Hiện nay, chính sách vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) ở Gia Lai vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo tôi được biết, Luật Công nghệ cao ra đời từ năm 2008, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận được với bất kì nguồn vốn nào, làm cho những doanh nghiệp nông nghiệp CNC như chúng tôi đang mất đi những cơ hội phát triển. Chúng tôi mong Chính phủ, các cơ quan chức năng sớm có giải pháp, chính sách cụ thể, gỡ “nút thắt” về vốn giúp chúng tôi có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, để phát triển mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đồng hành cùng người dân. Khi đó, sẽ giải quyết được bài toán về vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị nông sản, ổn định đầu vào của doanh nghiệp, đầu ra cho người nông dân và sẽ không còn câu chuyện được mùa mà người nông dân vẫn phải khóc ròng trên chính mảnh đất của mình nữa.
Tôi lấy đơn cử như Công ty Hồ tiêu ngũ sắc của chúng tôi, có 2 dự án với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, chúng tôi đã có mặt bằng, có công nghệ, có nhà khoa học, có đầu ra cho sản phẩm, vậy mà khi chúng tôi làm đề án vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất vẫn không được vay. Với lý do ngân hàng đưa ra là dự án không có tính khả thi, vì như thời điểm hiện tại giá hồ tiêu của thị trường giao động trong khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá hồ tiêu ngũ sắc sau khi được xử lí bằng công nghệ của chúng tôi, sản phẩm xuất khẩu thô ra thị trường đã có giá 300.000 đến 500.000 đồng/kg, còn giá tiêu thành phẩm rồi là 2.000.000 đồng/kg vẫn không có hàng để bán. Hiện nay, nhà máy của chúng tôi đang xây dựng dở dang và thiếu vốn để tiếp tục đầu tư, mở rộng. Các đối tác nước ngoài đến, muốn kí hợp đồng với số lượng lớn chúng tôi phải từ chối. Với số vốn tự có của doanh nghiệp rất khiêm tốn, chưa đủ để đầu tư phát triển đại trà và vươn ra biển lớn.