Mô hình nuôi con trên bờ kết hợp con dưới nước không những giúp lão nông Trần Văn Thành ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam thu lợi nhuận cao, mà còn bảo vệ môi trường chăn nuôi.
>>Chuyện người thương binh làm giàu từ vùng đất bãi bị bỏ hoang
Đến thăm mô hình nuôi cá chình bông, ba ba thương phẩm kết hợp nuôi bò, trùn quế theo hướng an toàn sinh học của gia đình ông Trần Văn Thành (49 tuổi, tổ dân phố Yên Lư, thị trấn Hương An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô, cách chăn nuôi khoa học của ông.
Mô hình này được ông Thành gọi là chăn nuôi "bốn trong một", bởi bốn loài vật nuôi theo một quy trình khép kín. Nước thải nuôi cá được ông dùng để tưới cỏ, cỏ là thức ăn nuôi bò, phân bò dùng nuôi trùn quế, cuối cùng trùn quế lại trở thành thức ăn cho cá chình bông, baba.
Tất cả chất thải, phụ phẩm nông nghiệp đều được ông Thành tận dụng triệt để, vừa làm lợi trong chăn nuôi vừa giúp bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về mô hình chăn nuôi khoa học này, ông Trần Văn Thành cho biết, ban đầu, gia đình ông nuôi ba ba thương phẩm, nhận thấy đất vườn còn nhiều nhưng để trống thì phí, ông lên mạng tìm hiểu thì được biết về mô hình nuôi cá chình bông.
Nghĩ là làm, cha con ông Thành lặn lội vào Phú Yên để tham quan, học hỏi mô hình nuôi cá tại đây. Sau khi nắm được kiến thức, kinh nghiệm, ông đặt mua 800 con cá giống về thả nuôi. Ông Thành xây 4 bể xi măng với diện tích 85m², đặt máy bơm nước, hệ thống tạo oxy và thả một số ống nhựa để làm nơi trú ẩn cho cá.
Trên bể có mái che, lưới để giảm bức xạ, xung quanh có che chắn không cho ánh nắng rọi vào nhiều và để tránh cá thất thoát.
Theo ông Thành, kỹ thuật nuôi cá chình khá đơn giản, chủ yếu phải giữ nguồn nước sạch, cung cấp đủ hàm lượng oxy. Thức ăn của cá chình rất đa dạng như cá tạp, cá biển, trùn quế cộng thêm muối khoáng vi lượng, vi sinh, vitamin thích hợp.
Để giải quyết nguồn thức ăn cho cá chình bông, ông Thành nghĩ đến mô hình nuôi trùn quế, thế là ông lại học hỏi, tìm tòi. Sau khi nắm được kỹ thuật nuôi trùn, vấn đề nguồn phân bò cho trùn quế ăn được ông Thành giải quyết bằng cách chăn nuôi bò lai 3B.
Ông Trần Văn Thành chia sẻ: "Mô hình này tự tôi nghĩ ra thôi, mình cần cái gì thì lại học thêm cái đó, học mọi người rồi mày mò trên mạng. Vì làm trang trại gần nhà, xung quanh có hàng xóm, nên tôi nghĩ vấn đề giải quyết chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường rất quan trọng. Theo tôi, không biết thì cứ học, rồi áp dụng thực tế coi như rút kinh nghiệm".
Cá chình bông nuôi khoảng 12 tháng sẽ đạt kích cỡ từ 0,8-1kg/con, nuôi 18-24 tháng có thể đạt 1,6-2 kg/con, lúc này tùy vào nhu cầu thị trường và giá cả mới tiến hành thu hoạch. Trong đó thị trường Đài Loan, Hàn Quốc hiện rất chuộng cá chình bông của Việt Nam.
>>Khát vọng vươn lên làm giàu của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhờ đảm bảo lượng thức ăn và tiêu chuẩn hồ nuôi nên đàn cá chình phát triển tốt, sau 2 năm thả nuôi, hiện ông đang xuất bán cá chình với giá hơn 600.000 đồng/kg. Lứa đầu tiên này ước tính gia đình ông lợi nhuận không dưới 80 triệu đồng.
Ông Thành cho biết ông nuôi cá chình bông theo hình thức "gối đầu", các bể xi măng được thả nuôi theo từng giai đoạn, cá có liên tục để cung cấp ra thị trường. Nếu nuôi cá diêu hồng, cá lóc cần diện tích rộng thì nuôi cá chình chỉ cần 20-100m2 là đủ điều kiện nhân rộng mô hình này.
>>'Chắp cánh' cho người trẻ làm giàu trên đồng đất quê hương
Thấy hiệu quả kinh tế khả quan, ông Thành tiếp tục xây thêm hồ nuôi cá chình với diện tích 50m2 để thả nuôi 500 con cá chình giống. Hiện nay, số lượng cá chình bông trong các bể của ông Thành khoảng 2.000 con, nhiều kích cỡ khác nhau.
Ngoài ra, ông còn nuôi 1.000 con ba ba, 10 con bò 3B, nuôi trùn quế trong khoảng 100m² (trùn quế làm thức ăn cho cá, ba ba; phân trùn dùng bón cây và bán cho nhà vườn) để nâng cao thu nhập.
"Hiện nay, nếu tính tổng trang trại thì thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Sắp tới, tôi sẽ đổi bể tráng xi măng sang bể lót bạt vì loại bể này thời gian sử dụng lâu hơn, khi dọn rửa cũng sẽ dễ dàng hơn", ông Thành chia sẻ.
Ông Lương Văn Ánh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Sơn - cho hay, mô hình chăn nuôi kết hợp này của ông Trần Văn Thành là một mô hình rất hay, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo môi trường. Huyện sẽ quảng bá và nhân rộng mô hình này trong thời gian đến.
Có thể bạn quan tâm