Trong khi phần lớn doanh nghiệp ngành vận tải biển “ăn lên làm ra” bất chấp đại dịch COVID-19, thì Công ty CP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (UPCOM: NOS) vẫn chìm đắm trong thua lỗ.
Lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 của NOS lên đến 111 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế của doanh nghiệp này lên 4.521 tỷ đồng.
COVID-19 từ năm 2020 đến nay khiến nhiều nền kinh tế khó khăn. Song khi giá cước vận tải biển “leo thang” và nhu cầu tái phục hồi chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp lên cao, thì ngành vận tải “phất” lên.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp vận tải đã có kết quả kinh doanh vô cùng khởi sắc dù sự tham gia của các đội tàu vào hải trình quốc tế dài ngày và khả năng cung cấp containers còn hẹp khiến doanh nghiệp khách hàng bị phụ thuộc vào các hãng tàu quốc tế lớn.
Điển hình 9 tháng đầu năm 2021, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, UPCoM: MVN) thông báo doanh thu hợp nhất 9 tháng đạt 10.188 tỷ đồng, tăng 31%; lãi trước thuế 2.045 tỷ đồng, gấp 7,75 lần so cùng kỳ 2020. Riêng quý III/ 2021, MVN đạt doanh thu 4.127 tỷ đồng doanh thu, tăng 71%; lợi nhuận 760 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước báo lỗ gần 30 tỷ đồng. Mặc dù MVN có “than khó”, song kết quả kinh doanh đã nói lên tất cả, và có lẽ chưa bao giờ hậu tái cơ cấu, MVN làm ăn tốt đến như vậy.
4.521 tỷ đồng là tổng số lỗ lũy kế của NOS tính đến cuối quý 3/2021, trong đó số lỗ trong quý 3 là 111 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) là “đèn hải đăng” nổi bật của nhà đầu tư khi trong 9 tháng đầu 2021, HAH đã ghi nhận lãi sau thuế 284 tỷ đồng, vượt kế hoạch kinh doanh tới 80%...
Trong khi đó, NOS ngày càng chìm sâu trong “biển lỗ” lũy kế và âm vốn chủ sở hữu với những con số đáng lo ngại.
Theo BCTC vừa công bố, đến 30/9/2021, NOS đã lỗ lũy kế 4.521 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 4.262 tỷ đồng. Riêng lỗ quý III/2021 là 31 tỷ đồng, bất chấp doanh thu tăng 14,6% song thu không đủ bù chi.
Theo BCTC, NOS vẫn chịu nghĩa vụ thanh toán lãi vào chi phí tài chính với mức 16 tỷ đồng. Công ty tiếp tục duy trì khoản dư nợ thuê tài chính ngắn hạn 768 tỷ đồng và dư nợ thuê tài chính dài hạn 2.156 tỷ đồng, không chênh lệch nhiều so với số dư đầu năm. Tuy lỗ của NOS trong quý cải thiện so với cùng kỳ năm trước, giúp giảm lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 được 70 tỷ đồng xuống 111 tỷ đồng, nhưng bức tranh thua lỗ triền miên vì thế cũng không có gì thay đổi.
NOS thua lỗ do nhiều nguyên nhân. Trong đó, khách quan là dịch COVID-19 khiến nhiều đội tàu của Công ty phải chịu cách ly, ngưng chạy; bên cạnh đó còn do đội tàu khá cũ (đội tàu Phương Đông) khiến công suất khai thác không thể cao. Lãnh đạo NOS cũng từng cho biết các công ước quốc tế về nhiên liệu và khí thải (từ ngày 1/1/2020) được áp dụng cũng dẫn đến gia tăng chi phí nhiên liệu và hạn chế cảng hoạt động. Cuối năm 2020, tổng chi phí của NOS tăng tới 150% so với kế hoạch.
Tại BCTC, nhiều khoản NOS đầu tư hay có dư nợ tại các ngân hàng SeaBank, MSB, BIDV cũng được lưu ý ngoại trừ vì các nguyên nhân như không được phản hồi xác nhận số dư của ngân hàng hoặc trích lãi vay chưa đúng. Kiểm toán cũng lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào khả năng sinh lời trong tương lai và sự tiếp tục đầu tư vốn của các chủ sở hữu.
Có thể bạn quan tâm