Chuyên đề

Ổn định tài chính trung hạn, tăng trưởng kinh tế cao năm 2025: Cơ hội và thách thức

Phùng Xuân Minh - Chủ tịch HĐQT SaigonRatings 07/02/2025 04:06

Bên cạnh rủi ro tỷ giá, chính sách thuế, nhiều yếu tố liên quan đến vốn đầu tư, giá cả hàng hóa, xu hướng xanh... sẽ tác động đến tài chính và tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Kinh tế Việt Nam bước vào năm 2025 với các kỳ vọng về xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh tổng cầu thế giới dần gia tăng; giải ngân vốn đầu tư công định hướng đẩy mạnh và giữ vững ổn định vĩ mô tạo niềm tin và động lực cho việc thu hút dòng vốn FDI; và kích thích tiêu dùng cuối cùng trong nước (chiếm khoảng 63% GDP), phản ánh vai trò quan trọng của động lực này đối với tăng trưởng kinh tế.

TTKT 2025

11 yếu tố tác động

Trong bối cảnh chung, chúng tôi nhận định có một số yếu tố rủi ro, thách thức cũng như thuận lợi, cơ hội có thể tác động lớn tới tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025. Cụ thể:

Thứ nhất, nhu cầu từ bên ngoài của một số nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn còn yếu, trong khi căng thẳng địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng và những bất ổn liên quan đến chính sách của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, có thể tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu, việc làm và triển vọng kinh tế toàn cầu khó khăn sẽ làm gia tăng thêm các tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ hai, nhiều hoạt động kinh tế chính trong nước còn phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng như đầu tư công và đầu tư tư nhân. Xuất khẩu – động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, có thể yếu hơn nếu như tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng. Với điều kiện tiền tệ được Fed tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng, nếu áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài lâu hơn, việc này sẽ dẫn đến tác động truyền dẫn lớn hơn đến lạm phát trong nước trong thời gian tới.

Chúng tôi cho rằng, ngành bất động sản năm 2025 sẽ cải thiện tích cực hơn theo chu kỳ phục hồi của thị trường. Tuy nhiên, những khó khăn, trở ngại và yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nếu không được giải quyết hiệu quả và triệt để, có thể dẫn đến hệ quả tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng. Điều này có thể sẽ làm phương hại đến quá trình tăng trưởng kinh tế và làm suy giảm sự ổn định tài chính quốc gia trong trung và dài hạn.

Thứ ba, để nền kinh tế phát triển ổn định trong ngắn và trung hạn và bền vững trong dài hạn. Bên cạnh việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, v.v Việt Nam cần phải tiếp tục tạo lập các động lực tăng trưởng mới và nền móng phát triển vững chắc về thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, kết cấu hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, hạ tầng kinh tế số, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Thứ tư, trong năm 2025, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, trong khi đó, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2024 còn chưa đều. Đầu tư công năm 2024 chưa thật sự tạo động lực bứt phá. Đối với động lực tiêu dùng, chỉ số tiêu dùng trong nước chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào du lịch. Trong xuất khẩu, Việt Nam còn phụ thuộc chủ yếu vào nhóm doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Động lực tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Nếu thị trường thế giới chưa phục hồi mạnh hoặc có những biến động lớn bất thường sẽ có những tác động trực tiếp (hoặc gián tiếp) nhất định đến khả năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ năm, tiêu dùng trong nước tuy có gia tăng, nhưng tăng nhẹ, từ đó làm cho tổng cầu yếu. Tính cả năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391,0 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm trước (năm 2023 tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9% (năm 2023 tăng 6,8%). Điều đáng lưu ý là bán lẻ hàng hóa có tốc độ tăng thấp nhất, đạt 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Và dự báo trong cuối năm 2025, người tiêu dùng trong nước sẽ vẫn tiếp tục hạ chi tiêu để gia tăng tiết kiệm, càng làm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ tăng thấp hơn.

Thứ sáu, tỷ giá USD - VND biến động khó lường. Nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ nhu cầu tiêu dùng của Hoa Kỳ, với sản xuất hàng xuất khẩu phục hồi tích cực, nhưng dễ tổn thương trước sự suy giảm chi tiêu hộ gia đình Hoa Kỳ và thay đổi chính sách thương mại nhằm ngăn chặn nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc qua các nền kinh tế trung gian. Việt Nam có tốc độ tăng xuất khẩu cao nhất vào thị trường Hoa Kỳ, dẫn đầu là hàng dệt may, giày dép, đồ nội thất bằng gỗ và máy móc.

