Giải pháp “nới trần” giờ làm thêm được phê duyệt đáp ứng thời điểm, cơ chế thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ đúng quy định về mặt thời gian, sức khỏe, đãi ngộ xứng đáng.
>>Nới “trần” giờ làm thêm: Không thể cào bằng!
Song song với “cơn bão” vật giá leo thang, dư luận đang thực sự đang quan tâm tới câu chuyện làm thêm giờ khi mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này quy định trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi;
b) Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
c) Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
d) Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
đ) Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Điều 2 của Nghị quyết quy định, trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, khi tổ chức làm thêm giờ quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 107 của Bộ luật Lao động.
Nghị quyết cũng nêu rõ, người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4 /2022, riêng quy định tại khoản 1 Điều 1 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/ 1/ 2022.
>>“Nới” giờ làm thêm là cần thiết
>>Đề xuất “nới” trần giờ làm thêm: Doanh nghiệp chỉ mừng một nửa!
Nghị quyết trên được cho là sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong việc bố trí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, làm sao để việc “nới” trần làm thêm giờ vừa hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mà vẫn bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động cần có câu trả lời thấu đáo hơn trong thời gian sắp tới.
Ở Việt Nam hiện nay, lương tối thiểu được đặt ra với giả thuyết người lao động không phải làm thêm giờ mà vẫn đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Nhưng thực tế, mức lương tối thiểu tại Việt Nam chưa đủ để duy trì mức sống đó.
Một khi lương không tăng, thì công nhân, người lao động bắt buộc phải làm thêm giờ nhiều hơn mới đủ trang trải cuộc sống. Hơn nữa, trình độ của chúng ta còn hạn chế, doanh nghiệp lại gia công, chế biến theo đơn hàng xuất khẩu nên bị sức ép về thời gian, kéo theo đó là phải tăng ca, làm thêm giờ.
Nghị quyết “nới” trần thêm giờ đã được Chủ tich Quốc hội Vương Đình Huệ ký. Theo Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Hà Tất Thắng, qua khảo sát có những doanh nghiệp có 20% thậm chí đến 70% số lao động mắc F0 dẫn đến thiếu hụt lao động cục bộ trong thời điểm 1 tuần hoặc nửa tháng là rất lớn.
“Trước tình hình thực tế, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp lớn, công ty… có ý kiến có giải pháp hỗ trợ. Giải pháp nới trần giờ làm thêm lên 60 giờ/tháng cũng là một giải pháp giúp cho doanh nghiệp”, ông Thắng cho biết.
Về phía người lao động, đại đa số đồng tình và muốn làm thêm. Vì trong thời gian qua, doanh nghiệp ngừng làm việc thì người lao động cũng ngừng việc, thậm chí nhiều người phải về quê. Giờ có điều kiện quay lại sản xuất, rất nhiều người muốn được đi làm, ổn định, thậm chí làm thêm giờ.
Vấn đề ở chỗ, việc tăng giờ làm thêm phải trên cơ sở thỏa thuận giữa 2 phía... cả về số giờ, tiền công và chế độ tăng ca. Thành thử, chuyện “nới” trần làm thêm giờ vẫn đòi hỏi sự thỏa thuận, có sự tham gia của ba bên, trong đó, Nhà nước tạo ra khuôn khổ pháp lý, doanh nghiệp dựa trên nhu cầu và chi phí có chịu được không, người lao động cũng vậy.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thể hiện sự đồng tình khi cho rằng: “Nới trần làm thêm giờ không phải là ưu đãi cho doanh nghiệp, mà là cần thiết cho nền kinh tế”.
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI nói: “Điều chỉnh thời giờ làm thêm là một trong những giải pháp hết sức cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi này. Chúng tôi dự đoán, các ngành sẽ cần 1-2 năm để có thể dần hồi phục”.
Có thể nói, tình hình COVID-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực nhưng đồng thời cũng thúc đẩy sự cải cách toàn diện. Đổi mới linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh, giải quyết tốt các chế độ cho người dân và doanh nghiệp... sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Điều này cũng có nghĩa, việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về nội dung này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhưng về lâu dài, cần có những nghiên cứu tổng thể để quy định làm thêm giờ phù hợp với thể chất của người lao động.
Có thể bạn quan tâm
16:20, 07/10/2021
15:10, 28/10/2019
16:05, 25/10/2019
03:00, 23/03/2022
15:00, 22/03/2022
11:06, 14/03/2022
04:18, 08/03/2022
11:30, 30/09/2021