Vừa qua, CTCP Giống cây trồng Trung ương (MCK: NSC) thông báo chào mua toàn bộ gần 3,4 triệu cổ phiếu của CTCP Giống cây trồng Miền Nam (MCK: SSC) nhằm nâng sở hữu lên 100% với giá dự kiến 70.000 đồng/cp.
Thời gian chào mua và dự kiến hoàn tất trong vòng 30 ngày sau khi nhận được sự chấp thuận của UBCK Nhà nước bằng văn bản. NSC sử dụng nguồn vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác của Công ty để thực hiện việc chào mua một mặt tăng tỷ lệ sở hữu ở SSC, mặt khác để đầu tư dài hạn.
Hiện NSC đang sở hữu hơn 9,23 triệu cổ phần SSC tương ứng 68,34% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty. Nếu việc chào mua lần này thành công, NSC sẽ sở hữu 100% vốn SSC, tương đương hơn 13,5 triệu cp.
Trong năm 2017, NSC là doanh nghiệp nằm trong top 10 doanh nghiệp có chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) cao với EPS đạt 13.800 đồng/cp. Năm 2017 NSC đặt mục tiêu đạt 1.514 tỷ đồng doanh thu và 228,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Theo báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh năm 2017, đến hết năm công ty đã đạt hơn 1.504 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành hơn 99% kế hoạch đặt ra.
Về lợi nhuận, NSC đạt 233,15 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2017, tăng 2% so với lợi nhuận đạt được năm 2016 và vượt đến 21% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. EPS đạt 15.244 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, đứng sau NSC chính là CTCP Tập đoàn PAN (MCK: PAN), chính xác hơn một nhánh của Tập đoàn PAN là PAN Farm đang sở hữu 75% vốn của NSC. Năm 2017, PAN ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.047 tỷ đồng, vượt 32% kế hoạch năm và tăng trưởng gần gấp rưỡi so với năm trước; lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ năm 2017 của PAN đạt 371 tỷ đồng, gần gấp đôi so với kế hoạch và tăng trưởng 44%. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 3.154 đồng, tăng 35% so với năm trước.
Tại thời điểm cuối năm 2017, PAN có nợ phải trả chỉ chiếm 30,6% tổng nguồn vốn chủ sở hữu với 1.834,6 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 682 tỷ đồng và vay dài hạn 236 tỷ đồng. Tuy vốn điều lệ chỉ 1.177 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu của tập đoàn đạt 4.164 tỷ đồng nhờ có thặng dư 1.021 tỷ đồng cùng các quỹ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và lợi ích cổ đông không kiểm soát.
Về mặt tài sản, PAN đang có gần 1.119 tỷ đồng nằm tại tiền và các khoản tương đương tiền, chiếm gần 1/6 tổng tài sản. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của tập đoàn là tài sản cố định với 1.712 tỷ đồng gồm 806 tỷ tài sản cố định hữu hình (nguyên giá 1.521 tỷ) và 905 tỷ tài sản cố định vô hình (nguyên giá 948 tỷ).
PAN là một tập đoàn ban đầu hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh công nghiệp, nhưng 5-6 năm trở lại đây đã chuyển sang nông nghiệp và thực phẩm. Để thực hiện việc chuyển đổi này, hướng đi của PAN chính là các thương vụ M&A.
Bà Nguyễn Thị Trà My – Phó Chủ tịch HĐQT PAN Group từng cho biết, đặc điểm của hoạt động M&A của PAN đó là bản thân các công ty con vốn đã kinh doanh tốt nhưng với sức trẻ của mình, tập đoàn cũng có thể hỗ trợ về vấn đề tài chính, hệ thống quản lý, chiến lược nhãn hiệu... Nhờ đó mà các công ty liên kết với nhau để tạo thành chuỗi giá trị khép kín.
Nhờ huy động vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước uy tín như IFC, TAEL, GIC, PYN, SSI, NDH Invest, CSC Việt Nam…, PAN đã dùng số tiền đó để M&A các công ty đầu ngành về lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm như NSC, SSC, LAF, ABT, BBC…
Và như vậy, với việc NSC thâu tóm 100% SSC, đây sẽ bước đi tiếp theo của PAN đưa SSC gia nhập vào hàng ngũ những doanh nghiệp được PAN thâu tóm, củng cố thêm danh mục doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp của mình.
Trên sàn HOSE, giá cổ phiếu SSC hiện đạt 68.500 đồng/cổ phiếu, giá cao nhất đạt 73.000 đồng/cp vào thời điểm tháng 1/2018.