực IT, những năm 2010-2012 tôi có tham gia nhiều hội nghị trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, những hội nghị đó xoay quanh các chủ đề về IoT, AI, BigData... những yếu tố nền tảng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Với bản năng của một người làm công nghệ, cộng với khao khát làm một việc gì đó mang lại giá trị cho cộng đồng đã thôi thúc tôi xây dựng giải pháp về nông nghiệp thông minh để hỗ trợ người nông dân.
Tôi dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề này và với một người sinh ra ở một đất nước gắn liền với nông nghiệp như tôi, thì tôi đã nhanh chóng hình thành một khát vọng về việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0 vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp thông minh, xây dựng một Việt Nam trù phú và thịnh vượng.
Thời điểm ban đầu, tôi chỉ có duy nhất một thứ đó là ý tưởng. Trong khi muốn khởi nghiệp thì cần phải có đủ nguồn lực như vốn, nhân sự và phải dự đoán được những rủi ro thì mới nên bắt tay vào sản xuất. Hơn thế nữa, lúc đó khái niệm về nông nghiệp thông minh vẫn còn quá mới mẻ, xa lạ với người dân. Vì vậy, sản phẩm đưa ra sẽ khó được khách hàng tiếp nhận.
Từ khi có ý tưởng cho đến 2-3 năm sau - năm 2015, tôi mới tìm được những người bạn đồng hành có đủ nhiệt huyết và năng lực để bắt đầu triển khai dự án về giải pháp nông nghiệp thông minh.
Năm 2016 - 2017, chúng tôi mới hoàn thiện sản phẩm và đưa vào thử nghiệm thực tế. Tới quý II năm 2018, chúng tôi chính thức thành lập doanh nghiệp và quý IV năm 2018, chúng tôi mới chính thức thương mại hoá giải pháp của mình.
Trong quá trình đó, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn như: khó tìm kĩ sư lập trình, kĩ sư điện tử chất lượng cao; khó kết nối với các chuyên gia về nông nghiệp; và khó tìm kiếm nhà đầu tư, hỗ trợ.
Chúng tôi đã phải chủ động tìm hướng đi và phương pháp giải quyết vấn đề, huy động mọi nguồn lực mình có. Bởi vì các startup cần nhất vẫn là sự hỗ trợ hơn về vốn từ các cơ quan nhà nước và các nhà đầu tư. Thứ nhất là việc vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi để đầu tư cho sản xuất và kinh doanh; và thứ hai là có thêm chi phí nghiên cứu sản phẩm mới (Ví dụ như các giải pháp nông nghiệp thông minh dành cho thủy canh, khí canh, thủy sản...).
Để có được những thành công bước đầu như ngày hôm nay, tôi cùng các cộng sự phải nằm lòng được hai điều. Thứ nhất là phải kiên định. Kiên định với lý tưởng, với khát vọng và tầm nhìn của mình.
Thứ hai là phải nhanh nhạy, dễ dàng thay đổi, thậm chí dám từ bỏ một số thứ trên đường phát triển của mình. Phải dám thay đổi, nhanh chóng thay đổi khi thấy các phương án hiện tại không hiệu quả và chủ động tìm các hướng đi, phương án mới hợp lý hơn, hiệu quả hơn, có thể mang lại cho bạn thành công vượt trội!