Thứ bảy, huy động vốn đầu tư, nhất là phục vụ gia tăng đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP kinh tế theo mức chỉ tiêu phấn đấu khoảng, với 8% trong năm 2025 có thể sẽ gặp khó khăn, do cân đối thu - chi ngân sách còn hạn chế, dẫn đến số dư cho đầu tư còn ít. Điều này dẫn đến tiết kiệm của khu vực công, từ số dư của thu ngân sách so với chi ngân sách, gần như rất thấp, làm thiếu hụt nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thứ tám, thuế quan và các biện pháp phi thuế quan đều đang được áp dụng ngày càng nhiều trong thương mại quốc tế. Điều này càng gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam đến thị trường lớn thế giới. Năm 2024, ghi nhận 26 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài, tăng cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2024, mà trong đó, Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số vụ việc.

Thứ chín, thu nhập tăng chậm hơn giá nhà ở đặt ra thách thức lớn. Trong năm 2024, giá bất động sản liên tục gia tăng mạnh, dẫn đến kéo dãn khoảng cách giữa giá bất động sản so với mức thu nhập bình quân của người dân. Giá bất động sản gia tăng còn kéo theo giá thuê nhà tăng dẫn đến khả năng của các hộ gia đình tìm kiếm được một căn hộ phù hợp để thuê dài hạn, thay vì mua ngay sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Và khi nhu cầu nhà ở không được đáp ứng, ổn định xã hội sẽ chịu ảnh hưởng và tiềm ẩn các nguy cơ cho các vấn đề xã hội khác.

Thứ mười, Việt Nam đã và đang tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, bao gồm EVFTA và RCEP. Những FTA này mang lại lợi thế lớn cho xuất khẩu nhờ giảm thuế quan, mở rộng thị trường và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu nông sản, thủy sản, dệt may và điện tử đều tăng mạnh, với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt hơn 390 tỷ USD. Các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe từ FTA cũng buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sức cạnh tranh lớn hơn trên thị trường quốc tế.

Cuối cùng, kinh tế xanh và chuyển đổi số sẽ trở thành những ưu tiên chiến lược của Chính phủ Việt Nam nhằm hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Phát triển kinh tế xanh không chỉ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi thế lâu dài. Việt Nam đang và sẽ đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) với tổng công suất lắp đạt năng lượng tái tạo dự kiến đạt khoảng 30% vào năm 2030 và điện hạt nhân.

Chuyển đổi số đóng vai trò không thể thiếu trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực áp dụng công nghệ số để tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải. Chính phủ cũng đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này.

Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025

Kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế năm 2024, tạo đà, khí thế mới để phấn đấu tăng trưởng bứt phá trong năm 2025, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng cao 2026 - 2030 và hiện thực hóa tầm nhìn của Đảng ta về kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

Ngành ngân hàng mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế xã hội của đầu tàu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh minh họa
Năm 2025 kỳ vọng mục tiêu GDP của Việt Nam đạt 8% với nhiều động lực quan trọng. Ảnh minh họa

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 23 - 24/1/2025, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất với mục tiêu tăng trưởng năm 2025, phấn đấu đạt 8% trở lên và tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030 liên tục đạt 2 con số.

Chúng tôi kỳ vọng mục tiêu GDP năm 2025 của Việt Nam đạt 8% trở lên dựa trên các cơ sở như sau:

Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng đã và đang khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế, chính sách, nhằm gỡ bỏ những điểm nghẽn, rào cản của tăng trưởng: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Chứng khoán, v.v. điều này sẽ góp phần làm mới, đẩy mạnh hơn các động lực tăng trưởng truyền thống, như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, v.v.

Đồng thời góp phần đẩy mạnh đầu tư công, khi dư địa vẫn còn rất lớn, dự kiến năm 2025, Chính phủ sẽ có kế hoạch bố trí 800.000 tỷ đồng cho đầu tư công, tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm, như đường cao tốc, sân bay Long Thành, hệ thống cảng biển và đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Từ đó, tạo nhiều dư địa cho việc gia tăng thêm nợ vay của Chính phủ và thúc đẩy chi tiêu đầu tư công, tiêu dùng trong nước.

Việc Chính phủ quyết tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với 154 dự án năng lượng tái tạo để đưa vào sử dụng là cần thiết. Điều này sẽ tiết kiệm được nhiều nguồn lực, tăng cường nguồn năng lượng xanh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là các dự án FDI quy mô lớn.

Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12 năm 2024, của Bộ Chính trị, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” sẽ tháo gỡ các nút thắt về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và giải pháp đột phá để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao, như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây để Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh và kinh tế số.

Cùng với đó, việc Chính phủ quyết liệt đưa vào thử nghiệm các mô hình phát triển mới, hiện đại, tạo đột phá phát triển, xây dựng và vận hành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực sẽ là kênh huy động nguồn vốn lớn đầu tư vào các dự án chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; công nghệ cao trong lĩnh vực: điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen; phát triển công nghệ tài chính; hạ tầng giao thông hiện đại, như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, v.v.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ổn định tài chính trung hạn, tăng trưởng kinh tế cao năm 2025: Cơ hội và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO