Các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm cho rằng, một mô hình chăn nuôi công nghệ cao trên quy mô lớn chỉ có thể thành công khi các yếu tố cốt lõi trong hệ thống sản xuất được quan tâm đầy đủ ở tầm nhìn dài hạn.
Hai chuyến tham quan thực địa liên tiếp tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) với mô hình chăn nuôi lợn của Công ty Thái Dương và tại thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) với mô hình nuôi tôm của Công ty Việt – Úc trong khuôn khổ hội thảo “Làm nông nghiệp công nghệ cao” vào cuối tháng 12/2017 và đầu tháng 1/2018 đã cho chúng tôi thấy những bài học kinh nghiệm quý giá cho toàn ngành nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.
Riêng ở góc độ nhà đầu tư, báo cáo tổng kết hội thảo cho rằng, cần phải có tầm nhìn dài hạn để giải quyết các vấn đề về năng suất, giá thành, an toàn thực phẩm và môi trường. Nền tảng cho các vấn đề đó nằm trong quá trình sản xuất với 3 yếu tố cốt lõi: giống, thức ăn, chuồng trại.
Sai lầm phổ biến trong đầu tư trang trại
Trong báo cáo định hướng phát triển chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Khoa học - Vụ Khoa học & Công nghệ Phát triển nông thôn, Bộ NN & PTNT đánh giá, ngoài các vấn đề thuộc về chính sách của cơ quan quản lý với ngành thì chăn nuôi đang bộc lộ những hạn chế lớn từ quá trình đầu tư. Phổ biến là cách thức tổ chức chăn nuôi còn rời rạc, giá thành chăn nuôi cao, không có khả năng cạnh tranh, thua lỗ do giá cả thị trường trong và ngoài nước xuống thấp… Bên cạnh đó, chất lượng của một số vật nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu. Đồng quan điểm, đại diện của Tổng cục Thủy sản đánh giá riêng với ngành tôm, mặc dù là “ngọn cờ đầu” xuất khẩu của cả nước trong năm 2017 với kim ngạch 3,85 tỷ USD, vẫn còn tồn tại rất nhiều nhược điểm như ao nuôi không đủ tiêu chuẩn, giống không đảm bảo, sử dụng thức ăn, thuốc, hóa chất chưa sát với hướng dẫn.
Ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc CTCP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương (SJS) bổ sung thêm rằng, chính tư duy manh mún kiểu cũ là nguyên nhân dẫn tới suy giảm hiệu quả sản xuất và thua lỗ cho người làm trang trại chăn nuôi: “Đó là tư duy có gì làm đó, hỏng thì sửa, không quan tâm tới khoa học công nghệ, dù cố gắng mở rộng quy mô, nhưng nền móng chuồng trại kiểu cũ cứ vài ba năm lại hư hỏng, lại muốn đập đi xây lại”. Theo đánh giá chung, phần lớn giới đầu tư chưa tiếp cận trọn vẹn quy trình xây dựng trang trại chuyên nghiệp mà vẫn còn lắp ghép theo cảm tính và đầu tư khá chủ quan. Thiếu tính toán tổng thể về giải pháp và đầu tư đồng bộ về vật liệu chính là lực cản lớn nhất cho quá trình hiện đại hóa và phát triển bền vững của các trang trại do tốn rất nhiều chi phí bảo trì, sửa chữa, làm mới chuồng trại liên tục. Tuổi thọ của hầu hết trang trại tại Việt Nam chỉ đạt 2 – 3 năm, thay vì khả năng đạt tới 20 năm, “có trang trại ở nước ngoài tới 30 năm vẫn hoạt động tốt” – vẫn theo lời ông Thành.
Tuy vậy, nhìn về tổng thể, bức tranh triển vọng thị trường là khá tươi sáng cho các nhà đầu tư tham gia. “Giai đoạn 2011 - 2015, ngành chăn nuôi luôn duy trì tăng trưởng ở mức bình quân 4,5-5,0%/năm, tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đạt 30,5% năm 2015 và tăng lên 32% năm 2016, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp”, ông Lý cho biết. Ở lĩnh vực thủy sản, báo cáo của tổng cục chỉ ra rất nhiều lợi thế và tiềm năng như: diện tích mặt nước lớn, đa dạng; chính sách và môi trường pháp lý thuận lợi, và thị trường rộng lớn đầy tiềm năng cả ở trong và ngoài nước. Nhưng, “phải nhìn về tương lai, chẳng hạn với Thái Dương suy nghĩ về 20 năm tới sẽ sử dụng thức ăn nào cho gia súc, công nghệ và con người mong muốn như thế nào? Người tiêu dùng kỳ vọng thực phẩm ngon hơn, an toàn hơn, nên người làm trang trại phải tính tới điều đó ngay từ bây giờ, phải học hỏi, vì không có nhiều thời gian để trả giá”, ông Thành đưa ra lời khuyên với nhà đầu tư muốn làm nông nghiệp công nghệ cao.
