Những thông tin thất thiệt không thể làm cho một thương hiệu truyền thông có tuổi đời hơn 100 năm phá sản. Song, vấn đề này đã gây hoang mang cho doanh nghiệp, người tiêu dùng là khó có thể chấp nhận.
Mặc dù Chánh thanh tra – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Văn Tiến, người trực tiếp ra quyết định xử phát một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm, đã chính thức lên tiếng khẳng định: Công ty CP chế biến thủy hải sản Liên Thành (Ấp 4, Tân Kiên, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, “không vi phạm trong việc sử dụng hóa chất để chế biến nước mắm”, như một số cơ quan báo chí và mạng xã hội đã nêu trong những ngày qua. Song, vấn đề này đã gây hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của doanh nghiệp và tâm lý người tiêu dùng là khó có thể chấp nhận.
Chờ được vạ…
Liên quan đến thông tin thất thiệt, ảnh hưởng tới thương hiệu nước mắm Liên Thành, trao đổi với PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ngày 15/1/2020, ông Nguyễn Văn Tiến - Chánh Thanh tra – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: Công ty CP chế biến thủy hải sản Liên Thành (nước mắm Liên Thành), “không vi phạm trong việc sử dụng hóa chất để chế biến nước mắm”. Việc báo chí và các trang mạng xã hội đưa những thông tin về nước mắm Liên Thành trong những ngày qua là sai, không đúng sự thật – ông Tiến khẳng định.
Cũng theo ông Tiến, việc Thanh tra Bộ NN&PTNT xử phát nước mắm Liên Thành là một nội dung khác, cụ thể: trong quá trình kiểm tra, đoàn thanh tra thấy hệ thống thoát nước trong khu vực xưởng sản xuất của đơn vị này bị nước “triều cường” dâng ngập và không có che chắn. Do đó, đoàn thanh tra đã lập biên bản và xử phạt về hành vi vi phạm an toàn vệ sinh trong sản xuất. Theo quy định, mức xử phạt với hành vi trên là 3 triệu đồng, tuy nhiên, đây là tổ chức (doanh nghiệp), nên mức phạt được tăng gấp đôi thành 6 triệu đồng.
Ngoài ra, không có quyết định xử phạt nào đối với nước mắm Liên thành về hành vi sử dụng hóa chất – ông Tiến nhấn mạnh. Liên quan đến một số thông tin về chất soda công nghiệp (tên hóa học là Na2CO3) mà 3 đơn vị đã bị phát hiện sử dụng trong sản xuất nước mắm. Trước đó, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, đã phạt hành chính đối với 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH CBTP Hòa Hiệp, Công ty TNHH thực phẩm Tấn Phát (tỉnh Vĩnh Long), Công ty TNHH MTV Điều Hương (tỉnh An Giang) do hành vi sử dụng nguyên liệu là hóa chất công nghiệp (soda Na2CO3) để sản xuất nước mắm.
Có thể bạn quan tâm
18:06, 14/01/2020
17:17, 13/01/2020
01:12, 14/09/2019
14:41, 01/08/2019
Loại soda được sử dụng là soda Ash Light - Na2CO3, là hóa chất dùng trong công nghiệp sản xuất chất tẩy rửa (như xà phòng), dệt nhuộm, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm.
Qua kiểm tra cho thấy các công ty này đã mua số lượng soda lớn về sản xuất nước mắm, với công thức sản xuất 800 lít "nước mắm" độ đạm 25-35% gồm: đun trong 40-50 giờ 17.000 lít hỗn hợp có 95% là dịch bột ngọt có vị chua, 5% dịch nước tôm, 120kg Soda. Kết quả ngoài 800 lít nước mắm, còn thu được 700 lít muối kết tủa.
Trước những kết quả trên, đoàn thanh tra đã yêu cầu cả 3 công ty kể trên tạm dừng sản xuất, trả lại toàn bộ lượng soda đã nhập và phạt hành chính các công ty này. Các nước mắm bán thành phẩm được làm từ soda đã được chuyển sang sử dụng cho gia súc.
… thì má đã sưng
Quay trở lại với thương hiệu nước mắm Liên Thành, cho thấy: Liên Thành là một doanh nghiệp, thương hiệu đã tồn tại và phát triển trong hơn 100 năm qua. Một thương hiệu sản xuất theo hướng truyền thống mang đậm đà hương vị Việt, và ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.
Thế nhưng, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn vừa qua, những thông tin “chưa được kiểm chứng, thiếu cẩn trọng”, mà một số cơ quan báo chí và mạng xã hội, không hiểu đã “vô tình” hay “cố ý”, đã “suýt” nữa khiến người tiêu dùng quay lưng và tẩy chay doanh nghiệp. Và chắc chắn, nếu các cơ quan chức năng và báo chí không đính chính và vào cuộc đúng lúc, có lẽ, số phận thương hiệu nước mắm trên 100 năm tuổi, có nguy cơ phá sản là điều không tránh khỏi. Cuối cùng trong câu chuyện này, người chịu thiệt chẳng phải ai khác chính là doanh nghiệp. Và mặc dù doanh nghiệp đã được giải oan nhưng… “chờ được vạ thì má đã sưng”.