“Nóng” chuyện thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

LAM SONG 19/12/2023 11:57

Ở thời điểm hiện tại, thưởng Tết đang là nội dung người lao động đặc biệt quan tâm.

>>Gần Tết nói chuyện thưởng Tết

Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản yêu cầu Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố báo cáo về tình hình tiền lương, tiền thưởng Tết và quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách khác đối với người lao động theo quy định, nội dung đã thỏa thuận.

Người lao động rất quan tâm đến thưởng tết.

Người lao động rất quan tâm đến thưởng tết.

Các doanh nghiệp xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 theo quy định của pháp luật lao động và thông báo công khai cho người lao động trong doanh nghiệp biết.

Các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo số liệu về tình hình tiền lương, nợ lương năm 2023; kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024; gửi số liệu về Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 25/12.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình quan hệ lao động, biến động lao động và tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn; có biện pháp thích hợp để phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn.

Khi có tranh chấp lao động, đình công phát sinh các cơ quan quản lý cần nhanh chóng nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ các bên tiến hành đối thoại, thương lượng để giải quyết bất đồng, không để đình công xảy ra kéo dài, lan truyền giữa các doanh nghiệp, gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 vẫn còn những khó khăn, mặc dù phần lớn số doanh nghiệp đảm bảo được đời sống, việc làm cho người lao động, song một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng, hoặc trong một thời gian dài dưới tác động ảnh hưởng nặng nề kéo dài của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã suy giảm sức chống chọi.

“Chúng tôi nhận định lương, thưởng Tết năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Hiểu nói.

“Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã chỉ đạo ban hành chế hoạch chăm lo Tết cho người lao động từ sớm. Bên cạnh đó là thiết kế chính sách chăm lo cho các đối tượng, ngoài việc hỗ trợ quà, tiền, công đoàn cũng sẽ tổ chức các chuyến xe, tàu, máy bay 0 đồng, giảm chi phí hỗ trợ cho người lao động…” - ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết Cục đã có công văn trình lên Bộ để gửi các địa phương, hạn cuối vẫn là 25/12 báo cáo về tình hình lương thưởng Tết. Tuy nhiên, thông thường phải đến cuối năm doanh nghiệp mới có kế hoạch thưởng Tết, khi đó mới có thể thông tin tại các địa phương.

Ông Tống Văn Lai cho rằng khó có thể dự báo trước, song nhìn chung nếu tình hình kinh tế tốt lên, mức thưởng Tết cũng có thể được cải thiện. “Tình hình kinh tế năm nay tốt hơn thì lương, thưởng Tết của người lao động cũng có thể tăng, song tăng ở mức nào thì chưa thể nói trước được”, ông Tống Văn Lai nói.

TS. Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội – Bộ LĐTB&XH cho rằng, đến tháng 12, GDP chưa đạt được tiêu chí Quốc hội đưa ra 6 – 6,5% vì phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng kinh tế. Đối với doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng tích cực hơn năm trước nhưng còn khó khăn bởi kinh tế thế giới tăng trưởng kém. Điều này dẫn đến có những doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam bị giảm đơn hàng hoặc không có đơn hàng. Trong tình hình kinh tế thế giới và trong nước có khó khăn, các doanh nghiệp cố gắng lắm thì mức thưởng Tết năm 2024 bằng năm 2023, từ 6 – 6,5 triệu đồng/người.

Trước đó, từ cuối tháng 11/2023, Bộ LĐTB&XH đã có công văn đề nghị các địa phương chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các DN trên địa bàn phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách khác đối với người lao động theo quy định, nội dung đã thỏa thuận. Đồng thời, xây dựng phương án thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024 theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 theo quy định của pháp luật lao động và thông báo công khai cho người lao động trong DN biết. Bộ LĐTB&XH yêu cầu các địa phương báo cáo tổng hợp về lương, thưởng Tết trước ngày 25/12/2023.

>>Thưởng Tết: Doanh nghiệp FDI vẫn dẫn đầu

Mặc dù Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá tương đối khả quan về triển vọng tình hình thị trường lao động quý III và quý IV/2023, tuy nhiên trên thực tế số liệu tình hình việc làm, cũng như con số lao động thất nghiệp không mấy khả quan.

Cụ thể, trong quý III/2023, cả nước ghi nhận 1,079 triệu người trong độ tuổi thất nghiệp, tăng 6.300 người so với quý 2/2023. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm nhiều khiến lao động sa thải, hoặc tự sa thải khi tiền lương thấp, không đủ sống.

Năm 2023, do Tết Dương lịch và Tết Âm lịch khá gần nhau nên các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào thưởng Tết Âm lịch, dẫn đến tiền thưởng Tết Dương lịch giảm, bằng 91% so với năm 2022 (bình quân là 1,24 triệu đồng/người). Trong khi đó, tiền thưởng Tết Âm lịch tăng 11% so với năm 2022 (bình quân là 6,86 triệu đồng/người). Mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là 1,004 tỷ đồng, thuộc về một doanh nghiệp dân doanh ở TP Đà Nẵng.

Tính đến thời điểm này, pháp luật chưa có quy định cụ thể về tiền thưởng Tết. Việc thưởng Tết cho người lao động hiện nay áp dụng theo quy định về tiền thưởng tại Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Như vậy, việc trả tiền thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc phải thực hiện mà chỉ là điều khoản khuyến khích của người sử dụng lao động. Việc thưởng nhiều hay ít sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.

Hình thức thưởng Tết cho người lao động tùy thuộc vào văn hóa doanh nghiệp cũng như điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp, bao gồm thưởng bằng tiền, hiện vật. Nhiều doanh nghiệp thưởng tết bằng chính sản phẩm mà doanh nghiệp mình sản xuất. Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay khi người lao động không hoàn thành công việc theo quy định, họ hoàn toàn có thể không nhận được thưởng Tết.

Có thể bạn quan tâm

  • Đảm bảo lương, thưởng Tết, chế độ BHXH, BHTN cho người lao động

    10:29, 16/12/2023

  • Tiêu tiền thưởng Tết: Mua sắm, lì xì rồi làm gì nữa để tiền đẻ ra tiền?

    14:00, 16/01/2023

  • Gần Tết nói chuyện thưởng Tết

    05:00, 26/12/2022

  • Thưởng Tết: Doanh nghiệp FDI vẫn dẫn đầu

    04:45, 26/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Nóng” chuyện thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO