Nông sản Việt “gặp hạn” vì dịch viêm phổi corona (Kỳ V): Doanh nghiệp hiến kế tìm lối ra

Thy Hằng thực hiện 04/02/2020 05:00

Nhiều doanh nghiệp cho biết đã có kế hoạch chuyển hướng thị trường xuất khẩu, trong khi đó, doanh nghiệp thương mại cam kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản ùn ứ cho nông dân...

Trong bối cảnh bùng phát của dịch viêm phổi corona, thị trường Trung Quốc đóng cửa biên giới và hạn chế giao thương tại các cửa khẩu khiến hàng trăm container hàng trái cây ùn ứ, cùng với đó, các sản phẩm nông sản chăn nuôi, thuỷ sản cũng được dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực. Nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ với Phóng viên Diễn đàn doanh nghiệp về những đề xuất, hiến kế tìm giải pháp cho nông sản Việt.

Doanh nghiệp cam kết

Doanh nghiệp cam kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang ùn ứ với mức chiết khấu 0%.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro):

Chuyển hướng thị trường xuất khẩu

Dịch bệnh viêm phổi corona đang gây tổn thất nặng nề cho ngành nông nghiệp bởi Trung Quốc đang là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thương mại nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Là doanh nghiệp hoạt động trong cả hai lĩnh vực thương mại quốc tế và nội địa, Hapro hiện cũng là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn đi trên 70 nước. Do đó, trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng đã thực hiện ngay những biện pháp chủ động ứng phó. Trước hết, trao đổi với các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước để tăng cường xuất khẩu các sản phẩm sang các thị trường truyền thống của Hapro, ngoài Trung Quốc. Đây là giải pháp lớn để chuyển thị trường của chúng ta từ Trung Quốc sang các thị trường tiềm năng như Mỹ, Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản… 

Với thị trường nội địa, doanh nghiệp cũng đang có hoạt động thu mua các sản phẩm nông sản thường xuyên từ các địa phương để tiêu thụ trong hệ thống siêu thị của công ty. Chúng tôi sẽ tăng cường hơn, làm việc với các địa phương, các hiệp hội để tăng cường tiêu thụ hơn nữa các sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm đang bị ùn ứ tại biên giới để tăng cường tiêu thụ nội địa.

Đơn cử, thanh long, dưa hấu là những mặt hàng sẽ được tăng cường. Thực tế, đã có một vài lần doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm này.

Có thể bạn quan tâm

  • Nông sản Việt “gặp hạn” vì dịch viêm phổi corona (Kỳ IV): Chuyển hướng xuất khẩu chính ngạch có khả thi?

    16:32, 03/02/2020

  • Nông sản Việt “gặp hạn” vì dịch viêm phổi corona (Kỳ III): Chăn nuôi, thủy sản cũng “dính đòn”

    14:35, 03/02/2020

  • Nông sản Việt “gặp hạn” vì dịch viêm phổi corona (Kỳ II): Tăng cường chế biến, lưu kho

    11:00, 03/02/2020

  • Nông sản Việt “gặp hạn” vì dịch viêm phổi corona (Kỳ I): Tiểu thương "chết đứng"

    14:00, 02/02/2020

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail:

Cam kết hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường nội địa

Hiện, Big C có 37 siêu thị ở 22 tỉnh, thành phố, hàng ngày tiêu thụ một lượng nông sản tương đối lớn. Trước ảnh hưởng của dịch cúm do virus corona đối với hoạt động xuất khẩu nông sản, BigC không đứng ngoài cuộc. 

Chúng tôi cam kết hỗ trợ tiêu thụ trong phạm vi tối đa với nông dân. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng nhận được đề nghị của Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai hỗ trợ tiêu thụ thanh long, dưa hấu. Hiện tại, theo tôi, giá thanh long chưa đến mức tiêu cực, cụ thể, thanh long chúng tôi mua tại kho với giá 14.000 đồng/kg, dưa hấu 6.000 đồng/kg.

Để giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi, chúng tôi kiến nghị Bộ NNPTNT cho danh sách các sản phẩm nông sản đang tồn đọng để chúng tôi lên chương trình, có ngân sách thu mua hợp lý, thúc đẩy tối đa cho bà con.

Trong bối cảnh này, tôi cho rằng, các HTX, nông dân nên quay về thị trường nội địa và nghiêm túc với thị trường này. Có một thực tế là, nhiều HTX khi giá xuất khẩu lên thích bán sang Trung Quốc cho nhanh mà không muốn bán cho siêu thị vì hàng vào siêu thị phải qua nhiều khâu đàm phán, nhiều tiêu chuẩn.

Nhưng nếu cứ giữ cách làm này thì khi xuất khẩu khó cũng không còn đường vào siêu thị, vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất cần tập trung cho thị trường trong nước với 100 triệu dân.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Hiệp hội Rau quả Việt Nam:

Đề nghị hỗ trợ tiền điện cho doanh nghiệp bảo quản lạnh trái cây

Dịch viêm phổi cấp do virus corona ngay lập tức đã tác động mạnh đến giá nhiều loại nông sản, cụ thể là trái cây. Đơn cử như sầu riêng, trước Tết, giá đạt 70.000 đồng/kg, nay chỉ còn 40.000 đồng/kg; thanh long chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, cá biệt có nơi giá dưa hấu chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Có thể nói, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt do ảnh hưởng của dịch cúm Vũ Hán, các thương lái đặt mua ở vựa để xuất khẩu sang Trung Quốc phục vụ Rằm tháng Giêng đã đặt cọc thì cũng bỏ luôn do giá xuống quá thấp.

Những nông dân không có liên kết với doanh nghiệp cũng thiệt hại nặng nề, các nông dân có liên kết vẫn được thu mua.  

Trước thực tế này và dịch cúm do virus corona không biết bao giờ mới chấm dứt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác; quy hoạch vùng trồng, làm tốt công tác bảo quản, riêng Bộ Công Thương hỗ trợ tiền điện cho những đơn vị tham gia bảo quản trái cây để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nông sản Việt “gặp hạn” vì dịch viêm phổi corona (Kỳ V): Doanh nghiệp hiến kế tìm lối ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO