GS Nguyễn Thục Quyên, đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture, nói: "Tôi mong muốn có những phát kiến khoa học mang được tác động, tiếp cận với những người nghèo".
Trước khi chạm tay tới thành công, trở thành giáo sư của một trường đại học danh tiếng với nhiều công trình nghiên cứu được ghi nhân, thậm chí được tôn vinh là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách.
Gặp gỡ báo chí tại chương trình giao lưu với Hội đồng Giải thưởng VinFuture , Giáo sư Quyên chia sẻ, bà sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em tại một ngôi làng nhỏ ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Sau năm 1975, trong khi cha đi cải tạo thì anh chị em bà theo mẹ (khi đó là một giáo viên dạy toán cấp 2) đi làm kinh tế mới. Thuở ấy khó khăn khi cả nhà phải đi xa để kiếm kế sinh nhai.
Đến năm 21 tuổi, bà cùng bố mẹ và các anh chị em đến Mỹ định cư. Lần đầu tiên đến Mỹ, bà từng nhiều lần đòi về Việt Nam vì không nói được tiếng Anh, cũng như thấy mình bị coi thường.
Bước ngoặt nghiên cứu khoa học
Giáo sư Quyên kể về tuổi thơ nghèo khó và bước ngoặt khi theo đuổi con đường trở thành nhà khoa học.
"Ở Việt Nam, thật ra tôi quan tâm tới văn học, lịch sử thế giới, đó là khát khao ban đầu ở tuổi 21. Khi đó tôi nói tiếng Anh rất tệ, lại càng không bao giờ nghĩ mình sẽ làm khoa học.
Nhưng bước ngoặt bất ngờ là khi tôi tham gia học với môt giáo sư vật lý. Giáo sư đã dạy cho tôi những hiểu biết đầu tiên về những tương tác trong Vật lý học, và quan trọng hơn giúp tôi nhận ra rằng, thif ra tôi rất yêu thích và coa thể theo đuổi sự nghiệp khoa học. Khi ấy tôi 25 tuổi" - Giáo sư Quyên nhớ lại.
Đến năm 1995, bà xin chuyển lên ĐH Califonia, Los Angeles và bắt đầu làm thêm trong phòng thí nghiệm với công việc rửa dụng cụ. Khi đó, nhiều người bảo với bà là nghiên cứu là chuyện không phải ai cũng làm được, và bà nên tập trung vào việc học tiếng Anh.
Để quyết tâm có thể nói tiếng Anh, bà Quyên tham gia 4 lớp tiếng Anh dành cho người nước ngoài và sau đó còn tới trung tâm dạy kèm sinh viên để trau dồi thêm.
"Thời gian đó tôi chỉ nghĩ càng khó khăn thì càng phải cố gắng. Chính những khó khăn này vô hình trung lại là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn nhằm chứng minh cho họ thấy rằng họ đã sai, bằng kết quả mà mình đạt được", bà Quyên chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học vào năm 1997, bà Quyên tiếp tục nộp đơn học cao học và chỉ một năm sau đã có bằng thạc sĩ về ngành Lý - Hóa. Không dừng lại ở đó, bà quyết tâm học tiếp lên tiến sĩ. Kết quả, trong năm cuối của chương trình, bà trở thành một trong bảy nghiên cứu sinh xuất sắc của Đại học Califonia, Los Angeles, được trao học bổng.
Về việc chọn hướng nghiên cứu vật liệu mới cho ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, Giáo sư Quyên cho biết: "Là người đến từ Việt Nam, đến từ ngôi làng 16 năm trời không có điện, thì tôi thấy rằng những công nghệ mới mà chúng ta thấy ngoài kia có thể không tác động trực tiếp đến những người nghèo như nông dân, công nhân... Do đó, tôi mong muốn có những phát kiến khoa học mang được tác động, tiếp cận với những người nghèo không có cơ hội tiếp cận những điều kiện trên".
Truyền cảm hứng cho phụ nữ từ VinFuture
Giải thưởng VinFuture rất đặc biệt với Giáo sư Quyên.
"Tôi nhận được liên hệ từ nhà sáng lập của VinFuture và chị có chia sẻ với tôi về nguyện vọng của quỹ. Từ đó tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được tham gia vào hành trình này và rất vui khi có các đồng nghiệp của tôi cũng cùng tham gia.
Với tôi, giải thưởng VinFuture rất đặc biệt vì nó không chỉ là giải thưởng của quỹ này, mà còn là giải thưởng của Việt Nam, đại diện cho Việt Nam, đất nước của chúng ta", Giáo sư Quyên nhấn mạnh.
Giáo sư Quyên cho biết, bà vô cùng hạnh phúc vì biết cả thế giới quan tâm tới giải thưởng VinFuture. Sứ mệnh của giải thưởng đã chạm đến trái tim nhiều người nên có nhiều ứng viên từ các châu lục, đặc biệt là từ nhiều nhà khoa học nữ.
Hãy theo đuổi ước mơ, dù chưa chắc, nhưng cứ thử
Giáo sư Quyên cho rằng những phụ nữ đam mê khoa học nên nói chuyện nhiều với các nhà khoa học khác để có cơ hội được trao đổi ý kiến, làm việc chung với nhau.
"Ngay ở bên Mỹ, chúng tôi cũng có một hệ thống kết nối các nhà khoa học nữ tới từ nhiều quốc gia khác nhau để giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm. Tôi hy vọng trong tương lai có thể giúp đỡ các nhà khoa học nữ ở Việt Nam, đặc biệt là đưa ra những lời khuyên để dẫn dắt và giúp họ thành đạt hơn", Giáo sư Quyên cho biết.
Giáo sư Quyên cho rằng, chúng ta cần yêu thích sự nghiệp mà chúng ta chọn, cần có sự tò mò, ham học hỏi. Lời khuyên là hãy theo đuổi ước mơ của mình, dù chưa chắc nhưng hãy chọn và thử.
"Tôi cũng có những cái mình thích, hồi đấy cũng thử và đam mê đến tận bây giờ. Mục tiêu khoa học suy cho cùng là luôn tò mò khám phá. Đó là mục tiêu tối thượng và cũng là hành trình tôi theo đuổi", Giáo sư Quyên chia sẻ.
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên từng được mời tới hơn 200 địa điểm trên thế giới để tham gia thuyết trình và nhận nhiều giải thưởng lớn cho những công trình nghiên cứu như:
- Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Harold J. Plous Memorial Award and Lectureship 2007.
- Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Camille Dreyfus Foundation 2008;
- Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Alfred P. Sloan Foundation 2009;
- Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ 2010;
- Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Alexander von Humboldt-Foundation của Đức năm 2015;
- Một trong bốn nhà khoa học gốc Việt có tên trong danh sách những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters công bố năm 2015;
- 4 năm liền được vinh danh trong danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu vào top 1% những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới (highly cited researchers - HCR).
Link dẫn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/nu-gs-goc-viet-co-anh-huong-bac-nhat-the-gioi-tieng-anh-tung-rat-te-suyt-chon-nham-nghe-162222001073632138.htm