Kinh tế địa phương

Nông nghiệp xanh nâng cao giá trị cho nông sản Đắk Lắk

Tuấn Vỹ thực hiện 10/08/2024 7:06

Chuyển đổi mô hình nông nghiệp xanh, bền vững gia tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản Đắk Lắk với các địa phương có cùng sản phẩm, tiềm năng tương tự.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk khẳng định có nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút doanh nghiệp đến và đầu tư vào nông nghiệp xanh.

giamdocsonnptntdaklak.jpg
Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk.

Việc kêu gọi đầu tư vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp xanh thời gian qua mang lại nhiều kết quả tích cực các cho địa phương, vậy Đắk Lắk đã làm gì để hòa vào xu thế này, thưa ông?

Có thể nói, nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, ổn định kinh tế, đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh. Vì vậy, công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp xanh được tỉnh Đắk Lắk xác định là một trong những giải pháp quan trọng, được thực hiện thường xuyên để đạt được mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư lĩnh vực nông nghiệp năm 2022, tạo diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trao đổi, nhận diện rõ hơn thực trạng, những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, môi trường đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản của tỉnh.

chebiennongsan.jpg
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, chú trọng chế biến sâu sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản của Đắk Lắk.

Đồng thời, địa phương đã xây dựng danh mục 109 dự án thu hút đầu tư nông nghiệp, với 08 lĩnh vực thu hút. Cụ thể, trồng trọt (21 dự án), chăn nuôi (29 dự án), thủy sản (05 dự án), lâm nghiệp 04 dự án), nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái (05 dự án), chế biến nông -lâm - thủy sản (34 dự án), liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững (09 dự án) và có 02 dự án cho lĩnh vực khác.

Ngoài ra, hàng năm Sở NN&PTNT cũng tổ chức các đoàn công tác học hỏi kinh nghiệm tại các nước có nền nông nghiệp phát triển, thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản,... Việc quảng bá tiềm năng, các danh mục dự án kêu gọi đầu tư, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư,... cũng được chú trọng để doanh nghiệp hiểu Đắk Lắk hơn và có chiến lược, kế hoạch đầu tư phù hợp.

Thưa ông, tỉnh Đắk Lắk đã và đang làm gì để khai thác thế mạnh về nông nghiệp?

Dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành nông nghiệp tỉnh vẫn duy trì phát triển và đạt kết quả tốt, toàn diện và chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh (giá trị GRDP - theo giá SS 2010 trên 21.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 36-38% GRDP).

Về tiềm năng, Đắk Lắk có tổng diện tích đất tự nhiên trên 1,3 triệu ha với nghiệp 650 nghìn ha đất sản xuất nông (lớn thứ 2 nước), đất lâm nghiệp trên 520 nghìn ha (thứ 10 cả nước) là một yếu tố thuận lợi cho ngành nông nghiệp. Đặc biệt, ngành tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2023 là 6%/năm, trong đó nhóm cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều,... chiếm trên 93% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (khoảng 1.500/1.600 triệu USD/năm), sản xuất nông nghiệp giải quyết việc làm và thu nhập cho gần 70% lao động của tỉnh.

Ngoài ra, Đắk Lắk còn có điều kiện phát triển chăn nuôi phát triển chăn nuôi thuận lợi với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 15 triệu con, luôn trong tốp 10 của cả nước và có gần 42.000 ha mặt nước thuận lợi phả triển thủ sản nội đồng, khí hậu ôn hòa, thời tiết nhìn chung thuận lợi...

Với nhiều lợi thế, Đắk Lắk đã định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sinh học, theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, chuỗi giá trị, phát thải các bon thấp, gắn nông nghiệp với du lịch, kết nối với công nghiệp chế biến và thị trường.

caphe.jpg
Ngành nông nghiệp vẫn duy trì phát triển và đạt kết quả tốt, toàn diện và chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk.

Đồng thời, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách đột phá trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Một vấn đề khác là tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, tỉnh cũng hu hút các nguồn lực để phát triển ngành nông nghiệp, tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp xanh,...

Được biết, đã có nhiều doanh nghiệp lớn đã, đang và sẽ đầu tư vào ngành nông nghiệp, vậy Đắk Lắk những chính sách hỗ trợ, ưu đãi nào, thưa ông?

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, địa phương đã tích cực phổ biến các chính sách hỗ trợ của Trung ương như Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp: miễm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư số 96/2015/TT-BTC, ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính,...

Ngoài ra, còn có Chính sách về tiếp cận, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND Quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Miễn giảm tiền thuê đất tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ, cụ thể miễn 11 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 05 năm tiếp theo đối với dự án khuyến khích đầu tư; miễn 15 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 07 năm tiếp theo đối với dự án ưu đãi đầu tư; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước đối với dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Đặc biệt, các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Đắk Lắk còn được hưởng chính sách tiếp cận hỗ trợ, hỗ trợ tín dụng đầu tư, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp còn được đầu tư các hạng mục như hệ thống xử lý nước thải tập trung, đường giao thông đối ngoại; đường trục chính, san ủi mặt bằng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nông nghiệp xanh nâng cao giá trị cho nông sản Đắk Lắk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO