Ô nhiễm không khí “khủng khiếp”: Hà Nội xin hãy... vội hơn, quyết liệt hơn

Bảo Lam 14/12/2019 16:00

Thật khó hiểu vì sao ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã đến ngưỡng nâu – ngưỡng nguy hiểm nhất trong ô nhiễm không khí, nhưng cơ quan chức năng vẫn… im lặng.

Truyền thông trong nước đưa tin, sáng nay (14/12) ô nhiễm không khí ở Hà Nội phổ biến ở ngưỡng tím- ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người.

Đáng chú ý, nhiều điểm đo lên ngưỡng nâu- ngưỡng nguy hiểm nhất trong ô nhiễm không khí với khuyến cáo tất cả mọi người nên ở trong nhà.

Tính đến ngày hôm nay, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã bước vào ngày thứ 7 của đợt ô nhiễm không khí cực kỳ nghiêm trọng.

Ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí miền Bắc của Tổng cục Môi trường sáng nay cho thấy, tại Hà Nội, Quảng Ninh và Việt Trì, ô nhiễm không khí lần lượt ở ngưỡng tím (rất xấu, rất có hại cho sức khỏe mọi người) và ngưỡng đỏ (ngưỡng có hại cho sức khỏe mọi người). 

Cũng trong sáng nay, hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cũng ghi nhận ô nhiễm ở ngưỡng nguy hại tại điểm đo Phú Thượng (Tây Hồ) trong sáng nay và điểm đo Láng Hạ (Ba Đình) xấp xỉ ngưỡng nguy hại. 

Nghiêm trọng hơn, hệ thống quan trắc PAMAir, với mạng lưới quan trắc dày đặc tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc ghi nhận mức độ ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng khi màu tím bao phủ sáng nay, một số điểm lên ngưỡng nâu như điểm đo tại Đức Thắng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên 340 lúc 8h30 sáng nay, điểm đo Nguyễn Chế Nghĩa (Thanh Xuân) lên 303 (AQI từ 300 là ngưỡng nguy hiểm), điểm đo Hàng Quạt lên tới 345.

Tại các tỉnh miền Bắc, hai điểm đo ở Từ Sơn, Bắc Ninh lên ngưỡng nâu trong sáng nay. Hầu hết các điểm đo khác ở ngưỡng đỏ và tím. 

Có thể bạn quan tâm

  • Ô nhiễm không khí Hà Nội: Hệ quả của sự “không vội”

    11:00, 13/12/2019

  • Người dân phải chịu ô nhiễm không khí đến khi nào?

    15:10, 12/12/2019

  • Ô nhiễm không khí tiếp tục ở ngưỡng nguy hiểm

    11:00, 11/12/2019

  • Cảnh báo ô nhiễm không khí tại miền Bắc: SOS!

    13:50, 09/12/2019

  • Cử tri lo lắng về tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước

    11:44, 21/10/2019

  • Ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Thực trạng và giải pháp

    17:18, 12/10/2019

  • Ô nhiễm không khí: Thay vì hoài nghi AirVisual, cần bắt tay vào hành động

    05:00, 11/10/2019

  • Cần một “chương trình quốc gia” về xóa bỏ ô nhiễm không khí

    05:19, 04/10/2019

  • Ô nhiễm không khí và trách nhiệm bị... lãng quên!

    05:35, 02/10/2019

  • Lần đầu tiên Hà Nội công bố cụ thể 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

    05:05, 02/10/2019

  • Ô nhiễm không khí - “Kẻ giết người” thầm lặng!

    00:05, 02/10/2019

  • Ngạt thở vì ô nhiễm không khí

    10:00, 16/07/2019

Hệ thống quan trắc PAMAir ghi nhận nhiều điểm tại Hà Nội lên tới mức ô nhiễm nâu

Hệ thống quan trắc PAMAir ghi nhận nhiều điểm tại Hà Nội lên tới mức ô nhiễm nâu

Đây là đợt ô nhiễm không khí tiếp theo trong nhiều đợt ô nhiễm không khí kéo dài từ cuối tháng 8/2019 đến nay. Trong đó có đợt ô nhiễm giữa tháng 11 ghi nhận chỉ số AQI lên ngưỡng nguy hại - ngưỡng cao nhất trong ô nhiễm không khí với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đã được xác định do tổng hợp nhiều nguyên nhân như hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp và dân sinh, trong đó hoạt động đốt ngoài trời không kiểm soát (đốt rác, đốt rơm rạ).

Trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt, chất ô nhiễm không phát tán được mà tích tụ tại tầng khí quyển sát mặt đất gây ra ô nhiễm nghiêm trọng.

Tổng cục Môi trường khuyến cáo, ô nhiễm lên ngưỡng tím, để giảm thiểu ô nhiễm với sức khỏe thì nhóm nhạy cảm là người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp nên ở trong nhà, những người khác nên hạn chế ra đường, với nhóm nâu- tất cả mọi người nên ở trong nhà.

Ngoài ra cần đóng cửa, sử dụng kính mắt, khẩu trang chống bụi mịn khi ra đường, hạn chế tập thể dục ngoài trời trong ngày ô nhiễm.

Vẫn theo Tổng cục Môi trường, để giảm thiểu mức độ ô nhiễm, người dân hạn chế dùng phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện công cộng, tăng cường trồng cây xanh, không hút thuốc lá, không đốt rác, đốt rơm rạ, đốt than tổ ong.

Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống ô nhiễm không khí trong bối cảnh hiện nay, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, một số thành phố khác trên thế giới thường áp dụng các giải pháp như ra thông báo khẩn và đề nghị mọi người theo dõi thường xuyên.

Đồng thời, thông báo nghỉ học đối với một số trường học ở vùng ô nhiễm cao, hạn chế các tiết học ngoài trời ở vùng ô nhiễm ít hơn. Đình chỉ một số cơ sở sản xuất và công trình xây dựng trong ít ngày, phạt nặng và công khai tên những người đốt rác, đốt rơm rạ.

"Hà Nội có thể tham khảo các kinh nghiệm này và cân nhắc triển khai" - TS Hoàng Dương Tùng gợi ý.

Có thể nhận thấy, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tệ hơn, các cơ quan báo chí trong nước đã có thông tin rất nhiều về tình trạng ô nhiễm cũng như cảnh báo đến người dân về mức độ ô nhiễm nguy hại cho sức khoẻ thế nào.

Tuy nhiên, thật khó hiểu bởi dường như cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn xem nhẹ vấn đề bảo vệ không khí. Do đó, vẫn chưa có một khuyến cáo chính thức nào được đưa ra về đợt ô nhiễm không khí được xem là khủng khiếp này.

Hiện, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội chỉ có thêm khuyến cáo với thông tin vắn tắt đến “lạnh lùng”: “AQI 256 – mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn”.

Trên Facebook cá nhân của mình, TS Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, "cần phải có những phản ứng chính sách quyết liệt để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí cho Hà Nội trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn!"

Còn trên các diễn đàn, mạng xã hội, rất nhiều ý kiến người dân bày tỏ mong muốn Chính phủ, chính quyền, các cơ quan liên quan cần sớm đưa ra những giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm tình trạng này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ô nhiễm không khí “khủng khiếp”: Hà Nội xin hãy... vội hơn, quyết liệt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO