Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Ghi nhận của Diễn đàn Doanh nghiệp, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 12, loạt doanh nghiệp địa ốc đã công bố phát hành trái phiếu với mục đích mua bán sáp nhập.
>>> Thông tư 16/2021 gây khó, cổ phiếu bất động sản vẫn dậy sóng
>>> Ai đang ôm trái phiếu bất động sản nhiều nhất?
Mới nhất, ngày 6/12, Tập đoàn Danh Khôi đã công bố phát hành thành công lô trái phiếu có tổng giá trị 1.600 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 18 tháng, với lãi suất cố định 11%/năm. Mục đích phát hành là để tăng quy mô vốn hoạt động để thực hiện các hoạt động mua bán sáp nhập công ty.
Cùng ngày, CTCP Sunshine AM (thành viên tập đoàn Sunshine) cũng công bố phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, mức lãi cố định 11%/năm và để tăng quy mô vốn hoạt động và/hoặc thực hiện các chương trình dự án đầu tư.
Một doanh nghiệp khác là APEC Group cũng phát hành hơn 350 tỷ đồng mục đích tăng quy mô vốn doanh nghiệp.
Trước đó, vào ngày cuối cùng của tháng 11, ông lớn địa ốc Novaland cũng đã công bố phát hành thành công 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn doanh nghiệp, một phần trong đó để thực hiện góp vốn, hợp tác đầu tư phát triển dự án KĐT tại Cỳ Lao - Phước Hưng (Đồng Nai).
Thực tế, việc doanh nghiệp địa ốc huy động vốn từ trái phiếu để thực hiện mua bán sáp nhập, mở rộng quỹ đất đang trở thành điểm nóng thời gian qua. Báo cáo mới đây của công ty chứng khoán SSI cho thấy, 11 tháng đầu năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp với trên 495.000 tỷ đồng phát hành thành công.
Có thể bạn quan tâm |
Trong đó, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là hai nhóm phát hành lớn nhất trên thị trường, chiếm lần lượt 34% và 27,7% tổng khối lượng phát hành, còn lại là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, sản xuất và công ty chứng khoán.
Ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường địa ốc đã chứng kiến những thương vụ mua bán sáp nhập tầm cỡ. Trong đó, mới đây nhất, HĐQT Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt nhận chuyển nhượng 99% phần vốn góp của Công ty Đầu tư Bắc Cường, công ty sở hữu Dự án tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Trong một diễn biến khác, một số doanh nghiệp địa ốc triển khai kế hoạch thâu tóm các dự án bằng cách mua cổ phần. Chẳng hạn, Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (An Gia) đang hoàn thiện pháp lý và lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 một quỹ đất đã mua xong của Công ty CP Năm Bảy Bảy.
Hay Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đã nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 41% tại Công ty CP Đầu tư xây dựng Long An Idico (Long An Idico – sở hữu quỹ đất 130ha tại Long An), thông qua việc công ty thành viên Công ty May Tiến Phát đã mua thành công 11% vốn của Long An Idico.
Ngoài ra, TTC Land còn hợp tác với Tổng công ty Tín Nghĩa để phát triển một dự án mới tại khu vực TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng quy mô hơn 160 ha.
Theo các chuyên gia, bởi lẽ quỹ đất ngày càng khan hiếm, thủ tục triển khai dự án bị siết chặt, mặt khác các chủ đầu tư yếu kém qua các làn sóng dịch khó lòng trụ nổi, buộc phải bán trao tay dự án hoặc chấp nhận chuyển nhượng cổ phần cho các chủ đầu tư khác chất lượng hơn. Do đó, hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp liên quan đến bất động sản đang trở thành xu hướng trong thời gian qua.
Chia sẻ mới đây, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản EZ Việt Nam (EZ Property) cho biết, từ năm ngoái đến nay hoạt động M&A của các doanh nghiệp địa ốc vẫn liên tục diễn ra bất chấp dịch bệnh. CEO EZ Property cũng tiết lộ, đứng sau mỗi đại gia địa ốc đều ghi đậm dấu ấn của một “cá mập” ngân hàng như Techcombank - Masterise, VPBank - MIK, HDBank - Phú Long...
Trong khi đó, ghi nhận mặt tốt khi nhiều dự án được kỳ vọng sẽ "hồi sinh" sau khi được mua bán sáp nhập, song việc các doanh nghiệp địa ốc bùng nổ huy động vốn qua kênh trái phiếu cũng đang trở thành tình trạng đáng báo động.
Mới đây, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đều lên tiếng cảnh báo về tình trạng trên. Đặc biệt, trong công điện về quản lý, thanh tra, kiểm tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 3/12, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính thanh, kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng có liên quan tới doanh nghiệp bất động sản. Kết quả thanh tra cần báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/12.
Đánh giá chung về thực trạng này, theo các chuyên gia tài chính đây không phải là “miếng bánh ngọt” dễ xơi bởi để đạt được thành công trong các chiến lược M&A, vấn đề không hoàn toàn nằm ở việc doanh nghiệp có “tiền tươi” mà quan trọng là phải có khả năng quản lý dòng tiền và năng lực phát triển dự án.
"Nếu chủ đầu tư không có năng lực phát triển dự án rất khó để thực hiện M&A. Đó là chưa kể, sau khi hoàn tất M&A, nếu không khai thác được dự án và ra thành phẩm để bán hàng lợi thế quỹ đất sẽ biến thành gánh nặng tồn kho, chôn vốn" - một chuyên gia chỉ rõ.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp nội nhập cuộc đua M&A bất động sản
14:46, 06/12/2021
Quản lý đất đai liên quan đến an ninh quốc phòng: Chặn kẽ hở từ M&A
15:00, 17/11/2021
Masan thêm thương vụ M&A mới: Mua lại Nhà khai thác mạng di động ảo
10:23, 21/09/2021
Khối ngoại chiếm lĩnh giá trị thương vụ M&A bất động sản
14:51, 31/08/2021