Con giống, thức ăn, và chuồng trại
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT kiêm phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt – Úc nói rằng, giải pháp nâng tầm tôm Việt của công ty là phải làm chủ được công nghệ. Doanh nghiệp phải làm chủ được công nghệ trong một hệ sinh thái bao gồm giống, nguồn thức ăn, trang trại, quá trình nuôi, và chế biến thành phẩm. Trước đó, vào ngày 11/11/2017, Việt – Úc đã công bố chương trình chọn giống tôm bố mẹ (tôm thẻ chân trắng) với công suất 50 tỷ con giống/năm, chiếm 25% thị phần tôm giống cả nước. Đáng chú ý, tôm thẻ chân trắng hiện đang chiếm khoảng 60% tổng sản lượng tôm nước lợ. Và chỉ khi xây dựng được hệ sinh thái như thế, thì doanh nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc con tôm từ các đối tác nhập khẩu nói riêng và toàn thị trường nói chung, từ đó nâng cao được giá trị gia tăng cho sản phẩm.
“Dù cố gắng mở rộng quy mô, nhưng nền móng chuồng trại kiểu cũ cứ vài ba năm lại hư hỏng, lại muốn đập đi xây lại”
Kinh nghiệm của Việt – Úc cũng là bài học chung cho ngành chăn nuôi. Các chuyên gia và lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước tại hội thảo đều thống nhất là cần phải có tư duy mới trong đầu tư cho chuồng trại công nghệ cao, những nghiên cứu và ứng dụng mới trong lĩnh vực chăn nuôi như thức ăn chăn nuôi vi sinh, công nghệ liquid feeding (chăn nuôi bằng thức ăn hóa lỏng), farm online (quản lý trang trại bằng công nghệ trực tuyến), công nghệ quản lý nguồn giống và di truyền trong sản xuất con giống… “Về con giống, cần phải sản xuất giống tốt bằng sử dụng công nghệ cao trong chăn nuôi để tăng năng suất và hạ giá thành xuống dưới 20.000 đ/kg lợn hơi thì sẽ cạnh tranh được về giá với tất cả các nước. Về thức ăn, phải sử dụng thức ăn sinh học để thay thế tất cả kháng sinh và các chất cấm để có được thực phẩm an toàn và sạch để người tiêu dùng ngay tại thị trường nội địa đón nhận và đủ chất lượng hướng đến xuất khẩu”, ông Thành đề xuất.
Riêng về vấn đề chuồng trại, ông Phùng Quốc Điền, Tổng giám đốc của công ty NS BlueScope Lysaght – nhãn hiệu Lysaght Agrished, nhận định: “Chuồng trại kiểu cũ không có tính toán tổng thể và thiết kế đồng bộ, nghĩ đến đâu làm đến đó hoặc những tính toán không trên cơ sở khoa học nông nghiệp lẫn đầu tư kinh tế, tốn nhiều nhân công, thất thoát năng lượng, nguyên liệu, dễ phát sinh dịch bệnh và khó để ứng phó hiệu quả”. Nhược điểm đáng quan tâm nữa là tính ổn định, khả năng chống chọi với khí thải, chất thải trong môi trường canh tác và thử thách, biến động của môi trường tự nhiên. “Giải pháp chuồng trại công nghệ cao sẽ giúp hạn chế nguy cơ dịch bệnh, loại trừ nguy cơ tốc mái – ngã đổ, giảm thiểu chi phí vận hành – bảo trì, nâng cao chất lượng và năng suất nuôi trồng”, ông Điền khẳng định.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn là “cuộc chơi” rất tốn kém và lâu dài. “Hiện chỉ có khoảng vài chục doanh nghiệp như CP, HAGL, Thái Dương, Việt – Úc, Phú Gia, Minh Dư, thực sự đang tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao. Bản thân chúng tôi là nhà cung cấp giải pháp kết cấu thép cho nông nghiệp phải chấp nhận lợi nhuận thấp để nhà đầu tư bước vào lĩnh vực, với hi vọng họ làm ăn hiệu quả, mở rộng kinh doanh, lan tỏa mô hình để dẫn dắt thị trường, tạo động lực cho các tập đoàn cỡ vừa khác đầu tư”, ông Điền thẳng thắn chia sẻ. Nhà đầu tư cũng không thể trông mong được gặt hái thành quả trong vài năm đầu, mà phải nhìn về tương lai “10 năm trở lên”.