Nữ doanh nhân và luật sư chia sẻ về nghề nhân ngày 8/3

Huyền Trang 08/03/2018 10:06

Nhân kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3, DĐDN đã có cuộc trao đổi với nữ luật sư, doanh nhân Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Công ty Luật InvestPro.

“Phụ nữ làm nghề luật luôn có ưu điểm là mềm mại hơn so với nam giới, họ không đi trực tiếp vào vấn đề mà khéo léo, nhẹ nhàng”, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh hiện là Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Doanh nhân, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật InvestPro, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, hiện là Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Liên đoàn Luật sư Việt Nam 

Bà có thể chia sẻ đôi chút về nghề luật?

Công ty Luật InvestPro, do tôi làm Chủ tịch thường xuyên thực hiện các vụ việc mang tính chất trợ giúp miễn phí. Tôi quan niệm mình giúp được ai cái gì thì mình giúp thôi. Làm nghề luật cũng là một cách "chữa bệnh" cho con người.

Nhưng nghề luật cũng có những đặc thù riêng so với những nghề khác. Để trở thành Luật sư, bạn phải trải qua rất nhiều khóa học nhưng để trở thành một luật sư “đúng nghĩa” thì đòi hỏi nhiều yếu tố khác. 

Phụ nữ làm nghề luật có ưu điểm là mềm mại hơn so với nam giới, họ không đi trực tiếp vào vấn đề mà khéo léo, nhẹ nhàng. Nhưng tôi thì khác, tôi luôn đặt vấn đề một cách trực tiếp, thẳng thắn.

Nhưng nghề luật cũng đòi hỏi phụ nữ cao hơn so với nam giới, đòi hỏi phụ nữ phải khéo léo sắp xếp thời gian giữ công việc và gia đình. Tôi có một cô bạn, công việc của cô ấy rất vất vả nhưng cô ấy luôn biết cách sắp xếp thời gian để chăm sóc gia đình.

Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ rằng nghề nghiệp đã chọn tôi. Trước đây, thời đi học tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm nghề luật nhưng cuộc sống có nhiều ngã dẽ. Học xong đại học, tôi ra trường và vào làm cho công ty luật của anh trai. Với nghề nghiệp này, nếu như bạn không thật sự cố gắng, không thật sự có năng lực thì bạn sẽ bị đào thải nhanh chóng. Điều này đã buộc tôi phải cố gắng và làm việc chăm chỉ nên thành công đã đến với tôi.

- Nhưng bà còn là một nữ doanh nhân và công việc liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân đã để lại cho bà những kỷ niệm đặc biệt nào?

 Thực ra thì trong suốt ngần ấy năm hành nghề, bản thân tôi cũng có rất nhiều vụ việc khác nhau và những kỷ niệm cũng theo chân người luật sư. Vui cũng có mà buồn cũng có.

Nhưng vụ việc khiến tôi ấn tượng nhất là khi tôi trở thành một trong số những Luật sư giúp đỡ, vận động để cho Cocacola có thể vào được Việt Nam trong những năm 1993-1994.

Thời điểm đó, Luật Doanh nghiệp chưa ra đời, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, dưới góc độ là một người tư vấn, mình phải đưa ra được những lời khuyên khéo léo, để sao cho Cocacola vẫn có thể vào được Việt Nam, thành lập công ty sở hữu 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam nhưng lại không vi phạm pháp luật.

Đó thật sự thử thách dành cho những người làm nghề luật, một người làm nghề kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp lý.

- Vậy theo bà, đâu là bí quyết thành công đối với một nữ luật sư, một nữ doanh nhân?

Bất cứ ai muốn trở thành luật sư đều phải trải qua kỳ “sát hạch” về việc nắm bắt những quy tắc đạo đức đó nghề nghiệp cũng như kiến thức chuyên môn.

Nhưng chỉ từng đó thôi chưa đủ để bạn trở thành một luật sư “đúng nghĩa”, một người kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp lý đúng nghĩa.

Đầu tiên, bạn thật sư phải là người năng động trong nghề, có tố chất và khả năng thuyết trình. Bạn phải biết cách thuyết phục được người đối điện với mình, thuyết phục khách hàng của mình thì bạn mới có thể thành công. Nhiều người từng thắc mắc với tôi là tại sao tôi thuyết phục khách như thế không được mà chị nói với khách như thế lại được? Cái đó nó là tố chất nghề nghiệp, nếu không có thì bạn không thể thành công với nghề.

Thứ hai, bạn phải là một người có kiến thức và phải biết cách biến kiến thức đó trở thành một phần kỹ năng của mình. Những kiến thức bạn có nó không đơn giản chỉ là điểm a, khoản b, điều c của một bộ luật nào đó nữa mà phải là một phần trong con người bạn.

Cuối cùng, bạn phải thật sự người có “tâm” với nghề. Giống như nghề bác sĩ, nếu như cứu được bệnh nhân bạn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc; với luật sư khi giúp đỡ được thân chủ của mình,đó là thành công, niềm vui và là một phần trách nhiệm chứ không đơn thuần là công việc.

- Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nữ doanh nhân và luật sư chia sẻ về nghề nhân ngày 8/3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO