Chuyển thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại châu Âu sẽ kéo dài tới ngày 21/10 được kỳ vọng sẽ mang lại những thoả thuận hợp tác đầu tư mới giữa các doanh nghiệp Việt Nam – EU.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu tới châu Âu tham dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 tổ chức tại Bỉ và có các chuyến thăm Áo, Bỉ, EU và Đan Mạch. Sau những thành công trong chuyến đi Nhật Bản và Indonesia tuần trước, với nhiều thỏa thuận hợp tác đầu tư được ký kết có giá trị xấp xỉ 10 tỷ USD.
Nhiều văn hợp tác được ký kết
Trong đó, nông nghiệp và cảng biển là một trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam - Bỉ mong muốn đẩy mạnh hợp tác nhất trong thời gian tới. Đây cũng chính là thế mạnh và là lĩnh vực có truyền thống lâu đời của doanh nghiệp Bỉ.
Chính vì vậy, nhân dịp chuyến thăm Bỉ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngoài việc ký kết một số văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực nông nghiệp, an toàn thực phẩm, cảng biển và một số lĩnh vực khác bao gồm: Thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Bỉ về lĩnh vực nông nghiệp; Bản ghi nhớ hợp tác nâng cao năng lực vệ sinh an toàn thực phẩm giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Cơ quan Liên bang về an toàn thực phẩm Bỉ (FASFC); Bản ghi nhớ về thiết lập cơ chế tham vấn chính trị song phương giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Hợp tác phát triển Bỉ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam – Bỉ cũng đã ký kết hai văn kiện hợp tác bao gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu cảng hàng rời thông minh tại Hải Phòng giữa Công ty Hateco (một doanh nghiệp phát triển và vận hành trung tâm logistics thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam) và Tập đoàn Rent-A-Port của Bỉ; Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu đầu tư, phát triển cảng biển giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Rent-A-Port. Vì vậy, cùng với những văn kiện hợp tác này và việc Việt Nam và Vương quốc Bỉ đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư từ tháng 1/1991, được kỳ vọng sẽ “nới rộng” dòng đầu tư của Bỉ vào Việt Nam.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, luỹ kế đến tháng 9/2018, Bỉ có 68 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 1 tỷ USD. Đáng chú ý nhất trong thời gian qua là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cấp phép tháng 10 năm 2014. Dự án do Công ty Cổ phần KCN Đình Vũ đầu tư 259,4 triệu USD.
Đẩy mạnh hợp tác công nghiệp chế biến khoai tây
Ngoài ra, nhắc đến hợp tác đầu tư doanh nghiệp Việt Nam – Bỉ, không thể kể đến hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Còn nhớ, hồi tháng 5 vừa qua, ơn 90 doanh nhân đến từ 65 doanh nghiệp Bỉ đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư để phát triển ngành công nghiệp chế biến khoai tây.
Được biết có khoảng 5 tập đoàn gia đình của Bỉ như Agristo, Bart's Potato Company, Clarebout Potatoes, Ecofrost và Mydibel cùng đại diện nhóm "Khoai tây chiên Bỉ" cũng đã có mặt tại Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác cũng như mở rộng thị phần tại Việt Nam đối với sản phẩm khoai tây đã qua chế biến.
Qua chuyến khảo sát này, các doanh nghiệp Bỉ cho rằng, Đông Nam Á là một trong những khu vực có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới với sự gia tăng tầng lớp trung lưu, đô thị hoá và dân số trẻ. Đây chính là những điểm chính để các doanh nghiệp Bỉ quan tâm tới thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Khi ấy, ông Romain Cools - Tổng thư ký Hiệp hội Belagpom cũng đã đưa ra những đánh giá rất tích cực về tiềm năng thị trường Việt Nam trong hợp tác công nghiệp chế biến nông sản, mà cụ thể là khoai tây.
Đây là những kết quả rất quan trọng để góp phần nâng cao dòng đầu tư và hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam – Bỉ, tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tình hình hợp tác đầu tư giữa hai bên chưa phát triển so với tiềm năng và kỳ vọng. Bởi hiện nay Vương quốc Bỉ đầu tư chủ yếu trong nội bộ khối EU. Vì vậy, trong thời gian tới, hai nước cần tiến hành một số hoạt động thiết thực nhằm nâng cao mối quan hệ hợp tác đầu tư.
Điều này sẽ hoàn toàn sẽ được hiện thực hoá khi Chính phủ Việt Nam vẫn đang nỗ lực hoàn thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư, doanh nghiệp Bỉ. Bên cạnh đó, thông qua các doanh nghiệp của Vương quốc Bỉ đã làm ăn có hiệu quả tại Việt Nam để giới thiệu và quảng bá chính sách và môi trường đầu tư của Việt Nam.